Chưa đầy 24 giờ sau khi kết quả bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga được công bố với chiến thắng thuộc về đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền, tờ Kommersant đăng tải thông tin cho rằng, Nga đang xúc tiến kế hoạch cải tổ các cơ quan an ninh và lực lượng thực thi pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan này.
Trụ sở Cơ quan An ninh Liên bang (FSB). (Ảnh: AFP)
Cải cách sâu rộng
Trong kế hoạch cải tổ này, Nga dự kiến sẽ thành lập Bộ An ninh quốc gia (MGB) trên cơ sở Cơ quan An ninh liên bang. Động thái này được cho là sẽ dẫn đến việc mở rộng quyền hạn của Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) và đóng cửa Bộ Tình trạng khẩn cấp.
Kế hoạch này có thể sẽ được tiến hành trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2018.
Theo nguồn tin trên, Bộ An ninh quốc gia sẽ bao gồm Cục Bảo vệ liên bang và Cục Tình báo Đối ngoại, đảm bảo an ninh cho các cơ quan sức mạnh và bảo vệ pháp luật.
Cơ quan điều tra của bộ này sẽ nhận quy chế cục và có vai trò lớn trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện đang do Ủy ban điều tra và Bộ Nội vụ Nga đảm nhận.
Trong khuôn khổ cuộc cải cách, Ủy ban Điều tra Nga có thể trở thành một bộ phận trực thuộc Viện Kiểm sát Liên bang Nga.
Còn Bộ Quốc phòng sẽ được tăng cường với việc bổ sung thêm lực lượng dân phòng, các nhân viên thuộc các cơ quan cứu hộ, phòng cháy chữa cháy và những cơ quan khác vốn thuộc Bộ Tình trạng khẩn cấp.
Cuộc cải cách cũng dẫn tới việc tách Cơ quan Giám sát quốc gia khỏi thành phần Bộ Nội vụ.
Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn Tổng thống Nga Vladimir Putin từ chối bình luận về thông tin nêu trên. Nếu thông tin này là sự thật, đây sẽ là sự thay đổi lớn trong chính sách của Nga, phản ánh mục đích của Tổng thống Putin hướng tới việc quản lý đất nước hiệu quả hơn.
Dù điện Kremlin không đưa ra bình luận nhưng các chuyên gia hàng đầu về dịch vụ an ninh của Nga cho rằng, cuộc cải tổ các cơ quan an ninh và thực thi pháp luật là “hoàn toàn có thể” và “có nhiều khả năng” được tiến hành.
Biên tập viên, người đồng sáng lập trang web điều tra Agentura.ru Andrei Soldatov nhận định: “Tôi nghĩ rằng đây là một trong những kế hoạch đã được Tổng thống Putin vạch ra từ trước bởi vì việc cải tổ các cơ quan quyền lực liên quan trên thực tế đã diễn ra trong những tháng gần đây”.
Trong khi đó, báo Kommersant cho rằng, đề xuất cải tổ sẽ giúp nâng cao “hiệu quả” hoạt động của các cơ quan an ninh và thực thi pháp luật và loại bỏ nạn tham nhũng trong các cơ quan này.
KBG phiên bản 2.0?
Kommersant cho biết, Bộ An ninh quốc gia (MGB) sẽ có nhiều nét tương đồng với Uỷ ban An ninh quốc gia Liên Xô (KGB)- nơi Tổng thống Putin từng phục vụ trong khoảng thời gian từ năm 1975 – 1990. KBG đã được chia tách thành các cơ quan riêng biệt hồi năm 1991 sau sự sụp đổ của Liên Xô.
Mark Galeotti, chuyên viên tại Viện nghiên cứu Quan hệ quốc tế ở Prague, đồng thời là một chuyên gia về các dịch vụ an ninh Nga cho biết: “Về cơ bản, đây là một cách để đưa KGB trở lại. MGB sẽ tái hiện đầy đủ hình ảnh KGB trên tất cả các khía cạnh”.
MBG sẽ được trao những quyền hạn mới sâu rộng, không chỉ để cung cấp các tài liệu điều tra đối với những trường hợp mà cơ quan thực thi pháp luật “đặt hàng” mà còn làm nhiệm vụ giám sát những trường hợp đặc biệt.
Nguồn tin giấu tên nói với Kommersant cho biết, các bộ phận điều tra của MBG sẽ phụ trách các vụ án hình sự nổi cộm nhất, trong đó sẽ bao gồm các cuộc điều tra tham nhũng.
Theo chuyên gia Galeotti, Tổng thống Putin đã nhận ra sự kém hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan an ninh và thực thi pháp luật bởi cơ cấu tổ chức cũng như chức năng nhiệm vụ “chồng chéo”.
Ông Galeotti nói: “Nhiều cơ quan chồng chéo không phát huy được hiệu quả mà còn kìm hãm hoạt động của nhau. Tổng thống Putin muốn tạo ra một mô hình quản trị với số ít các siêu cơ quan tình báo dưới sự quản lý của những người ông ấy có thể tin tưởng”.
Ủy ban Điều tra Nga –cơ quan có chức năng và nhiệm vụ tương tự Cục điều tra Liên bang Mỹ có thể trở thành một bộ phận trực thuộc Viện Kiểm sát Liên bang Nga đã phần nào chứng minh dự đoán của Chủ nhiệm Uỷ ban Điều tra Liên bang Nga Alexander Bastrykin về khả năng sắp xảy ra những thay đổi lớn trong hệ thống các cơ quan tình báo và thực thi pháp luật là hoàn toàn có cơ sở.
Theo giới phân tích, với việc đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền được đảm bảo bằng 76% số ghế trong Duma Quốc gia Nga thì nỗ lực thúc đẩy thực hiện kế hoạch nói trên đã có thêm động lực mới.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, kế hoạch này chắc chắn cũng sẽ vấp phải không ít khó khăn, khi đòi hỏi một khoản kinh phí không nhỏ. Bên cạnh đó, việc sắp xếp lại “vị trí” cho các nhân viên thuộc những lực lượng trước đây cũng có thể gây ra những phản ứng tiêu cực.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc cải tổ các cơ quan an ninh và thực thi pháp luật sau những bê bối gần đây sẽ góp phần củng cố vị thế của đảng Nước Nga Thống nhất cũng như của Tổng thống Putin trước cuộc bầu cử năm 2018./.