Đóa hoa cúc trắng vừa chớm nở đã tàn
Ngày 27/10/2016 được đánh dấu bằng một bông cúc trắng đại đóa trong cuốn lịch cuộc đời của cô sinh viên 23 tuổi tên là Lưu Viên (14/11/1993), ở Giang Tô (TQ) khi cô quyết định tạm dừng hành trình đời mình để hiến tạng cho y học vì căn bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối.
Đã có hàng trăm ngàn trường hợp đau lòng như Lưu Viên diễn ra trên thế giới này, mà phần lớn người trẻ đều bị "thần chết" ung thư hỏi thăm. Có những nạn nhân thậm chí đang chỉ là học sinh mẫu giáo, 5-6 tuổi.
Bức ảnh cuối cùng của Lưu Viên
Trước đó, vào khoảng tháng 7/2016, Lưu Viên về quê nghỉ hè sau những ngày tháng học hành căng thẳng trên giảng đường đại học.
Khi niềm vui đón con gái về chơi của bố mẹ cô vẫn còn hiện rõ trên khuôn mặt hao gầy lam lũ của người nông thôn thì nỗi lo lắng cũng đã vội đến.
Về nhà được ít hôm thì Lưu Viên xuất hiện triệu chứng đau bụng. Bụng cô sưng to lên và cảm giác đầy bụng rồi đau âm ỉ rất khó chịu.
Sau 2 ngày ở nhà vật vã trong đau đớn, bố mẹ Viên đã cho cô nhập viện để tìm hiểu nguyên nhân.
Ngày 6/7/2016 có lẽ là thời khắc buồn nhất từ trước đến nay của gia đình cô khi nghe bác sĩ thông báo kết quả khám bệnh rằng cô đã bị ung thư dạ dày, bệnh đang di căn, nước dịch đã rỉ ra trong ổ bụng.
Lưu Viên ngồi học ở thư viện
Biết mình sẽ phải "dừng cuộc chơi" quá sớm, Lưu Viên vội đưa ra một yêu cầu nhỏ đối với bố mẹ, đó là ra hiệu chụp ảnh chân dung gia đình để làm kỷ niệm.
Đây là lần đầu tiên cả gia đình cô chụp ảnh chung, mà cũng là những bức ảnh chân dung tuyệt đẹp cuối cùng của Viên.
Đến ngày 28/9/2016, biết rằng thời gian không còn dài, Lưu Viên đã đưa ra một đề xuất mới với bố mẹ rằng, bệnh của cô đã ở giai đoạn cuối, không thể kéo dài thêm sự sống, cô mong muốn được hiến cơ thể mình cho những nghiên cứu y học.
Bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể nếu có thể dùng được, cô muốn người khác dùng nó để có thêm cơ hội kéo dài sự sống. "Tôi thật sự muốn rằng, những phần nội tạng của tôi tiếp tục được sống cùng thế giới tươi đẹp này", Lưu Viên nói.
Hình ảnh Lưu Viên đi du lịch
Người trẻ mắc bệnh ung thư dạ dày đang tăng nhanh
Ung thư dạ dày là một khối u ác tính xuất phát từ niêm mạc biểu mô dạ dày, là một trong ba bệnh nguy hiểm đầu tiên liên quan đến các khối u ác tính. Trong đó, đứng vị trí đầu tiên trong bệnh ung thư đường tiêu hóa.
Có 95% người có khối u dạ dày ác tính chết vì bệnh ung thư dạ dày, vì thế, đây được xem là một căn bệnh đe dọa sức khỏe con người được nhìn thấy một cách rõ ràng nhất.
Các chuyên gia cho rằng, dựa trên những số liệu và tình trạng lâm sàng, tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày ở những người trẻ tuổi đã phát triển nhanh chóng trong 5 năm qua ở Trung Quốc. Thanh thiếu niên từ 19-35 tuổi mắc ung thư tăng gấp đôi so với 30 năm trước đây.
