Quan trọng nhất phải phát hiện các bệnh dịch tại chỗ
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19 PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Chuyên gia cao cấp của Trung tâm đáp ứng dịch khẩn cấp (Bộ Y tế) chia sẻ, hiện nay dịch bệnh Covid-19 đã ghi nhận trường hợp mắc ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài Trung Quốc. Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh lây lan tại Việt Nam là rất lớn.
Dịch Covid-19 đang bùng phát ở Châu Âu rất mạnh. Italy đã tuyên bố phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn lại dịch bệnh đang gia tăng. Tại Việt Nam 15 trường hợp mắc Covid mới được xác định có tới 12 trường hợp đi trên cùng chuyến bay VN0054 từ Anh về Việt Nam.
PGS Phu cho hay: "Nếu không làm tốt, những trường hợp đó lây lan trong cộng đồng thì dịch sẽ bùng phát trong chính nội địa của nước ta. Điều quan trọng nhất hiện nay là phát hiện các bệnh dịch tại chỗ để tổ chức cách ly, dập dịch, khoanh vùng gọn".
Theo PGS Phu tại Hà Nội xuất hiện 4 ca lây nhiễm Covid-19. Trong đó, có 2 trường hợp đi trên cùng một chuyến bay VN0054, 2 trường hợp còn lại mắc do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh (F0, bệnh nhân số 17).
Dịch Covid-19 đang lan rộng ra nhiều nước.
"Chúng ta đã xác định được được nguồn lây và tổ chức cách ly tốt nên không quá đáng ngại. Tuy nhiên, để dập dịch thành công rất cần có sự chung tay của người dân trên cả nước. Người dân không nên quá hoang mang lo lắng hãy tin tưởng vào ngành y tế", PGS Phu nói.
Với những diễn biến của dịch bệnh như hiện nay chuyên gia lưu ý người dân không nên nghe theo những tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội, không nhất thiết tích trữ thực phẩm, không di tản để tránh dịch…
Người dân nên theo dõi tin tức dịch bệnh trên trang web của Bộ Y tế, khai báo trung thực, thực hiện các biện pháp phòng chống ô nhiễm, khử khuẩn, vệ sinh môi trường cá nhân, đặc biệt rửa tay với xà phòng. Đó là những biện pháp cần thiết vừa phòng bệnh cho mình, sau đó là gia đình và cộng đồng.
Ông Phu cảnh báo: "Nếu không có sự trung thực khi khai báo y tế, người mắc sẽ lây cho chính gia đình của mình đầu tiên, chẳng hạn trường hợp cô gái số 17".
Không cần phải quá hoang mang khi nơi sống có bệnh nhân cách ly tại nhà
Theo ông Phu việc phân loại cách ly là các để tạo ra các chốt chặn ngăn dịch bùng phát trong cộng đồng.
Hiện Bộ Y tế đã phân loại cách ly như sau:
- Các trường hợp nhiễm Covid-19 được coi là F0, những người tiếp xúc gần, tiếp xúc trực tiếp với người mắc này được gọi là F1. Tiếp đến, những người có tiếp xúc gần với F1 được hiểu là là F2, tiếp xúc gần với F2 là F3 và các trường hợp tiếp xúc gần khác (F4, F5,...).
- Đối với những trường hợp F0, F1 sẽ phải cách ly tại các cơ sơ y tế có sự giám sát chặt chẽ. Còn đối với các trường hợp F2, F3 có thể chủ động cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà. Việc tự cách ly của các trường hợp này được giám sát bởi y tế cơ sở để đảm bảo người tự cách ly không rời khỏi nơi cư trú.
- Mỗi ngày, nhân viên y tế sẽ đến đo nhiệt độ, kiểm tra sức khỏe 2 lần. Người dân sống trong khu vực bắt buộc phải hạn chế tiếp xúc với những người đang cách ly. Việc cách ly tại nhà và cách ly tập trung hiện đều đảm bảo an toàn cho những khu vực xung quanh.
PGS Phu cho hay: "Những trường hợp cách ly tại nhà, ngay cả khi nhiễm bệnh, những người này cũng không có nguy cơ lây nhiễm ra môi trường xung quanh nếu không có sự tiếp xúc gần. Do đó, người dân không cần lo lắng khi sống trong khu vực có các trường hợp đang tự cách ly tại nhà".
Người dân sống trong khu vực có người cách ly tại nhà nên giữ thái độ bình tĩnh, chủ động phòng tránh dịch bệnh bằng các biện pháp cụ thể như sát khuẩn, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng,… Nếu người dân hãy chủ động bảo vệ sức khỏe là biện pháp tốt nhất để phòng dịch.