Pantsir-S1 phiêu lưu khó tin trong chiến sự Azerbaijan và Armenia: Hơn cả "bom tấn"!

Bảo Lam |

Tổ hợp pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S1 của Armenia bị UAV TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt trong chiến sự Azerbaijan và Armenia được coi là "tin giật gân hiếm có"!

Trong bài viết mang tựa đề "Невероятные приключения «Панциря» в Карабахе: А был ли мальчик? - Những cuộc phiêu lưu khó tin của "Pantsir" tại Karabakh", chuyên gia người Nga Victor Sokirko đã đưa ra những bình luận "bom tấn".

Sự giả dối càng quái đản

Theo chuyên gia này, trong chiến tranh hiện đại, bên cạnh bom rơi đạn nổ còn có một cuộc chiến khác với những điều giả dối bằng công nghệ thông tin. Chúng làm cho người ta bị thương còn đau đớn hơn mảnh bom và đạn, tất nhiên mục đích thì chỉ có một - hạ gục đối phương.

Trong chiến sự Azerbaijan và Armenia ở Nagorny - Karabakh, công tác tuyên truyền cũng được tích cực áp dụng, mà theo đúng phương châm của nhà tư tưởng phát xít Joseph Goebbels: "Chúng ta sẽ không tìm kiếm sự thật, mà là hiệu ứng".

Nếu như theo các báo cáo của những cơ quan tuyên truyền của hai phe, thì trong vòng một tháng xung đột vừa qua, số lượng khí tài các bên tiêu diệt của nhau đã vượt quá cả con số thực tế mà họ sở hữu.

Tất cả các xe tăng đã bị thiêu rụi, số lượng UAV bị bắn rơi tới mức không tưởng, không còn cả pháo binh lẫn tên lửa - dường như họ đang phải chiến đấu bằng tay không.

Những tin tức thắng trận "đã tiêu diệt" mọi thứ có thể, phải nghĩ ra thứ gì đó hoành tráng để gây hiệu ứng mạnh hơn.

Và vũ khí của các nước thứ ba, mà được coi là những bên liên quan gián tiếp của cuộc xung đột như Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng được tung vào vòng xoáy này. Như người ta vẫn nói, để tạo thêm hiệu ứng, hoặc giống một phát ngôn trong quá khứ: "Sự giả dối càng quái đản bao nhiêu, thì người ta càng muốn tin nó bấy nhiêu".

Thông tin phát đi từ Ba-cu về việc 2 tổ hợp tên lửa đạn đạo xuyên lục địa "Yars" bị tiêu diệt tại Karabakh có thể gọi là "bom tấn". Người đề cập đến thông tin này không ai khác chính là tổng thống Azerbaijan Ilkham Aliev.

Tính không đáng tin cậy trong trường hợp này rõ tới mức bản thân ngài Aliev cũng không tin, nhưng nó mang lại hiệu ứng đối với người dân của Azerbaijan.

Làm sao một người dân Azerbaijan bình thường có thể biết được RS-24 "Yars" là tổ hợp tên lửa chiến lược, với quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhiên liệu rắn, mà chỉ có trong biên chế Binh chủng tên lửa chiến lược của Nga.

Đúng, ngoài phiên bản sử dụng giếng phóng, tổ hợp này còn có phiên bản cơ động, nhưng làm thế nào để nó tới được Karabakh? Và "Yars", với tầm bắn lên tới 11-12 nghìn km tới đây để bắn hạ những mục tiêu nào? Không lẽ Moscow mang ra để doạ Washington.

Pantsir-S1 phiêu lưu khó tin trong chiến sự Azerbaijan và Armenia: Hơn cả bom tấn! - Ảnh 2.

2 tổ hợp tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars "của Armenia bị Azerbaijan" tiêu diệt!

Dường như đã có chiến dịch truyền thông được tổ chức bằng "những tin giật gân" liên quan tới việc tiêu diệt vũ khí của kẻ địch, khi truy cập vào mục "Vũ khí hiện đại của quân đội Nga" trên trang Wikipedia.

