Ô mai cũng là vị thuốc chữa bệnh

BS. Vũ Quốc Trung |

Ô mai là vị thuốc từ quả mơ già, khô, có công dụng điều trị chứng phế hư, viêm họng, tiêu chảy, tiêu khát (đái tháo đường)…

1. Tính chất, đặc điểm của ô mai

Vị thuốc có hình cầu hoặc hình cầu bẹt, bề mặt có màu đen hoặc nâu đen, nhăn chun không bằng phẳng, phần gốc có ngấn cuống quả hình tròn.

Hạt của quả rắn chắc, hình bầu dục, màu vàng nâu, trên mặt có điểm lõm.

Quả hình trứng bẹt, màu vàng nhạt. Mùi nhẹ, vị cực chua. Loại nào quả to, cùi dày, hạt nhỏ, vỏ ngoài, màu đen, không nứt nẻ lộ hạt ra, trơn mềm, vị chua nhiều là loại tốt.

Bảo quản: Để nơi râm mát, khô ráo, chống ẩm.

2. Công dụng của ô mai

Vị thuốc tính bình, vị chua, chát, có công dụng tẩy giun, trị lỵ, tiêu chảy... Chủ trị các bệnh phế hư ho, viêm họng, kiết lỵ lâu ngày, chứng hư nhiệt tiêu khát, giun quấy, buồn nôn, đau bụng , giun chui ống mật...

Theo các nghiên cứu hiện đại, ô mai có hàm chứa các chất acid và các chất kích thích tố, nhựa thơm, chất thuần sáp... có tác dụng ức chế nhu động ruột, ức chế nhiều loại trực khuẩn, cầu khuẩn thường thấy, cũng như các loại nấm gây bệnh ngoài da .

Ô mai cũng là vị thuốc chữa bệnh - Ảnh 1.

Quả mai cho vị thuốc chữa bệnh.

3. Cách dùng ô mai làm thuốc chữa bệnh

3.1. Ô mai quả: Ô mai 5 quả. Ăn cả 1 lần. Một ngày 2 lần. Dùng cho người đau bụng giun.

3.2. Cao ô mai: Ô mai 2500g, sắc bỏ hạt, cô thành cao 500g. Mỗi lần uống 9g pha thêm đường, hòa tan trong nước sôi, hoặc cứ thế nuốt uống, ngày 3 lần. Dùng cho người bị bệnh ngứa bong vẩy khuỷu tay và đầu gối.

3.3. Trà ô mai gừng tươi: Cùi ô mai 30g, gừng tươi 10g, chè xanh 5. Cùi ô mai cắt nát, gừng tươi rửa sạch thái sợi, bỏ lẫn cả với chè vào cốc giữ nhiệt, hãm nước sôi, đậy nắp nửa giờ, thêm đường đỏ ngọt vừa, uống nóng, ngày 3 lần. Dùng cho người bị lỵ trực khuẩn và lỵ amip.

3.4. Trà ô mai muối: Ô mai 5 hạt, muối ăn, đường vừa đủ. Cả ba vị hãm nước sôi, uống nhiều lần thay trà. Dùng cho người sau khi bay sởi, ra nhiều mồ hôi.

3.5. Ô mai ướp đường phèn: Ô mai 250g, đường phèn 250g. Ô mai cho nước vừa phải ngâm nở hết cỡ, nấu cho chín dở ( 5/10 ) vớt ra bỏ hạt, thái miếng nhỏ, cho lại vào nồi nước vừa đun, thêm đường phèn vào, nấu tiếp cho 10 phần chia 7, thu lấy thuốc là được. Để nguội rắc 1 lớp áo đường trắng bên ngoài, đựng vào bình dùng dần. Dùng cho người chán ăn, ăn uống kém, đau bụng giun, tiêu chảy, kiết lỵ.

Ô mai cũng là vị thuốc chữa bệnh - Ảnh 2.

Vị thuốc ô mai.

3.6. Cháo ô mai: Ô mai 20g, gạo lức 100g, đường phèn vừa phải. Ô mai sắc lấy nước đặc, cho gạo lức vào nấu cháo, cháo chín cho đường phèn vào quấy đều, đun thêm 1 lát là được. Dùng cho người viêm họng mạn tính, tiêu chảy, kiết lị, đại tiện ra máu, hư nhiệt phiền khát, khô miệng háo nước.

3.7. Cháo ô mai bách hợp: Ô mai 20g, gạo lức 100g, bách hợp 20g, đường phèn vừa phải. Ô mai sắc 2 nước, trộn lẫn, bỏ bã, cô lại còn 1 bát to nước. Gạo lức vo sạch, cùng nước thuốc và bách hợp, gia thêm nước vừa phải, đun sôi, chuyển sang nhỏ lửa cho cháo mềm, thêm đường phèn vào đun thêm xíu là được. Dùng cho người ho lâu ngày, ho có đờm lẫn máu.

3.8. Trà ô mai: Ô mai 50g, hãm nước sôi, uống thay trà. Dùng cho người mắc bệnh đái tháo đường.

3.9. Thuốc bột ô mai, hồ tiêu, chè khô: Ô mai 5 quả, hồ tiêu 10 hạt, chè 5g... nghiền chung thành bột, uống với nước sôi, ngày 1 - 2 lần, uống liền 5 - 6 ngày. Dùng cho người bị ly trực khuẩn thuộc dạng hư hàn, đi ngoài phân ít, lẫn mũi lẫn mủ, máu, khi phát khi khỏi, lâu ngày không dứt, đau bụng triền miên, sợ lạnh, thích nóng...

3.10.Thang ô mai, đường trắng: Ô mai 5 quả, đường trắng 50g. Sắc làm thang, uống thay trà. Dùng cho người bị bệnh ôn miệng khát nước, phiền nhiệt, mồ hôi nhiều...

3.12. Thuốc sắc ô mai, mạch môn đông: Mạch môn đông 20g, ô mai sao 6g. Sắc lấy nước pha đường phèn vào uống, chia làm 3 lần. Dùng cho người bệnh đái tháo đường.

Kiêng kỵ: Người trong có thực nhiệt tích tụ và chất vị toan quá nhiều không nên uống ô mai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại