Kinh nghiệm đẩy lùi dịch SARS được áp dựng cho dịch bệnh corona
Cách đây 17 năm, dịch SARS lây lan tới Việt Nam gây ra "đại dịch" khiến cho 65 người bị nhiễm, 6 người tử vong.
Vào ngày 26/2/2003, một thương nhân người Mỹ gốc Hoa mắc bệnh ở Hong Kong, vào Bệnh viện Việt - Pháp - Hà Nội vì sốt, ho và khó thở. Chỉ 5 ngày sau SARS đã lây sang bác sĩ, điều dưỡng, y tá và người bệnh đang nằm viện, đồng thời gây dịch ra cộng đồng (Hà Nội và Ninh Bình).
Sau 17 năm, tới thời điểm hiện tại Việt Nam lại đang phải đối mặt với dịch viêm phổi cấp do virus corona.
Trao đổi với Báo Trí thức trẻ, PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Chuyên gia cao cấp của Trung tâm đáp ứng dịch khẩn cấp (Bộ Y tế) cho biết: cách đây 17 năm vào ngày 28/4/2003, Việt Nam được WHO ghi nhận là nước đầu tiên khống chế được đại dịch, kết thúc 45 ngày kinh hoàng dập dịch.
Những kinh nghiệm trong việc dập "đại dịch" SARS trước đây sẽ được áp dụng rất lớn cho các dịch bệnh sau này.
Ông Phu cho hay kinh nghiệm dập dịch SARS có ý nghĩa rất lớn.
"Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona hiện nay đang lan rộng ra nhiều nước trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam thời điểm này đang là "giai đoạn vàng" để giám sát được bệnh.
Tuy nhiên, để tránh bỏ qua "giai đoạn vàng" này cần phải có sự chung tay rất lớn của người dân. Người dân có biểu hiện ho, sốt, khó thở nếu có dịch tễ liên quan tới vùng dịch (đi từ vùng dịch, tiếp xúc với người mắc bệnh) thì phải khai báo và đến ngay cơ sở y tế", ông Phu nói.
Các kinh nghiệm dập dịch trước đây, phần lớn các ca bệnh đều phát hiện tại các cơ sở y tế. 6 trường hợp mắc virus corona tại Việt Nam cũng được phát hiện tại cơ sở y tế.
Ông Phu phân tích, với kinh nghiệm khống chế dịch SARS, H5N1… thì vấn đề cách ly người bệnh khi mắc bệnh là vô cùng quan trọng. Đây là cách để bệnh không lây lan ra cộng đồng.
Để khống chế các dịch bệnh thành công còn nhờ vào ý thức thực hiện các biện pháp phòng bệnh của mỗi cá nhân là rất quan trọng.
"Theo tôi một điều quan trọng khác trong phòng chống dịch là thông tin phải minh bạch để người dân không hoang mang. Thông tin minh bạch còn là sự nắm bắt thông tin và đáp lại các thông tin phản hồi để huy động nguồn lực người dân. Nếu cứ bưng bít thông tin sẽ dẫn tới sự tiêu cực trong phòng chống dịch.
Khi tình hình dịch diễn biến tới đâu cần phải phân tích triệt để, thấu đáo: khoa học, kinh tế, chính trị để bàn ra các đáp ứng. Chúng ta cần có kế hoạch đáp ứng phù hợp trong mỗi giai đoạn của dịch để làm tốt", ông Phu nói.
Ông Phu cũng cho biết "đại dịch" SARS Việt Nam khống chế thành công sớm đó là nhờ vào sự quyết liệt của các cấp chính phủ, giám sát cách ly ca bệnh.
"Một bí quyết khống chế thành công của dịch SARS là việc mở tung cửa buồng bệnh. Việc mở cửa giúp cho không khí thông thoáng, lưu thông để virus SARS không lưu lại trong buồng bệnh. Tại Bệnh viện Việt Pháp tâm điểm của SARS cách đây 17 năm, các ca lây nhiễm là do không khí tù, dùng điều hoà, đóng kín cửa đã tạo điều kiện cho virus phát triển mạnh.
Bí quyết mở tung cửa giúp phòng thông thoáng áp dụng cho virus corona của rất phù hợp để hạn chế nguy cơ mắc bệnh".
Khó khăn phải đối mặt khi đẩy lùi dịch bệnh virus corona
Ông Phu phân tích, Virus corona là dịch bệnh gây lên do nhiễm virus corona giống như SARS và MERS-CoV. Trong thời điểm hiện tại dù chưa có hiểu biết cặn kẽ về loại virus này, nhưng chúng ta cũng đã biết được con đường lây lan của virus.
Virus lây lan từ động vật sang người. Sau đó, virus này đã lây từ người sang người. Tốc độ lây lan từ người sang người rất nhanh và mạnh, số lượng ca mắc bệnh tăng lên hàng ngày.
Hiện nay, tỷ lệ tử vong của virus corona đang thấp hơn SARS và MERS-CoV.
Ông Phu đánh giá việc có nhiều ca mắc nhẹ sẽ gây ra khó khăn cho công tác cách ly, giám sát. Do người dân không tới cơ sở y tế để khám và được cách lý giám sát.
Dịch bệnh virus corona khác so với MERS-CoV và SARS. Vì MERS-CoV ở Trung Đông nên việc giao thương giữa Việt Nam và Trung Đông diễn ra ít. Dịch SARS khỏi phát ở Trung Quốc vào năm 2003, thời điểm giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc không lớn như thời điểm hiện tại.
Hiện dịch bệnh trong thời gian ngắn đã lan ra 24 quốc gia đây là một khó khăn rất lớn.
"Một khó khăn nữa trong việc phòng chống dịch bệnh corona hiện nay là chúng ta chưa biết chính xác được tính chất lây bệnh như thế nào ví dụ: Thời gian ủ bệnh là bao nhiêu, thời gian ủ bệnh có lây hay không? Có người lành mang virus hay không?...", ông Phu nói.