Giữa tháng 10/2023, anh Tô Văn Tiến (SN 1985, dân tộc Nùng, trú tại huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) thấy đau người kèm sốt cao li bì suốt 5 ngày. Anh uống rất nhiều thuốc hạ sốt, cảm cúm nhưng không đỡ.
Sang ngày thứ 6, toàn thân anh Tiến co giật, may mắn được gia đình phát hiện và đưa đi cấp cứu lúc rạng sáng. Tuy nhiên, cả Trung tâm y tế huyện và Bệnh viện tỉnh đều “lắc đầu” vì tình trạng bệnh sốt cao, xuất hiện các nốt phát ban buộc phải chuyển lên tuyến trung ương.
Anh Tiến được đưa xuống Hà Nội vào Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng hôn mê. Kết quả xét nghiệm chẩn đoán sốt xuất huyết, suy thận, suy gan cấp và bán cấp, nhiễm trùng huyết không xác định, viêm phổi do vi khuẩn khác, sốc nhiễm khuẩn.
Anh Tiến tiếp tục được điều trị tích cực tại bệnh viện. (Ảnh: Như Loan)
Để cứu bệnh nhân, các bác sĩ phải cho lọc máu liên tục, vận mạch liều cao, thở máy, hồi sức tích cực. Hiện anh Tiến đã tỉnh và tiếp xúc được nhưng vẫn cần lọc máu liên tục, thở máy, sử dụng các thuốc kháng sinh, kháng nấm.
Chị Bàn Thị Chầm (vợ anh Tiến) chia sẻ, ngày đưa chồng xuống Hà Nội điều trị sốt xuất huyết, gia đình bán đàn chó được 700.000 đồng lấy tiền đi lại. Hiện gia đình mới chỉ đóng tạm ứng được 6 triệu đồng.
“Sau gần một tháng điều trị, đến nay, tổng số tiền viện phí của chồng tôi lên đến khoảng hơn 400 triệu đồng, vượt quá khả năng của gia đình. Vợ chồng tôi kiệt quệ cả vật chất lẫn tinh thần.
Không ít lần, tôi xin bệnh viện cho chồng dừng điều trị, đưa về nhà theo dõi nhưng không được chấp thuận vì nếu ra viện thì tỷ lệ tử vong sẽ 100%”, chị Bàn lo lắng. Hai vợ chồng chị không có công việc ổn định, chỉ trông vào nương ngô nhỏ và tiền công vác gỗ, phun thuốc sâu thuê.
Cũng là một trong số những bệnh nhân sốt xuất huyết nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, anh Hà Văn Ánh (sinh năm 1971, trú tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) nằm thở khó nhọc trên giường bệnh.
Hơn 10 ngày trước, anh sốt cao, sau đó thấy đau nhức khắp người và phát ban lấm tấm trên cơ thể. Lúc đó, anh chỉ nghĩ do đi rừng bị dị ứng, nhưng càng lúc lại càng mệt, sốt không thuyên giảm. Anh được gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh điều trị nhưng không đỡ, phải chuyển xuống Hà Nội gấp.
Anh Ánh nhập viện trong tình trạng xuất huyết toàn bộ phần cánh tay, lan xuống thắt lưng hai bên. Do có tiền sử u đại tràng nên các bác sĩ nhanh chóng cho truyền máu, truyền tiểu cầu để cấp cứu.
Bác sĩ Bằng kiểm tra sức khoẻ cho bệnh nhân sốt xuất huyết. (Ảnh: Như Loan)
Theo bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, số ca sốt xuất huyết nhập viện bắt đầu từ tháng 4 và đạt đỉnh vào tháng 10, 11. Khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh thì số ca sốt xuất huyết ít dần.
Thông thường, diễn biến của bệnh nhân sốt xuất huyết xảy ra trong vòng 10 ngày. Từ ngày 1 đến ngày 3, nếu bệnh nhân đến khám và được chẩn đoán sốt xuất huyết, bác sĩ sẽ hướng dẫn theo dõi tại nhà bằng việc đo nhiệt độ, bù nước điện giải, chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Trong trường hợp bệnh nhân sốt li bì, đau đầu, nôn, không ăn uống được, ý thức giảm cần đưa đến cơ sở y tế ngay để kịp thời điều trị.
Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 thường là thời gian bệnh diễn biến nặng, tiểu cầu giảm, mất nước, sốc. Những ngày này, bác sĩ sẽ theo dõi sát bệnh nhân. Nếu tình trạng bệnh nhân ổn định có thể được cho ra viện.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến giữa tháng 10/2023 cả nước ghi nhận 99.639 trường hợp sốt xuất huyết, 27 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (240.419/121) số mắc giảm 58,6%, tử vong giảm 94 trường hợp.
Theo các chuyên gia, sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Virus Dengue có 4 tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu.