Đã đến lúc xét nghiệm cộng đồng chưa?
Theo GS Nguyễn Văn Tuấn – Chuyên gia dịch tễ tại Úc, trong trận dịch Covid-19 câu hỏi quan trọng nhất là liệu có nhiều ca tiềm ẩn trong cộng đồng chưa được phát hiện không?
Một nhóm nghiên cứu Nhật đã phân tích số liệu trên 565 công dân Nhật ở Vũ Hán được chở về Nhật khi trận dịch bùng phát. Trong số này, có 13 người (2.3%) bị nhiễm SARS-Cov-2. Trong số 13 người bị nhiễm, có 3 người (31%) chưa bao giờ có triệu chứng.
Một phân tích khác có nhiều số ca hơn là số liệu thu thập từ du thuyền Diamond Princess. Du thuyền Diamond Princess có 3.711 hành khách và thủy thủ đoàn, và trong số này có 619 người (17%) bị nhiễm. Một phân tích sâu hơn cho thấy trong số những ca bị nhiễm, có đến 18% không hề biểu hiện triệu chứng nhưng vẫn có thể lây nhiễm.
Đã đến lúc xét nghiệm cộng đồng chưa?
Một phân tích khác từ Vũ Hán cho ra kết quả rất ngạc nhiên có khoảng 59% những ca bị nhiễm 'lang thang' trong cộng đồng. Những người này không hề được xét nghiệm, có lẽ không có triệu chứng nhưng họ có thể lây nhiễm sang người khác.
GS Tuấn cho rằng, tình hình dịch ở Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trên thế giới. Nhưng con số ca nhiễm thì có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây. Để chặn đứng xu hướng gia tăng ca bệnh Việt Nam nên thực hiện chiến lược xét nghiệm cộng đồng.
Xét nghiệm SARS-CoV-2 đã trở thành một trong những biện pháp để giúp giảm quy mô dịch tại Vũ Hán. Bài học về thành công trong việc kiểm soát dịch đến từ Hàn Quốc và Đức. Cả hai nước này làm xét nghiệm cộng đồng. Hàn Quốc đã làm xét nghiệm cho 286.716 người, còn Đức thì con số chưa rõ, nhưng họ có thể làm xét nghiệm 12.000 người mỗi ngày.
Hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam vẫn ưu tiên xét nghiệm khu vực nguy cơ cao
Trao đổi với chúng tôi, PGS Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết hiện Việt Nam chưa thế xét nghiệm cộng đồng như Hàn Quốc đã làm vì không đủ kinh phí, test kít để áp dụng.
Trong dịch Covid-19, Việt Nam vẫn ưu tiên xét nghiệm khu vực có nguy cơ. Ví dụ như việc xét nghiệm gần 5.000 người là nhân viên y tế, người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai cũng có thể xem xét nghiệm cộng đồng nhưng không thể xét nghiệm ra toàn xã hội.
Trước nhiều ý kiến đã đưa lên Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 cho xét nghiệm dịch vụ để người dân có nhu cầu sẽ trả phí, PGS Phu khẳng định điều này không thể áp dụng được vì sẽ "vỡ trận" như khẩu trang y tế.
Xét nghiệm chỉ dành cho người có nguy cơ như F1, có thể F2 nguy cơ cao. Nếu xét nghiệm dàn trải sẽ không còn test hóa chất để xét nghiệm cho những người cần. Tương tự giống như khẩu trang y tế dành cho nhân viên y tế cũng không còn nhiều.
PGS Phu khuyến cáo người dân nâng cao cảnh báo phòng bệnh cá nhân như: rửa tay, đeo khẩu trang và thực hiện việc hạn chế đến nơi đông người, nơi lễ hội, đền chùa. Ở cơ quan nên mở cửa thông thoáng, bật quạt thông gió, ở nhà nên vệ sinh đồ dùng trong nhà thường xuyên. Những người bị ho, sốt nên liên hệ tới các cơ sở y tế để được tư vấn.