Hồi hộp bên trong nước Mỹ
Mỹ cần ra quyết định về việc tái áp đặt trừng phạt Iran trong định kỳ 120 hoặc 180 ngày và hạn chót là ngày 12.1. Theo các quan chức Mỹ chia sẻ với CNN, các cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump khuyến khích ông tiếp tục tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và tạm thời chưa áp dụng lại các biện pháp trừng phạt với Iran trước thời hạn pháp lý chính thức. Các nguồn tin cho hay, Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã đề nghị Tổng thống không ký áp dụng trừng phạt để cho Thượng viện có thời gian sửa đổi quy định.
Lần gần đây nhất, ông Donald Trump đã không công nhận việc Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, cáo buộc nước này vi phạm nhiều điều khoản. Tuần trước, một quan chức cấp cao chia sẻ với CNN rằng, dự kiến ông Donald Trump một lần nữa sẽ quyết định như ông đã làm hồi tháng 10.2017. Tuy nhiên, quyết định của lãnh đạo Mỹ tới nay vẫn chưa rõ, đặc biệt là khi tính tới lời đe dọa của ông hồi tháng 10 nhằm đơn phương hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân nếu Quốc hội và các đồng minh Mỹ không thực hiện các biện pháp củng cố nó.
Hôm 10.1, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Cornyn nói rằng: “Tôi không biết Tổng thống sẽ làm gì với nó, tôi nghĩ, chúng ta cần có một cái nhìn toàn diện hơn chứ không chỉ tập trung vào một khía cạnh nào đó về quân đội”. Thượng nghị sĩ Ben Cardin của Maryland, người đứng đầu Đảng Dân chủ trong Ủy ban Đối ngoại thừa nhận ông lo lắng trước thời hạn 12.1.
Theo Reuters, hôm 8.1, 52 chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ, trong đó có các sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu, các thành viên của Quốc hội và các cựu đại sứ, đã cùng ký lá thư kêu gọi ông Donald Trump không gây tổn hại cho thỏa thuận hạt nhân Iran.
Những lựa chọn khác cho vấn đề Iran
Một quyết định áp dụng lại các biện pháp trừng phạt có thể được Iran và các đồng minh Châu Âu của Mỹ xem là vi phạm thỏa thuận và đẩy bất kỳ hy vọng cứu vãn thỏa thuận này ra xa hơn. Các nhà ngoại giao Châu Âu đã lên tiếng phản đối bất kỳ hành động nào của Mỹ có thể gây nguy hiểm cho JCPOA và chính quyền Mỹ cũng nhận thức rõ những lo ngại của các nước Châu Âu, theo nguồn tin của CNN.
Các đồng minh Arab cũng bày tỏ mong muốn Mỹ tập trung vào các hành vi khác của Iran trong khu vực. “Chúng tôi đã nói với Nhà Trắng rằng, nếu Tổng thống tập trung vào JCPOA và đưa ra các biện pháp trừng phạt, ông ấy có thể sẽ mất sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Châu Âu trong vấn đề Iran”, một nhà ngoại giao cao cấp của Arab nói.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh Boris Johnson trong phát biểu trước Quốc hội nước này đã kêu gọi “những người bạn của Anh trong Nhà Trắng” không vứt bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran.
Sáng 11.1, Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Đức, Pháp cũng như Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif tham dự cuộc họp do Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini triệu tập.
Tại cuộc họp, các cường quốc Châu Âu trấn an Tehran là họ vẫn cam kết ủng hộ thỏa thuận này. “Mục đích của cuộc gặp là gửi 1 thông điệp tới Washington rằng, Iran tuân thủ thỏa thuận và có thỏa thuận hạt nhân tốt hơn là cô lập Tehran”, Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao.
“Pháp quyết định giữ nguyên thỏa thuận Vienna. Iran cần phải tuân thủ mạnh mẽ các cam kết của mình”, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Pháp Alexandre Giorgini nhấn mạnh.
Theo Reuters, một phát ngôn viên của cơ quan năng lượng hạt nhân Iran hôm 10.1 cho hay, việc Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt sẽ vi phạm thỏa thuận hạt nhân và Cộng hòa Hồi giáo có khả năng tăng cường làm giàu uranium.