Làm sao có thể khác được nếu như phần lớn vũ khí của Armenia là do Nga hoặc Liên Xô sản xuất? "Yars" theo vần Y - nằm ở cuối danh sách, nếu di chuột ngược trở lại đến vần "P" – sẽ thấy "Pantsir".

Các cố vấn người Thổ đã gật đầu cương quyết: "Hạ gục cả nó đi, thật tuyệt!".

Thông tin về việc tổ hợp pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S1, vốn chưa từng có mặt ở Nagorny - Karabakh lại bị tiêu diệt tại đó, đã xuất hiện như thế.

Được biết rằng trước cuộc xung đột vũ trang tại Karabakh nổ ra, Nga chưa từng cung cấp Pantsir-S1 cho cả Armenia, lẫn Azerbaijan. Thổ Nhĩ Kỳ cũng không hề có những tổ hợp tương tự, mặc dù chúng có thể cần để bảo vệ tầm gần cho các hệ thống tên lửa phòng không S-400 "Triumf" mà Ankara đã mua của Nga.

Những tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 này được cho là cũng hiện diện trong vùng, tại căn cứ quân sự của Nga ở Armenia, để bảo vệ các đơn vị của mình tại Gyumri và Erebuni (căn cứ không quân ở ngoại ô Erevan).

Khi cuộc xung đột vũ trang nổ ra tại Karabakh, Tổng thống Armenia Nikol Pashinyan đã yêu cầu Moscow cung cấp thêm vũ khí, bao gồm cả "Pantsir", nhưng không nhận được cái gật đầu.

Được biết rằng từ hồi tháng 12/2019, Moscow đã cung cấp cho Erevan các tổ hợp tên lửa phòng không đa năng Tor-M2KM có ngoại hình của chúng hơi giống với Pantsir-S1 trên khung gầm xe bánh hơi.

Đề tài liên quan tới Pantsir đã tạm dừng đối với Armenia, vì lý do các kíp chiến đấu chưa được huấn luyện. Có nghĩa chỉ bàn giao những tổ hợp này cho người Armenia không thôi sẽ là việc vô nghĩa - cần phải biết điều khiển chúng.

Pantsir-S1 phiêu lưu khó tin trong chiến sự Azerbaijan và Armenia: Hơn cả bom tấn! - Ảnh 3.

Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1

Vận hành Pantsir-S1 ở Karabakh bằng các kíp điều khiển người Nga là điều không thể - Moscow đã tuyên bố không can thiệp vào cuộc xung đột, nhưng khẳng định những trách nhiệm đồng minh đối với Erevan trong trường hợp bị xâm lược từ bên ngoài.

Vậy tổ hợp Pantsir-S1, một trong những biểu tượng của các cuộc xung đột quân sự gần đây nhất ở Trung Đông và Nam Kavkaz, mà bị UAV Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ "tiêu diệt" theo thông báo do phía Azerbaijan phát đi là của ai? Của Iran? Của Nga? Hoặc là sự thêu dệt của các chuyên gia tuyên truyền người Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ?

UAV Bayraktar đã kịp được người ta đặt tên là "sát thủ diệt Pantsir", khi dẫn chứng các trường hợp những tổ hợp này bị UAV tiêu diệt ở Syria và Libya. Đúng là từng có những trường hợp như thế.

Cụ thể, vào tháng 5/2018, tổ hợp Pantsir-S1 của quân đội Syria đã bị tên lửa của Israel tiêu diệt. Trong những bức ảnh được đăng tải trên mạng khi đó có thể thấy rõ rằng kíp chiến đấu đã không sẵn sàng trước cuộc tấn công, và bản thân tổ hợp này gần như không được bảo vệ.

Ở Libya, hai tổ hợp của lực lượng LNA do tướng Haftar chỉ huy đã bị tiêu diệt - cả hai đều ở trong trạng thái không sẵn sàng. Đó là những cú tát nhằm vào danh tiếng tổ hợp này của Nga.

