Pakistan nhận JF-17 Block 2 từ Trung Quốc, Block 3 liệu có thay thế được F-16 Viper?
Ngày 22/5, tờ Sputnik dẫn nguồn Global Times của Trung Quốc đưa tin về việc nước này đã chuyển giao đơn hàng máy bay chiến đấu JF-17 Block 2 nâng cấp mới nhất cho Pakistan.
Theo tờ The Diplomat thì đơn hàng cuối cùng gồm 3 chiếc JF-17 Block 2 sẽ được giao vào tháng 6. Như vậy Block 2 của JF-17 có khả năng sẽ kết thúc sớm để triển khai sang phiên bản Block 3 vào cuối năm 2019.
JF-17 là một dự án chung giữa hai nước Trung Quốc và Pakistan nhằm phát triển và sản xuất hàng loạt máy bay chiến đấu đa chức năng trang bị trong không quân hai nước và xuất khẩu.
Ngoài việc nâng cấp JF-17 lên Block 3, Pakistan dự kiến sẽ sản xuất 26 biến thể hai chỗ ngồi JF-17B từ 2019 tới 2021.
Fu Qianshao, chuyên gia phòng không Trung Quốc bình luận Block 3 hiện tại đang ở giai đoạn kiểm nghiệm thực tế và thu thập kinh nghiệm để tiêu chuẩn hóa công việc đại tu trong tương lai.
JF-17 "Thunder", còn được gọi là CAC FC-1 "Kiêu Long" sản xuất lần đầu tiên vào năm 2007, là kết quả hợp tác bởi Tổ hợp hàng không Pakistan (PAC) và Tập đoàn máy bay Thành Đô (CAC) của Trung Quốc.
Khung thân máy bay JF-17 được sản xuất theo tỉ lệ PAC 58% và Thành Đô là 42%, tuy nhiên bộ phận quan trọng nhất của máy bay là động cơ cho tới thời điểm hiện tại vẫn sử dụng động cơ RD-93 do Nga sản xuất.
Theo Global Times,JF-17 Block 3 bao gồm một radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA), đi kèm một màn hình hiển thị và hệ thống quan sát gắn trên mũ phi công.
Buồng lái của JF-17 Pakistan tại sân bay Sargodah.
Hệ thống radar này theo nhà sản xuất sẽ mạnh "hơn bất cứ thứ gì trong tay Ấn Độ", tuy nhiên tuyên bố này chưa tính tới radar quét mảng điện tử thụ động Bars (Báo) của Su-30MKI.
Radar AESA được cho là sẽ kết hợp với các tên lửa không đối không tầm xa mới như PL-15 (phạm vi tấn công hiệu quả 150km) khiến các phi đội của Pakistan có lợi thế rõ ràng trong chiến đấu với đối thủ Ấn Độ.
Tuy nhiên, vai trò của JF-17 Block 3 trong không quân Pakistan có lẽ vẫn chưa thể thay thế được những chiếc F-16. Pakistan tiếp tục mua F-16 đã qua sử dụng và hay dư thừa. Năm 2016, Pakistan được cho là đã mua 14 máy bay F-16 A/B từ Không quân Hoàng gia Jordan (RJAF).
Pakistan cũng đang nâng cấp tổng cộng 74 chiếc F-16 A/B mà họ sở hữu. Ngoài chương trình kéo dài tuổi thọ khung máy bay (SLEP) việc nâng cấp sẽ bao gồm gói radar quét mảng điện tử chủ động (AESA) AN/APG-83.
Nâng cấp này sẽ biến năng lực của F-16 A/B Pakistan lên tương đương với phiên bản F-16 Viper của Đài Loan.
F-16 A/B của Pakistan được nâng cấp lên tiêu chuẩn tương tự F-16 Viper của Đài Loan nhờ vào đối tác TAI của Thổ Nhĩ Kỳ.
JF-17 chỉ là "mồi nhử", F-16 mới thực sự bắn rơi MiG-21 Bison Ấn Độ?
Cuối tuần trước, tờ Economic Times của Ấn Độ trích dẫn nguồn tin chính phủ nước này nói rằng Không quân Pakistan lo ngại về sự an toàn của các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất nếu vòng xoáy xung đột với Ấn Độ được tái kích hoạt.
Các nguồn tin Ấn Độ cho biết F-16 Pakistan đã được đưa từ căn cứ không quân tiền phương thuộc tỉnh Punjab đến các sân bay khác.
Hành động này được cho là sử dụng chiến thuật phân tán để tránh tổn thất lớn do một cuộc không kích của Ấn Độ tương tự như trận không kích hôm 26/2 tại Balakot, Kashmir.
Các thông số cho thấy thiết kế bên ngoài của JF-17 vay mượn rất nhiều từ F-16 tuy nhiên năng lực thì lại thua kém rất nhiều (Nguồn Graphic News).
Ngày 27/3, Ấn Độ và Pakistan tiến hành một cuộc không chiến tại Đường kiểm soát thực tế (LOC) ở Kashmir.
Pakistan thông báo rằng họ đã bắn hạ hai máy bay phản lực Ấn Độ vượt qua LOC. Không quân Ấn Độ chỉ xác nhận việc mất một máy bay và đưa ra tuyên bố máy bay MiG-21 "Bison" của họ cũng đã bắn hạ một chiếc F-16 của Pakistan.
Phía Pakistan đã bác bỏ việc các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ chế tạo tham chiến hoặc tổn thất và tuyên bố JF-17, chứ không phải F-16 đã tham chiến chống lại MiG-21 "Bison" Ấn Độ.
Các động thái bảo vệ F-16 nói trên của Pakistan khẳng định mức độ quan trọng của F-16 với Pakistan nếu so với JF-17. Quyết định phân tán F-16 có thể do khả năng mua sắm mới những chiếc F-16 của Pakistan trong tương lai sẽ khó khăn hơn.
Pakistan vẫn giữ JF-17 trong vai trò tiêm kích đánh chặn tầm ngắn ở LOC là do khả năng tự sản xuất bù đắp thiệt hại trong chiến tranh tiêu hao. Ngoài ra nhiều thông tin cho rằng quyết định đẩy JF-17 lên tuyến đầu này được cho là do giá thành JF-17 chỉ bằng 1/3 so với F-16.
Tuy nhiên, nếu các tuyên bố của Pakistan về chi phí sản xuất JF-17 là chính xác (25 triệu USD với Block 1 và 28 triệu USD với Block 2) thì JF-17 có giá gần bằng của một chiếc F-16 C/D (29.1 triệu USD theo Military Machine).
Như vậy yếu tố tiếp tục lựa chọn F-16 là "xương sống" của không quân Pakistan được cho là phụ thuộc rất nhiều vào năng lực thực sự của máy bay. Đây được coi một sự thực không thể chối cãi và là một đòn đánh mạnh vào niềm tự hào JF-17 của cả Pakistan lẫn Trung Quốc.
Nhiều khả năng máy bay chiến đấu đa nhiệm JF-17 hiện tại có thể vẫn chỉ là "mồi nhử" trong không chiến để F-16 làm nhiệm vụ dứt điểm máy bay đối phương.
JF-17 của Pakistan bay qua ngọn núi Nanga Parbat ở sườn tây của Himalaya thuộc lãnh thổ nước này.