"Mất mặt" vì u
Trường hợp bệnh nhân N.G.L 16 tuổi, Thái Nguyên bị sưng hàm mặt. Ban đầu bố mẹ của L nghĩ con chỉ bị mọc răng… nhưng đến khi hàm cứ sưng phồng lên gấp đôi người bình thường nên đưa đi bệnh viện khám.
Kết quả, bác sĩ chẩn đoán u men xương hàm dưới và khi bị bệnh L mới chỉ 8 tuổi. Vì đang trong giai đoạn phát triển nên chưa thể phẫu thuật được đến năm nay khi L. bị đau nhiều có dấu hiệu bội nhiễm các bác sĩ Bệnh viện Răng Hàm Mặt đã quyết định phẫu thuật cho L cắt bỏ xương hàm đồng thời tạo hình xương hàm mới từ xương mác cẳng chân.
Trường hợp của L. may mắn là phát hiện được bệnh và được các bác sĩ phẫu thuật tạo hình xương hàm luôn. Có những trường hợp không được tạo hình xương hàm do u đã ăn hết xương hàm và việc tạo hình xương hàm ở Việt Nam chưa phát triển ở nhiều năm trước.
Giáo sư Trịnh Đình Hải – Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương chia sẻ từ thời sinh viên ông đã gặp những bệnh nhân bị u men xương hàm phải tháo bỏ xương hàm khi ấy bệnh nhân rất khổ sở vì ăn khó, nói méo mó, nước dịch trong miệng cứ chảy ra ngoài. Bệnh nhân rơi vào tự ti, khó giao tiếp.
Một vị lãnh đạo cao cấp cũng than phiền với Giáo sư Hải về cháu gái của ông ở TP.HCM cũng bị bệnh u men xương hàm phải tháo bỏ xương hàm. Dù là cô gái rất xinh xắn nhưng cũng không thể ra ngoài giao tiếp như bình thường. Bệnh nhân tự ti và chỉ ở trong nhà, không có giao tiếp xã hội.
Bệnh nhân sau đó sang Singapore để thục hiện ghép mảnh kim loại "thay xương hàm", nhờ đó giúp bệnh nhân có thể ra ngoài giao tiếp. Tuy nhiên, việc ghép mảnh xương bằng kim loại có nhiều hạn chế vì mảnh kim loại có thể chọc ra ngoài.
Bệnh âm thầm phát triển
U men xương hàm dù là u lành tính nhưng khi ở giai đoạn tiến triển u men "ăn xương hàm" rất nhanh, bệnh nhân phải tháo xương hàm và để lại bộ mặt dị dạng. Đây là bệnh lý lành tính nhưng lại rất ảnh hưởng tới sức khoẻ và thẩm mỹ.
Bệnh rất khó phát hiện bởi khối u không gây đau nhức, bệnh nhân vẫn ăn uống bình thường. Bệnh tiến triển âm thầm, chỉ đến khi người bệnh bị sưng hai răng cửa, lệch mặt, răng lung lay... đi khám thì mới phát hiện được.
Một khi khối u đã thấy rõ thì đã gây biến dạng khuôn mặt thì xương hàm đã bị hủy hoại.
GS Hải cho biết diễn biến cả quá trình phát triển của u thường thầm lặng. Không đau tại chỗ, không ảnh hưởng toàn thân, không sốt và ít ảnh hưởng chức năng ăn nhai.
Khi khám có thể thấy thiếu một răng, có răng chết hoặc mọc sai vị trí, kết hợp với XQ khi đó có chẩn đoán khá chính xác.
Khi phát hiện u không thể nạo được vì nạo rồi tế bào biểu mô vẫn còn nó lại tái phát sinh ra u. Vì thế, nếu ở giai đoạn sớm, u mới phát triển ở răng số 1, số 2 các bác sĩ sẽ cắt xương hàm đến răng số 3 luôn.
Người bệnh sau khi cắt đoạn xương hàm loại trừ triệt để các tổn thương để tránh tái phát, sau đó lấy một đoạn xương mác ở cẳng chân, kèm theo mạch máu được tạo hình theo hình dáng của xương hàm đã bị cắt bỏ và thực hiện kỹ thuật vi phẫu ghép mảnh xương mác vào vị trí cắt bỏ khối u dưới kính hiển vi phẫu thuật.
Bác sĩ khuyến cáo, u men răng chủ yếu là u lành tính nhưng tỷ lệ tái phát cao nên được coi là u ác tính. Nếu không được điều trị đúng, u không chỉ lan vào các tổ chức xung quanh như phần mềm, xương hàm... mà còn thoái hóa thành u ác tính, di căn vào máu và hệ bạch huyết, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Hiện chưa rõ nguyên nhân gây bệnh nên rất khó có biện pháp phòng ngừa. Người ta nghi ngờ sâu răng, nhiễm trùng răng hoặc chấn thương răng dễ dẫn đến u răng. Vì vậy, để phòng bệnh cần tránh các tổn thương này. Trẻ chậm mọc răng, hàm bị thiếu răng... cần phải đi chụp kiểm tra xem răng nằm ở đâu, có u chèn vào răng hay không.