PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
"Đeo khẩu trang tốt hơn đeo máy thở, ở nhà sướng hơn ở phòng cấp cứu, ở nhà sướng hơn ở bệnh viện". Đây là một trong những câu nói ý nghĩa về phòng chống dịch mà tôi đã rất ấn tượng.
Nhưng điều đã làm tôi ấn tượng mạnh mẽ hơn đó là đề xuất một cuộc sống bình thường cũ. Đó là một cuộc sống ao ước của gần 100 triệu con người Việt Nam mong muốn trở lại nếp sinh hoạt cũ.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề bình thường cũ khi dịch Covid-19 vẫn còn, tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
PV: TP HCM, Bình Dương vừa mới thoát khỏi dịch và bắt đầu trạng thái bình thường mới. Tại sao ông lại đưa ra đề xuất bình thường cũ đúng thời điểm này?
PGS Nguyễn Lân Hiếu: Cuộc sống bình thường cũ có nghĩa là trước đây khi Covid-19 chưa xảy ra chúng ta sống như thế nào thì giờ cần phải sống gần như thế.
Khi đợt dịch thứ 1, 2, 3 xảy ra, chúng ta sử dụng chiến dịch "zero Covid". Khi dịch đã lui, chúng ta dùng tới danh từ bình thường mới. Còn bây giờ chúng ta không thể giữ mãi tình trạng "zero Covid" được vì dịch vẫn tồn tại trong cộng đồng.
Ở đợt dịch thứ 4, chúng ta đã có thêm vũ khí để bảo vệ mọi người trước sự xâm nhập của virus chính là vaccine. Cuộc sống bình thường cũ sau đợt dịch thứ 4 sẽ khác so với giai đoạn của đợt dịch thứ 1,2,3 sau khi dịch qua.
Bình thường cũ chỉ có thể an toàn khi chúng ta tuân thủ đúng 5K, tuân thủ hướng dẫn phòng chống dịch của Bộ Y tế khi xảy ra các ổ dịch nhỏ lẻ hoặc ngay cả khi có các ổ dịch lớn.
PGS Nguyễn Lân Hiếu lưu ý Hà Nội cần phải tăng cường hệ thống y tế.
PV: Khi vẫn có sự hiện diện của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng, việc trở về bình thường cũ có khả thi?
PGS Nguyễn Lân Hiếu: Câu chuyện ở đây không phải là sự khả thi mà là phải xảy ra, không còn cách nào khác. Chúng ta không thể chọn cách cả Việt Nam không có Covid-19. Đây là đại dịch cho nên chúng ta không thể biết tương lai xảy ra như thế nào.
Ở phương diện khoa học, đặc biệt là nhìn vào thực tiễn các nước đã bùng phát dịch và tiêm vaccine nhiều, tôi nhận thấy rằng việc chung sống với Covid-19 sẽ phải kéo dài, không thể kết thúc trong 1 - 2 năm.
Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, chúng ta vừa làm, vừa theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch tễ. Đặc biệt, việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cần phải có kế hoạch chu đáo. Cần phải hiểu, không phải tiêm xong 2 mũi vaccine là chúng ta sẽ yên tâm mở toang tất cả. Chúng ta vẫn phải giữ khoảng cách, khẩu trang, hạn chế hoạt động có nguy cơ lây nhiễm cao để tránh dịch bùng phát trở lại.
PV: Như ông chia sẻ ở trên, virus đang vẫn còn tồn tại trong cộng đồng, nếu bùng phát dịch bệnh trở lại có đáng lo ngại?
PGS Nguyễn Lân Hiếu: Có khả năng dịch có thể bùng phát ở diện nhỏ với tỷ lệ người mắc bị nặng sau khi tiêm chiếm tỷ lệ thấp, tôi nghĩ sẽ không quá lo ngại. Thậm chí, có những trường hợp mắc sau tiêm phòng vaccine chỉ nhẹ bị cảm cúm thông thường.
Nhưng ngược lại, khi dịch bùng phát với số lượng cực lớn sẽ gây ra quá tải y tế. Để dịch không bùng phát lớn, ý thức của mỗi người dân tuân thủ 5K là rất quan trọng.
Đặc biệt, chúng ta cần phải có một hệ thống theo dõi dịch khoa học, lâu dài. Chính quyền địa phương cần phải chú ý tới y tế hơn, cần phải nâng cao năng lực y tế cơ sở từ cấp tỉnh/thành phố đến cấp huyện thậm chí là phải tới cấp xã.
Cần phải có quy trình theo dõi, xử lý khi dịch bùng phát nhỏ lẻ, không để dịch bùng lớn như ở TP HCM hay vùng Đông Nam Bộ
PV: Hiện nay, tại Hà Nội, số ca bệnh không cao và tỷ lệ người phủ vaccine lớn tương tự như TP HCM, Bình Dương. Liệu Hà Nội có thể trở về trạng thái bình thường cũ như ông đề xuất không?
PGS Nguyễn Lân Hiếu: Bạn thấy đấy, Hà Nội hiện nay đang có cuộc sống bình thường cũ. Mọi người đã được ra đường, đi làm trở lại, được ăn nhà hàng…
Tuy nhiên, tôi cần phải nhắc nhở, hệ thống y tế tại Hà Nội phải năng động hơn nữa. Các trạm y tế phường phải trang bị thiết bị để tập huấn để các nhân viên y tế tuyến phường có thể xử lý được ngay lập tức ổ dịch nhỏ.
Không để xảy ra việc lúng túng hay áp dụng chế độ "zero Covid" như trước đây.
Hiện nay, nhân viên y tế phường đi tìm ca Covid-19, khoanh vùng và đưa đi cách ly. Nhưng giờ phải ngược lại, khi xuất hiện trường hợp dương tính, nhân viên y tế sẽ đánh giá, phân loại mức độ nguy cơ của trường hợp dương tính. Nếu người nhiễm virus không có yếu tố nguy cơ thì có thể cho trường hợp đó theo dõi và chăm sóc tại nhà.
Như vậy, trình độ phân loại ca bệnh, theo dõi điều trị của nhân viên y tế cấp phường xã cần phải được nâng cao hơn.
Hiện nay, tôi thấy Hà Nội chưa làm được việc phân loại và theo dõi ca bệnh ở cấp xã, phường.
Chúng ta đã để quá lâu không quan tâm tới chuyên môn của người làm y tế cấp phường/ xã, coi họ không phải là người chữa bệnh mà chỉ là người phòng dịch thông thường.
Vì vậy thành phố cần phải đào tạo nhân viên y tế cấp xã/ phường ngoài nhiệm vụ phòng dịch thì cần phải chữa bệnh (chẩn đoán và điều trị). Cụ thể, chẩn đoán ở đây phải phân loại bệnh tật; điều trị là cung cấp các phương tiện để chữa bệnh, theo dõi.
PV: Nếu để virus lây lan tự do trong cộng đồng, liệu có khả năng xuất hiện biến thể mới không?
PGS Nguyễn Lân Hiếu: Virus nào khi lây lan cũng đều xuất hiện có biến thể. SARS-CoV-2 không phải là ngoại lệ. Nhưng tôi hy vọng theo diễn biến tự nhiên, độc lực của virus sẽ giảm đi. Các biến thể mới nếu có xuất hiện cũng sẽ không đáng ngại. Tuy nhiên, dịch bệnh rất khó nói trước.
Cảm ơn ông, chúc ông sức khỏe và thành công!