Đau bụng quanh rốn đi khám ra ung thư
Ông Nguyễn Văn H. (70 tuổi, nam, Hà Nội) đi khám bệnh vì thường xuyên đau bụng quanh rốn, hạ vị. Ông H. đã đến bệnh viện khám.
Bệnh nhân H. cho biết: Khoảng 1 tháng nay, bệnh nhân thi thoảng xuất hiện đại tiện phân nát, không nhày, không lẫn máu. Kèm theo đau bụng âm ỉ vùng quanh rốn, hạ vị, không quặn thành cơn.
Khi tới khám bệnh, làm xét nghiệm bộ dấu ấn ung thư đại trực tràng, trong đó có chỉ số CEA là 8.92 ng/mL tức tăng gấp đôi giới hạn bình thường.
Ngay sau đó, bác sĩ đã yêu cầu bệnh nhân làm các xét nghiệm cận lâm sàng chuyên sâu vì các triệu chứng bất thường về đại tiện và chỉ số CEA tăng, để loại trừ nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Hình ảnh tiêu bản của bệnh nhân H.
Bệnh nhân đã được các bác sĩ nội soi đại trực tràng. Kết quả nội soi đại tràng có 01 polyp kích thước xấp xỉ 3mm. Bệnh nhân đã được bác sĩ tiến hành cắt polyp ngay khi phát hiện bằng Snare - thủ thuật thuận lợi và không gây đau, khó chịu cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, qua nội soi bác sĩ phát hiện tại vị trí trực tràng cách rìa hậu môn khoảng 10cm, có 01 khối sùi loét kích thước xấp xỉ 3cm, bờ nham nhở, chạm đèn soi dễ chảy máu. Trước tổn thương nghi ngờ ác tính, bác sĩ đã tiến hành sinh thiết 5 mảnh tại khối sùi làm giải phẫu bệnh. Kết quả bệnh nhân H. bị ung thư trực tràng.
Trường hợp của bệnh nhân H, sau khi hội chẩn với PGS.TS Đoàn Hữu Nghị - Nguyên Giám đốc bệnh viện E, Phó Chủ tịch hội Ung thư Hà Nội cho biết bệnh nhân H. đã được chỉ định chụp cắt lớp vi tính đánh giá thêm.
Chụp cắt lớp vi tính trong bệnh lý ung thư đại trực tràng có ý nghĩa rất quan trọng để đánh giá chính xác kích thước, vị trí của tổn thương; đánh giá mức độ xâm lấn ra các cơ quan lân cận; đánh giá tổn thương di căn các hạch cũng như các tạng ở xa như gan, phổi, xương...
Hình ảnh chụp CT128 dãy có tiêm thuốc cản quang của bệnh nhân H. cho thấy ngoài tổn thương ung thư trực tràng, bệnh nhân còn có vài hạch trong ổ bụng và khoang sau phúc mạc. Điều này giúp bác sĩ có định hướng tốt hơn trong cuộc phẫu thuật cắt bỏ khối u. Bệnh nhân H. đã được chuyển vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô để phẫu thuật.
"Chìa khoá" để chữa bệnh
Theo PGS Nghị, ung thư đại trực tràng xếp thứ 2 thế giới về số lượng người mắc, ngang hàng với ung thư gan nguyên phát. Tuy nhiên, khả năng chữa khỏi ung thư đại tràng cao hơn so với các bệnh ung thư đường tiêu hóa khác.
Bác sĩ nội soi đại trực tràng để phát hiện sớm ung thư.
Các chuyên gia ghi nhận, số bệnh nhân ung thư đại tràng sau phẫu thuật sống thêm được 5 năm nhiều hơn bệnh nhân ở ung thư gan, ung thư dạ dày hay ung thư thực quản. Trường hợp của bệnh H. đã rất may mắn phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm nên cơ hội kéo dài sự sống của bệnh nhân sẽ được tới 10 năm.
Việc điều trị thành công cao hay thấp phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh. PGS Nghị cho biết cách tốt nhất mọi người, đặc biệt là những người trên 40 tuổi cần chú ý khi thấy các bất thường đường tiêu hoá cần vào bệnh viện kiểm tra sàng lọc sớm. Ung thư đại trực tràng phát hiện sớm bao nhiêu cơ hội chữa bệnh thành công cao bấy nhiêu.
Các dấu hiệu sớm của bệnh được coi là chìa khoá để trị bệnh. Các dấu hiệu của ung thư đại trực tràng hay gặp như:
Thứ nhất, người bệnh cảm thấy ợ hơi, chậm tiêu, chướng bụng, đau bụng nhẹ.
Thứ hai, rối loạn đi ngoài như hay mót đại tiện, táo bón, khó rặn,...
Thứ ba, các rối loạn bài tiết phân, táo bón hay đi phân lỏng bất thường, kéo dài, phân nhỏ so với bình thường, có máu trong phân; các dấu hiệu khác mệt mỏi, sụt cân,...
Do vậy, tầm soát ung thư đại trực tràng nên được thực hiện định kỳ, ngay cả khi cơ thể bạn không xuất hiện các dấu hiệu nói trên.
Thời gian thực hiện tầm soát là 6 tháng/lần, nhất là những nhóm có nguy cơ cao như: người trên 50 tuổi. Cá nhân hoặc người thân trong gia đình có tiền sử bệnh lý liên quan đến đường ruột, polyp đại tràng, polyp trực tràng, ung thư đại trực tràng,…
Người thường xuyên bị táo bón, đại tiện ra máu không rõ nguyên nhân. Người có lối sống ăn uống không lành mạnh, thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia,… Người bị viêm loét đại trực tràng, có tiền sử mắc bệnh Crohn.