Góp sức cứu nạn nhân vụ cháy chung cư mini
Khuya 12/9/2023, hầu hết tất cả các trung tâm điều trị Bệnh viện Bạch Mai đều sáng đèn, nhân viên y tế của các kíp trực quay cuồng cấp cứu cho nạn nhân vụ cháy chung cư mini xảy ra trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Điều dưỡng Đặng Thị Hạ (SN 1995, công tác tại Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai) cùng đồng nghiệp liên tục ép tim, bóp bóng thở, cầm máu, gắn lại kẹp kiểm tra nồng độ oxy cho nạn nhân.
Một nạn nhân nữ bị tổn thương nặng, suy hô hấp, phải đặt ống nội khí quản, điều dưỡng Hạ vừa cấp cứu các trường hợp khác, vừa lo theo dõi các chỉ số trên máy đo để đảm bảo xử trí tình huống kịp thời nhất cho người phụ nữ.
1, 2, 3 giờ sáng, vẫn tiếp tục là những tiếng hú còi của xe cứu thương và tiếng hô “cấp cứu” khắp các buồng bệnh. Người nặng thì bất tỉnh, người nhẹ thì không ngừng run rẩy vì sợ. Các nhân viên y tế vừa cấp cứu, vừa làm công tác tư tưởng trấn an người bệnh. “Hôm đó chúng tôi thức trắng đêm, dốc tất cả công lực cấp cứu người gặp nạn”, điều dưỡng Hạ nhớ lại.
6h30 sáng, khi công tác cấp cứu cơ bản hoàn thành, điều dưỡng Hạ tiếp tục lụi cụi với xấp hồ sơ y lệnh để báo cáo bác sĩ điều trị trước khi giao ca.
Trên đường từ bệnh viện trở về nhà, nữ điều dưỡng trẻ vẫn ám ảnh và không thôi nghĩ về đêm trực kinh hoàng đó. Chị nói, trong quá trình học ở trường và làm việc ở bệnh viện đã được tập huấn rất nhiều về cấp cứu trong thảm hoạ, thiên tai, cháy, dịch bệnh nhưng phải trải qua tua trực cấp cứu đêm hôm đó mới thấy được hết mức độ cấp bách trong tiếp nhận, cấp cứu người bệnh nguy kịch.
Luôn sẵn sàng phương án tác chiến
Nữ điều dưỡng Đặng Thị Hạ sinh ra và lớn lên ở Hưng Yên. Năm 2017, cô sinh viên ngày đó tốt nghiệp Cao đẳng Y tế Bạch Mai. Với mong muốn góp sức bé nhỏ của mình vào việc giúp đỡ cứu người, chị xin về công tác tại Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, đến nay đã 7 năm.
Tại Trung tâm cấp cứu A9, điều dưỡng đóng vai trò quan trọng, yêu cầu chuyên môn và trách nhiệm cao. Họ không ở tâm thế “phụ việc” cho bác sĩ mà luôn chủ động lên kế hoạch, sẵn sàng mọi phương án tác chiến từ tiếp đón, cấp cứu đến làm các công việc khác trong phòng thủ thuật.
Ngoài theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh, biết sử dụng máy móc như máy hạ thân nhiệt, máy thở, máy lọc máu, điều dưỡng Hạ cùng các đồng nghiệp còn thuần thục các kỹ thuật chăm sóc, nắm bắt tâm lý để người bệnh sớm hồi sức.
Theo chị, khi đã vào tình trạng cấp cứu, người bệnh sẽ khó chịu, cáu gắt, đó là tâm lý bình thường, người điều dưỡng phải xem họ như người thân để dễ dàng cảm thông, chia sẻ.
Gắn bó với nghề suốt gần 10 năm, nữ điều dưỡng tâm niệm dù người bệnh có đứng trước cửa tử, điều dưỡng phải luôn truyền được năng lượng lạc quan, giúp bệnh nhân gạt bỏ cảm giác lo lắng, sợ hãi, bình tĩnh đón nhận cuộc sống phía trước.
“Những quan tâm dù là rất nhỏ nhưng cần thiết, giúp bệnh nhân ấm lòng hơn vì cảm nhận được sự quan tâm” , nữ điều dưỡng 9X nói.
Môi trường làm việc đặc thù đòi hỏi người điều dưỡng phải khẩn trương kịp thời, thao tác nhanh nhẹn, tinh ý theo sát mọi dấu hiệu của người bệnh, nhờ thế chị đã kịp thời cấp cứu thành công cho rất nhiều bệnh nhân ngưng tim, ngưng hô hấp tuần hoàn.
Không chỉ trong viện, bên ngoài cuộc sống chị cũng làm rất tốt việc cấp cứu. Tháng 3/2024, trong chuyến du lịch tại Đà Nẵng, chị bất ngờ gặp vị khách nước ngoài có dấu hiệu ngưng tim. Bằng nghiệp vụ sẵn có, nữ điều dưỡng đã ép tim giúp người đàn ông qua cơn nguy kịch.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đánh giá, trường hợp người đàn ông ngoại quốc ngừng tuần hoàn tại quán ăn ở Đà Nẵng sẽ khó qua khỏi nếu không tình cờ được điều dưỡng A9 có mặt tại đó cấp cứu.
“May mắn cho nam du khách người nước ngoài đã gặp được một điều dưỡng làm việc tại Trung tâm cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, vốn rất lành nghề trong cấp cứu ngừng tuần hoàn, cấp cứu ngay lập tức”, PGS Cơ nói.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng trao giấy khen cho nữ điều dưỡng Đặng Thị Hạ. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng quyết định khen thưởng nữ điều dưỡng vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân.
Có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân nhưng chị Hạ luôn khiêm nhường. Với chị, những phần thưởng cao quý của ban giám đốc và lãnh đạo Bộ Y tế sẽ động viên chị tiếp tục nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và công việc. Phần thưởng khiến chị hạnh phúc hơn nữa chính là sự tin yêu của đồng nghiệp và bệnh nhân.