Trong bài viết trên tạp chí National Interest, chuyên gia Alireza Nader từ Quỹ Quốc phòng Dân chủ chỉ ra rằng, liên minh Nga-Iran một trong những thế lực nổi bật nhất ở Trung Đông đang trải qua những căng thẳng chưa từng có. Đây được coi là cơ hội lớn để chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump khai thác để bành trướng sức mạnh.
Liên minh rệu rã
Trong vài năm trở lại đây, Moscow và Tehran đã trở thành đồng minh của nhau khi có chung mục tiêu ngăn chặn sự sụp đổ quyền lực của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria. Cũng từ sự hòa hợp chung này, Nga đã nhiều lần hỗ trợ Iran thoát khỏi áp lực đè nặng từ phía Mỹ.
Tuy nhiên, giới quan sát chỉ ra rằng, liên minh chính trị quân sự Nga-Iran ở Syria thời gian qua đã không còn thịnh vượng như xưa. Hay nói cách khác, vị thế của Iran trong mối quan hệ với Nga đã yếu hơn rất nhiều, đồng thời Tehran là đồng minh ít có giá trị hơn so với cách đây 5 năm trước.
Do đó, Nga đang mất nhiều hơn là được khi cố gắng bảo vệ Iran khỏi chiến dịch gây áp lực tối đa của Washington.
Bằng cách hợp tác để đảm bảo sự bền vững của chính quyền Tổng thống Assad, Nga đã dần trở thành cường quốc nước ngoài có vị thế lớn nhất ở Syria trong khi Iran đã xây dựng cho mình một hành lang ảnh hưởng kéo dài từ Iraq đến Lebanon. Tuy nhiên, khi mục tiêu bảo vệ Damascus đã xong, Nga-Iran sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh lợi ích thời hậu chiến.
Trong lịch sử, người Iran thường nhìn nhận người láng giềng phương Bắc là một đế quốc lấn át hơn là một quốc gia thân thiện. Lịch sử quan hệ Nga-Iran đầy rẫy những xung đột vũ trang, sự can thiệp chính trị và sự khác biệt về văn hóa.
Nhưng chiến thắng của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh đã dần khiến Moscow và Tehran làm hòa. Hai nước chia sẻ cùng nhau mối lo ngại Mỹ sẽ thay đổi chính quyền ở Iran, khi đó một Chính phủ mới thân Mỹ sẽ đối đầu với Nga nhiều hơn.
Liên minh Nga-Iran ở Syria khởi sắc là nhờ vào sự thiết lập của tướng Qassem Soleimani, người đứng đầu Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.
Chuyến thăm bí mật của ông tới Moscow vào tháng 7/2015 đã khởi xướng mối quan hệ đối tác quân sự tốt đẹp giữa hai nước. Với lực lượng Iran dưới mặt đất, Nga yểm trợ trên trời, cả hai đã lật ngược cuộc chiến ở Syria, thắng thế trước phe đối lập.
Tháng 1 vừa qua, cái chết của tướng Soleimani đã làm mất đi một nút thắt quan trọng trong quan hệ đối tác Nga-Iran. Người kế nhiệm mới, tướng Esmail Ghaani, không sở hữu sức hút, kỹ năng và tầm nhìn xa để giữ mối quan hệ đối tác với Moscow tiếp diễn.
Cùng với đó, Iran ngày nay được đánh giá là đã không còn mạnh mẽ so với trước, khi phải vượt qua nhiều thách thức trong và ngoài nước. Nền kinh tế Iran bị sa lầy trong cuộc suy thoái kéo dài nhiều năm do các lệnh trừng phạt của Mỹ và dịch bệnh COVID-19 gần đây.
Nga có tính toán lại?
Tổng thống Trump dường như đang có cơ hội để chia rẽ Nga-Iran.
Tổng thống Putin dường như đang nhận ra rằng sự cân bằng địa chính trị ở Trung Đông có thể đang sắp tiến tới một sự thay đổi lớn. Iran sẽ còn phải đối mặt với những khó khăn khác. Việc Nga bán vũ khí cho một Iran đang cạn kiệt tài chính sẽ ít được lợi hơn so với hợp tác với các quốc gia Ả Rập giàu có ở Vịnh Ba Tư và quan hệ tốt hơn với Israel.
Vì tất cả những lý do này, Nga trong lúc này đang xem xét liệu họ có còn được hưởng lợi gì từ việc bảo vệ Iran thoát khỏi các lệnh trừng phạt tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc do Mỹ khởi xướng hay không.
Ngược lại, Nga cũng có thể gây ra khó khăn đáng kể cho Washington nhưng Moscow dường như đang tính toán rằng họ phải nhận được gì có lợi thì mới làm như vậy.
Về phần mình, chính quyền Tổng thống Trump lúc này sẽ có cơ hội để tìm kiếm những cách thức mới nhằm chia rẽ Moscow và Tehran. Ít nhất, Nhà Trắng sẽ tiếp tục duy trì áp lực của mình đối với Tehran để khiến nước này không thể gượng dậy.
Rất có thể, mối lo ngại trước việc bành trướng của Mỹ sẽ khiến ông Putin tiếp tục đưa ra những lựa chọn thận trọng để bảo vệ lợi ích lâu dài của Nga. Nhưng cho dù Moscow có muốn hay không, Iran trong thời điểm này đã không còn là một đối tác ngang hàng, hay nói cách khác là gánh nặng cho Moscow.
Nga không có sức mạnh để đảo ngược những xu hướng đó. Vì vậy, sẽ có một sự thay đổi trong mối quan hệ này. Vấn đề đáng chú ý chỉ là Nga sẽ để lại ân huệ cho Iran đến mức nào.