Ngày càng có nhiều người trẻ bị ung thư dạ dày, nguyên nhân chính được cho là tình trạng thiếu ngủ nghiêm trọng, chế độ ăn uống thất thường, làm việc căng thẳng và áp lực tâm lý quá lớn.
Đặc biệt, khi chúng ta ăn nhiều món ăn như thịt hun khói, món muối chua mặn, thức ăn cay… có thể phá vỡ các chức năng bình thường của đường tiêu hóa, tổn thương niêm mạc dạ dày, dẫn đến viêm dạ dày, loét và các bệnh khác, làm tăng cơ hội mắc bệnh ung thư.
Bố mẹ Lưu viên đau khổ nhìn giấy chứng nhận hiến tạng của con gái
Ung thư dạ dày thường được phát hiện khi đã muộn
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ung thư là căn bệnh không hề đột ngột, không bất ngờ, chỉ có chúng ta không để ý nên mới chậm phát hiện.
Từ tế bào đơn lẻ bắt đầu hình thành các khối u kích thước bằng hạt gạo, nó mất khoảng 8-10 năm mới lớn dần và gây đau. Ở giai đoạn đầu cơ thể gần như không có triệu chứng, sau một năm, hạt gạo đó có thể lớn bằng hạt hạnh nhân.
Chờ đến khi bạn cảm thấy đau bụng nặng, kéo dài mới đi khám, thì lúc đó phát hiện bệnh ung thư sẽ chỉ kéo dài sự sống được từ 2-6 tháng.
Trên thực tế, có hơn 70% các bệnh ung thư dạ dày giai đoạn đầu không có triệu chứng, tiến triển đến khi xuất hiện đau bụng. Khoảng 80% bệnh nhân có dấu hiệu đau bụng rất giống với triệu chứng khó tiêu và đau bụng bình thường, khiến cho việc nghi ngờ để khám bệnh bị coi nhẹ.
Kể cả đối với một số bác sĩ, khám cho các bệnh nhân trẻ tuổi đôi khi còn nhầm các triệu chứng ung thư với viêm dạ dày hoặc loét, từ đó làm chậm trễ thời gian điều trị tốt nhất, bỏ qua thời kỳ vàng điều trị ung thư.
Làm thế nào để người trẻ có thể phòng tránh ung thư hiệu quả?
Mỗi cơ thể con người bình thường có chứa các tế bào với chức năng tự miễn dịch, vì thế chúng ta phải có lối sống lành mạnh để làm tăng sức đề kháng của hệ miễn dịch càng ngày càng nhiều hơn.
Hệ miễn dịch của cơ thể càng tốt bao nhiêu, sức đề kháng càng nâng cao lên bấy nhiêu, từ đó làm giảm nguy cơ bị ung thư tấn công.
Ngoài ra, cần thường xuyên xét nghiệm để loại bỏ các yếu tố ung thư do di truyền, tầm soát ung thư sớm, theo dõi kịp thời tình trạng hoạt động của dạ dày, có nghi ngờ cần phải phát hiện sớm và điều trị sớm.
Khi trong gia đình có người ung thư, tiền sử bị ung thư dạ dày, những người còn lại nên kiểm tra sức khỏe định kỳ. Những người mắc bệnh đau dạ dày bất kỳ, cũng là đối tượng nhạy cảm với các khối u.
Những người có thói quen ăn các món quá cay, dưa muối, món ăn bị nấm mốc, dùng thớt gỗ mốc, đũa mốc, những vùng có nguy cơ ung thư cao, cần lưu ý khám thường xuyên hơn. "Bệnh từ miệng mà ra", hãy luôn nhớ cách ăn uống lành mạnh, phù hợp.
Các bác sĩ khuyến cáo thêm rằng, những người trên 40 tuổi nên lên lịch kiểm tra sức khỏe 2 năm/lần để phòng tránh triệt để.
*Dịch tổng hợp từ Health/TT