Giới quân sự Nga cũng có những phàn nàn đối với "Pantsir-S1". Tổ hợp này chứng tỏ khả năng kém khi bắn vào những mục tiêu có khả năng cơ động lắt léo với bán kính nhỏ, chỉ hiệu quả trong cự ly 20km.

Một hạn chế nghiêm trọng của tên lửa trang bị cho Pantsir-S1 là khả năng cơ động trong hành trình không tốt khiến chúng gặp khó trong quá trình dẫn bắn tới mục tiêu. Tổ hợp Pantsir-S1 được cho là có hiệu suất bắn hạ UAV và trực thăng không cao, còn trong cuộc chiến với các tên lửa thì nó cũng hơi yếu.

Nga nhận ra vấn đề rất nhanh

Phiên bản nâng cấp sâu Pantsir-SM được nghiên cứu chế tạo từ năm 2013 và lần đầu tiên được giới thiệu tại Diễn đàn Kỹ thuật - Quân sự quốc tế ARMY-2017 rồi sau đó được bàn giao cho quân đội Nga từ năm 2018, là để thay thế cho Pantsir-S1.

Được biết rằng tổ hợp mới được trang bị radar siêu mạnh và tên lửa siêu thanh thế hệ mới, với bán kính hoạt động lên tới 60km. Và đây là tổ hợp Pantsir hoàn toàn mới, thậm chí nó có ngoại hình khác biệt bởi kích thước lớn hơn bởi được đặt trên khủng gầm xe KamAZ-"Tornado" 4 cầu chủ động (8x8) với buồng lái chống đạn.

Pantsir-S1 phiêu lưu khó tin trong chiến sự Azerbaijan và Armenia: Hơn cả bom tấn! - Ảnh 4.

Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-SM

Như kiến trúc sư trưởng của tổ hợp này, ông Valery Slugin chia sẻ rằng UAV không phải là mục tiêu chính của Pantsir, tổ hợp này được thiết kế để chống lại các tên lửa của hệ thống pháo phản lực bắn loạt, mìn, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo chiến thuật và tên lửa siêu thanh.

"UAV ngay từ đầu là một trong những loại mục tiêu mà "Pantsir" phải chống lại. Vào thời điểm chế tạo tổ hợp, những mục tiêu từng là các máy bay khá lớn và có vận tốc cao.

Sau này UAV trở nên bé nhỏ hơn, với diện tích phản xạ radar hiệu dụng nhỏ, bay ở tầm thấp. Yếu điểm của tất cả các hệ thống radar chính là việc xác định những mục tiêu không lớn, với vận tốc chậm.

Khi chúng bay với tốc độ chậm và ở tầm thấp, trong bối cảnh những nhiễu tự nhiên phản xạ mạnh từ mặt đất, radar nhìn vòng sẽ "cứng họng". Đó là một vấn đề rất phức tạp, tuy nhiên Pantsir giải quyết được nó", hãng thông tấn TASS trích lời ông Slugin.

Không có gì ngạc nhiên, khi các quan sát viên Thổ Nhĩ Kỳ gợi ý, thì đã xuất hiện thông tin về việc một tổ hợp pháo-tên lửa phòng không "không thể nhận dạng" bị tiêu diệt ở Karabakh - Thổ Nhĩ Kỳ có những sự khó chịu đặc biệt.

Được biết rằng Pantsir-S1 cùng với Buk-M2E đã gây ra tổn thất về tinh thần và vật chất cho nhà sản xuất UAV Bayraktar ТВ2 của Thổ Nhĩ Kỳ - chưa đầy một năm đã có gần 100 UAV loại này bị tiêu diệt.

Hiện nay, hoạt động sản xuất chúng đã bị ngưng trệ vì Canada (công ty Bombardier Recreational Products) từ chối cung cấp động cơ của những UAV này cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Pantsir-S1 bắt đầu "tiêu diệt" thông qua những công nghệ của các cuộc chiến tranh thông tin. Ít ra, thông tin về việc "Bayraktar" đã tiêu diệt Pantsir nghe rất kêu. Nhưng cũng chỉ dừng lại đó mà thôi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại