Đầu tiên, theo Nikolas Gvosdev, Tiến sĩ nghiên cứu an ninh quốc gia và địa kinh tế, Học viện chiến tranh hải quân Mỹ, nhận định rằng Moscow có thể đang chuẩn bị cho hành động quân sự ở Ukraine.
Tập trận là dấu hiệu sẵn sàng chiến tranh?
"Nga có lẽ đang sẵn sàng và chuẩn bị cho hành động quân sự," ông Gvosdev cho biết trong bài viết đăng trên NI hôm 13/9.
"Điều này dựa trên các cuộc tập trận đột xuất gần đây nhất của Nga. Những gì chúng ta nhìn thấy qua những cuộc tập trận đột xuất trong những năm gần đây là chúng có quy mô ngày càng lớn, nhiều binh sĩ tham gia hơn, với nhiều thiết bị hơn, phạm vi rộng hơn và - theo cách nói của người Mỹ - chúng là những cuộc tập trận với sự tham gia của cả chính phủ."
Các cuộc tập trận đột xuất với quy mô lớn đã làm chính phủ các nước phương Tây vô cùng quan ngại, Gvosdev viết.
Các cuộc tập trận của Nga thường có sự tham gia của hơn 100.000 binh sĩ thuộc các lực lượng khác nhau trong quân đội Nga.
Hơn nữa, các cơ quan chính phủ Nga cũng đóng vai trò chủ trì trong các cuộc tập trận này. Vì thế bề ngoài những cuộc tập trận quân sự thường được thấy như những cuộc diễn tập quân sự thông thường.
Bên cạnh đó, những hoạt động quân sự này chắc hẳn sẽ làm cho các cường quốc bên ngoài mất cảnh giác.
"Mỗi lẫn họ tập trận, họ sẽ giành được một số lợi ích nhất định".
"Các cuộc tập trận dạng này làm cho việc phân biệt đâu là tập trận đơn thuần và đâu là sự huy động lực lượng hay chuẩn bị cho một cuộc tấn công trở nên vô cùng khó khăn," Tiến sĩ Gvosdev đánh giá.
Thêm vào đó, việc các lực lượng Nga tiến hành các cuộc huy động quy mô lớn càng thường xuyên thì các lực lượng này ngày càng thành thạo hơn trong việc thực hành các chiến dịch lớn như vậy.
Sự thực là các lực lượng Nga có khả năng di chuyển rất nhanh chóng khỏi khu vực đóng quân của mình. Điều đó giúp các lực lượng di chuyển vào vị trí chiến đấu nhanh hơn và giảm thiểu nguy cơ bị phát hiện khi hoạt động trên thực địa.
Việc sử dụng các cuộc tập trận như một vỏ bọc cho sự chuẩn bị một chiến dịch quân sự thực sự không phải là chưa có tiền lệ.
Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, học thuyết của Liên Xô yêu cầu tiến hành các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn nhằm tạo ra một vỏ bọc cho sự chuẩn bị nhằm tấn công các lực lượng NATO.
"Tổ chức các cuộc tập trận liên tiếp nhau là một cách để loại bỏ đối thủ tiềm tàng….", Gvosdev nhận định.
Các cuộc tập trận của Nga ngày nay có còn mang nhiều thông điệp "sẵn sàng chiến tranh" như trong quá khứ? (Ảnh: National Interest)
Tại sao Moscow có thể "ra đòn" vào lúc này?
Theo Gvosdev, có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga muốn tấn công Ukraine hay các nước ở vùng Baltic. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng hành động quân sự của Nga sẽ không lặp lại kịch bản của một cuộc tập trận khổng lồ thời Chiến tranh Lạnh, nơi hàng trăm ngàn xe tăng và binh sĩ Liên Xô "tràn ngập vào Tây Đức".
Thay vào đó, hành động quân sự của Nga trong môi trường ngày nay ít nhiều bị giới hạn về quy mô và hình thức. Hoạt động của Nga nhằm cố gắng thay đổi cán cân quyền lực ở Ukraine hay thử phản ứng của Mỹ và NATO.
Một trong những lý do chứng tỏ Nga "có lẽ" sẽ hành động là Moscow nhận thức được rằng Liên minh châu Âu (EU) không gây bất kỳ áp lực đáng kể nào lên chính phủ Ukraine nhằm thực thi nghĩa vụ của thỏa thuận Minsk 2.0, ký kết tháng 2/2015.
"Nga có lẽ chắc chắn rằng EU sẽ không gây bất kỳ áp lực nào lên Ukraine trong một vài tháng tới."
Thêm vào đó, châu Âu cũng dường như không có bất kỳ động thái nào nhằm dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine.
Gvosdev cho rằng Nga đang phải đối mặt với vấn đề mang tính thời gian: Lệnh trừng phạt kéo dài càng lâu sẽ làm cho vị thế của Nga ngày càng giảm, trong khi Kiev có thêm thời gian để trở nên mạnh mẽ hơn.
"Nga có thể muốn làm một điều gì đó mang tính quyết định nhằm thay đổi sự cân bằng với những gì đang xảy ra ở Ukraine, nếu Điện Kremlin cảm thấy không có sự dỡ bỏ cấm vận từ EU trước cuối năm nay," ông viết
Thêm vào đó, cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ có lẽ là một nhân tố tác động đến các tính toán của chính phủ Nga.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đang chuẩn bị cho lộ trình chuyển giao quyền lực, tất nhiên nhiều nhân viên cũng sẽ "ra đi" theo ông Obama.
Vào tháng 11 tới, một đội ngũ nhân viên mới sẽ chuẩn bị nhận công tác ở Nhà Trắng, nhưng nó sẽ mất một khoảng thời gian nhất định để những nhân viên này ổn định công việc trong khi tổng thống mới sẽ chính thức tuyên thệ vào ngày 20/1/2017.
Nga có thể tận dụng khoảng thời gian chính phủ Mỹ xáo trộn trong suốt quá trình chuyển giao này để hành động.
"Nếu bạn dự định hành động, bây giờ chính là thời điểm để thực hiện", Gvosdev nhận định.
Các tàu chiến của quân đội Nga ở vùng biển Baltic. (Ảnh: ibtimes)
Đôi khi cuộc tập trận đơn giản chỉ là cuộc tập trận
Ông Simon Saradzhyan, giám đốc dự án các vấn đề về Nga tại Trung tâm Belfer, Đại học Harvard cho rằng rất ít khả năng Nga phát động một cuộc chiến ở Ukraine.
Đưa ra quan điểm trái chiều với Gvosdev, ông Saradzhyan khẳng định Nga không hề có ý định phát động chiến tranh trong tương lai gần. Quân đội Nga - giống như các lực lượng quân sự khác trên thế giới - chuẩn bị chiến tranh nếu đó là mục tiêu của họ.
Quân đội Nga phải sẵn sàng để bảo vệ lãnh thổ rộng lớn của Nga chống lại hàng loạt mối đe dọa tiềm tàng. Ở mức độ cao hơn, Nga cũng cần phải sẵn sàng để chống lại các mối đe dọa truyền thống.
"Các nhà chiến lược phải dự kiến được tất cả các kịch bản - bao gồm cả những kịch bản xấu nhất, đó là một cuộc chiến tranh toàn diện."
"Điều đó chứng tỏ rằng người Nga không hề muốn đánh nhau hay phát động một cuộc chiến tranh." Saradzhyan đánh giá.
Saradzhyan cho rằng mặc dù các cuộc diễn tập thường được tổ chức như một màn dạo đầu cho một cuộc chiến thực sự, nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đúng.
Sự thật là Nga đã lợi dụng các cuộc diễn tập để tạo vỏ bọc cho việc điều chuyển quân đội trong cuộc chiến Nga-Gruzia năm 2008, hay chiến dịch sáp nhập bán đảo Crimea và hành động gần đây ở Syria.
Tuy nhiên, tạp chí NI cho rằng những hành động như thế này là tương đối hiếm.
Moscow thực sự không có bất kỳ lý do nào để sử dụng vũ lực với Ukraine ở thời điểm hiện tại, Saradzhyan nhận định. Các cuộc xung đột hiện nay đã thỏa mãn lợi ích của Điện Kremlin.
Theo ông, mặc dù khả năng của quân đội Ukraine đã được cải thiện, song nếu Nga thực sự cảm thấy rằng lợi ích bị xâm phạm, họ đè bẹp lực lượng của Kiev và "làm sạch" biên giới Hà Lan một cách dễ dàng.
Saradzhyan chỉ ra rằng, Ukraine có khoảng 60.000 quân thường trực trong khi các lực lượng Nga có thể huy động được khoảng 1.000.000 quân nhân.
Trong bất kỳ trường hợp nào, các lực lượng Ukraine chắc chắn không có đủ cơ sở để tạo ra mối đe dọa thực tế nào đối với Nga trước cuối năm nay - khoảng thời gian "đáng giá" để Moscow gia tăng các động thái củng cố vị thế thông qua "đại diện ủy nhiệm" của mình.
Nga sẽ chỉ phát động chiến tranh khi cảm thấy rằng lợi ích quốc gia sống còn bị đe dọa. Một hành động của phương Tây có khả năng làm dấy lên mối lo ngại đó là việc loại Nga ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.
"Như một bộ trưởng của Nga nói, loại Nga ra khỏi Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) sẽ là tuyên bố chiến tranh với Nga," Saradzhyan nhận định./.