Nuốt lưỡi trong bóng đá: Chuyên gia chỉ ra sai lầm cần tránh khi sơ cứu

Nhóm chuyên gia |

Hiện tượng nuốt lưỡi thường xảy ra trong các trường hợp va chạm mạnh, nhất là trong bóng đá và có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu đúng cách.

Cầu thủ Lào giúp đối thủ khỏi nuốt lưỡi ở SEA Games. Ảnh: Đông Huyền

Cầu thủ Lào giúp đối thủ khỏi nuốt lưỡi ở SEA Games. Ảnh: Đông Huyền

Nuốt lưỡi là một hiện tượng rất hay gặp ở những người bị đột quỵ, co giật, động kinh, người mắc triệu chứng ngưng thở khi ngủ… hoặc trong các trường hợp va chạm, đặc biệt là va chạm trong bóng đá.

Mới đây nhất, tại SEA GAMES 31, ở phút 47 trong trận đấu giữa U23 Lào và U23 Campuchia đã xảy ra sự cố khiến hàng ngàn người hâm mộ nín thở.

Cầu thủ Phat Sopha của U23 Campuchia sau cú va chạm để tranh chấp bóng với đội bạn đã nằm bất tỉnh. Vài phút sau đó, dưới sự giúp đỡ kịp thời của đội ngũ y tế, cầu thủ Phat Sopha mới tỉnh lại và tiếp tục thi đấu.

Trong sự kiện này, bên cạnh sự lo lắng cho tình hình sức khỏe của hậu vệ đội U23 Campuchia, điều được nhắc đến nhiều nhất đó là hành động của cầu thủ At Viengkham của U23 Lào. At đã cho tay vào miệng Phat Sopha để ngăn anh không nuốt lưỡi. 

Sự kiện nuốt lưỡi cũng từng gây chấn động làng thể thao trong nhiều năm trước. Cụ thể, tại vòng 25 La Liga 2016 - 2017, sau cú va chạm với cầu thủ Alex Bergantinos, Fernando Torres ngã đập mặt xuống sân và bất tỉnh, ngay lập tức, các cầu thủ trong đội đã lao đến giữ miệng Torres, trong đó, Atletico được khen ngợi vì đã kịp thời kéo lưỡi của Torres ngăn xảy ra trường hợp tự nuốt lưỡi trước khi đội ngũ y tế đến.

Nuốt lưỡi là gì? Có nguy hiểm không?

Nuốt lưỡi là cách gọi của khác cho hiện tượng "tụt lưỡi" hoặc "tụt khối cơ lưỡi", xảy ra khi một người bất tỉnh, cơ lưỡi dãn ra. Nuốt lưỡi là hiện tượng gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Khi bị va chạm mạnh, hệ thống cơ lưỡi không hoạt động theo cơ chế thông thường mà nó có thể bị tụt vào trong dẫn đến tắc nghẽn đường thở, thậm chí có thể gây trào dịch dạ dày vào phổi, cản trở đường hô hấp, khó thở, nhất là khi ở tư thế nằm ngửa, nếu không được cấp cứu kịp thời và đúng phương pháp người bệnh có thể bị suy hô hấp, dẫn đến tử vong.

Khi gặp các trường hợp bị nuốt lưỡi, nhiều người cho rằng cần cho tay hoặc thứ gì đó vào miệng nạn nhân, nhất là người co giật để họ không tự cắn vào lưỡi. Tuy nhiên, đây là phương pháp không được khuyến cáo. Việc sơ cứu nuốt lưỡi không đúng cách có thể gây nguy hiểm cho tính mạng người bị nạn và ảnh hưởng đến công tác cứu chữa của nhân viên y tế. Vì vậy, khi gặp các trường hợp người nuốt lưỡi cần tiến hành các bước sơ-cấp cứu đúng cách.

Cách sơ cứu người bị nuốt lưỡi

Trong trận đấu của Đan Mạch với Phần Lan ở bảng B EURO 2020, Christian Eriksen, cầu thủ Đan Mạch, đã tự nuốt lưỡi. Đúng 20 giây từ thời điểm Eriksen ngã xuống, nhân viên y tế đã chạy tới cấp cứu kịp thời và đúng cách. Trước lúc đó, những người đồng đội - cầu thủ trên sân đã không làm gì, chỉ xác nhận rồi ngay lập tức gọi nhân viên y tế xử lí. Đây là một việc làm rất đúng đắn.

Hiện nay, để tránh việc xử lí sai, nên có một khóa học về xử lí vấn đề này cho các cầu thủ. CDC - Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ khuyến cáo không nên đưa một vật thể vào trong miệng người đang lên cơn co giật, bởi có thể vô tình gây ra tổn thương cho hàm hoặc lưỡi.

Trong khi đó, lúc cơn co giật kết thúc, người bệnh bắt đầu thở trở lại. Lúc này, việc cần nhất là thay đổi tư thế bệnh nhân sang nằm nghiêng, nhằm giúp họ hô hấp dễ hơn (như cách làm của nhân viên y tế Đan Mạch). Đặc biệt, tư thế này cũng giúp lưỡi tự rơi ra một cách tự nhiên.

Các bước cần thực hiện:

Bước 1: Yêu cầu ai đó gọi dịch vụ y tế khẩn cấp và yêu cầu trợ giúp.

Bước 2: Kiểm tra phản hồi - Nói chuyện với người bị va chạm bằng giọng rõ ràng, to.

Bước 3: Nếu không có phản hồi, nhìn vào bên trong miệng của người bị va chạm để đánh giá xem có vật gì rõ ràng đang chặn đường thở của họ không.

Bước 4: Khi nạn nhân đã ngưng co giật, nhẹ nhàng xoay bệnh nhân nằm nghiêng để làm thông thoáng đường thở, đàm nhớt sẽ chảy ra bên ngoài miệng, tránh việc hít sặc nước bọt của chính mình.

Bước 5: Không đè chặt bệnh nhân, co giật cơ là tự phát không ý thức, đè chặt hay trói người bệnh không hề làm ngưng co giật mà sẽ gây chấn thương cho người co giật.

Lưu ý:

- Không cho bất kỳ thứ gì vào trong miệng người bệnh.

- Không chỉ bóng đá, thể thao, mà với bất cứ tai nạn nào, nguyên tắc là không được xốc người bệnh lên.

- Các bệnh nhân sau khi nuốt lưỡi không nên vận động mạnh ngay lập tức, đặc biệt là các cầu thủ để đảm bảo sức khỏe cho các trận đấu tiếp theo.

Nhóm tác giả:

Hoàng Thủy Tiên (Khoa Dược, Đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng, Đà Nẵng).

Trần Huyền Thoại (Khoa Dược, Đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng, Đà Nẵng).

Nguyễn Tiến Huy (PGS, TS, BS; Khoa Y, Đại học Nagasaki, Nhật Bản).

Tài liệu tham khảo:

1. https://twitter.com/fifacom/status/1060932558551166977?fbclid=IwAR0-Jr8IdHJXwVb7lO805Amye3KMpv88VXooS6xi1SjZN09W7OqlRVYaNYM

2. https://bjsm.bmj.com/content/34/1/69?fbclid=IwAR2Skgj5Y_KaoKd4VY263_EYhB2Hkr6smGGDnjRIP9_2A04_C5R6GEeLsr8

3.https://abcnews.go.com/WNT/video/soccer-star-christian-eriksen-collapses-field-78244876?fbclid=IwAR3sBz42kStAlxVG9j1xZbHJ0b0oEouJLYXLrnUgElPkMmnZAXBB111F2Gg

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại