Nữ bác sĩ coi bệnh nhân như ruột thịt, kể về điều tự hào nhất trong suốt 20 năm hành nghề

Ngọc Minh - Thiết kế: Phương Thanh |

Bác sĩ Cao Thanh Ngọc là một trong những phó giáo sư trẻ nhất tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Theo chị, trách nhiệm của bác sĩ không chỉ là chữa bệnh cho một bệnh nhân mà còn góp phần giúp cho cộng đồng khỏe mạnh.

PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, được mọi người biết đến là "nữ tướng" đặt những viên gạch đầu tiên cho khoa Nội cơ xương khớp của bệnh viện. Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện với PGS Thanh Ngọc để hiểu hơn về công việc của chị.

Nữ bác sĩ coi bệnh nhân như ruột thịt, kể về điều tự hào nhất trong suốt 20 năm hành nghề- Ảnh 1.

Ngọc Minh: Tôi có nghe nói ở khoa của bác sĩ, không bao giờ có chuyện bác sĩ nhận phong bì cảm ơn của bệnh nhân.

PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc: Lời đồn đó là đúng hoàn toàn, không chỉ khoa tôi đâu mà cả Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, tôi chưa từng thấy bác sĩ nào nhận phong bì của người bệnh.

Ngọc Minh: Nhiều bác sĩ trong ngành nói công việc của bác sĩ nội khoa không áp lực như ngoại khoa và thu nhập của bác sĩ nội khoa cũng ít hơn, chị nghĩ sao và có cảm thấy chạnh lòng không?

PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc: Tôi không nghĩ như vậy. Về tính chất công việc, bác sĩ nội khoa hay ngoại khoa đều có những vất vả riêng. Bác sĩ nội khoa thường phải đối mặt với các bệnh lý mạn tính, kết quả điều trị không thể nhìn thấy ngay trước mắt mà phải cần thời gian đáp ứng điều trị, có thể vài tuần hoặc vài tháng.

Dù là bác sĩ nội khoa hay ngoại khoa thì đều có một trách nhiệm với người bệnh và mong muốn duy nhất khi trở thành bác sĩ là giúp người bệnh khỏe hơn. Không niềm vui nào lớn hơn niềm vui khi thấy người bệnh khỏe mạnh trở lại sau một thời gian dài bệnh tật. Sự khác biệt của bác sĩ nội khoa và ngoại khoa là niềm vui của bác sĩ ngoại khoa thường thấy ngay trước mắt nhưng niềm vui của bác sĩ nội khoa thì cần có thời gian mới đạt được. Mà những gì càng khó đạt được thì nó càng quý giá. Ví như những bệnh nhân của tôi, sau một thời gian dài theo dõi điều trị thì đa số họ trở thành người bạn, thậm chí như người nhà của mình vậy. Có thể tôi không giàu tiền bạc nhưng lại giàu tình cảm và các mối quan hệ. Do đó, tôi không có gì phải chạnh lòng mà mỗi ngày càng cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc hơn với nghề mà mình đã lựa chọn.

Ngọc Minh: Có phải chị đã từng lặn lội đi hàng trăm km về nhà bệnh nhân để tìm nguyên nhân gây bệnh?

PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc: Không phải bệnh nhân nào tôi cũng làm như vậy, chỉ vài trường hợp đặc biệt có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều người. Tôi nhớ ca bệnh đó xảy ra vào năm 2019, khoa có tiếp nhận bệnh nhân yếu cơ và suy kiệt, nghi viêm da cơ tự miễn.

Sau khi làm các xét nghiệm chẩn đoán thì khoa phát hiện người bệnh bị ngộ độc asen (thạch tín) chứ không phải viêm da cơ tự miễn.

Để điều trị cho bệnh nhân, chúng tôi phối hợp cùng đồng nghiệp tại Bệnh viện Chợ Rẫy và các đồng nghiệp ở Đài Loan (Trung Quốc) chuyên về giải độc.

Nguyên nhân bệnh nhân ngộ độc là do sử dụng thuốc xông nhà thường xuyên. Chúng tôi được biết nhiều người dân cũng hay có thói quen này nên đã cùng các đồng nghiệp Đài Loan đến tận địa phương người bệnh để thu thập các mẫu thuốc xông nhà, phân tích thành phần asen trong các gói thuốc. Khi có kết quả, chúng tôi đã họp báo để cảnh báo cộng đồng.

Trách nhiệm của bác sĩ không chỉ là chữa bệnh cho một bệnh nhân mà còn góp phần giúp cho cộng đồng khỏe mạnh. Đây là việc mà bác sĩ nào cũng mong muốn làm cho cộng đồng của mình.

Nữ bác sĩ coi bệnh nhân như ruột thịt, kể về điều tự hào nhất trong suốt 20 năm hành nghề- Ảnh 2.

Ngọc Minh: Nếu như với các bác sĩ ngoại khoa, điều họ sợ nhất là tai biến, thì bác sĩ nội khoa sợ nhất điều gì?

PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc: Bác sĩ nội khoa sợ nhất việc người bệnh không hoặc kém đáp ứng với thuốc điều trị. Cho đến nay, mặc dù khoa học kỹ thuật và ngành y khoa đã có nhiều bước tiến vượt bậc, có nhiều lựa chọn và phương pháp điều trị tiên tiến, tuy nhiên mỗi người bệnh là một cá thể. Mỗi người bệnh có các thay đổi khác nhau và có thể tồn tại các rối loạn vượt quá khả năng hiểu biết của y học, do đó dẫn đến các trường hợp kém đáp ứng, đề kháng thuốc hoặc không đáp ứng với thuốc.

Bác sĩ luôn cố gắng hết sức của mình, vận dụng những kiến thức mà mình đã học, đã nghiên cứu để giúp người bệnh nhưng vẫn có vài trường hợp không đi theo quy luật của số đông làm đau đầu bác sĩ. Nếu người bệnh và người nhà hiểu và phối hợp cùng với bác sĩ để chiến đấu với bệnh tật thì việc điều trị sẽ dễ dàng hơn. Nếu người bệnh không hợp tác thì khó khăn lại chồng chất khó khăn.

Ngọc Minh: Có bao giờ chị rơi vào cảnh nhìn bệnh nhân ra đi mà không thể làm gì hay không?

PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc: Thật ra tôi cũng đã gặp không ít các tình huống như thế này, bởi hiện tại khoa khớp không chỉ quản lý các bệnh cơ xương khớp ở người cao tuổi như thoái hóa khớp, loãng xương, nhiễm khuẩn cơ xương khớp… mà còn quản lý cả nhóm bệnh cơ xương khớp tự miễn – một nhóm bệnh lý khó chẩn đoán, khó điều trị và khả năng diễn tiến nặng có thể không lường trước được.

Bệnh tự miễn là một nhóm bệnh có tổn thương hệ thống các cơ quan trong cơ thể. Thông thường, phần lớn bệnh nhân đến khám do có các triệu chứng cơ xương khớp. Tôi từng chứng kiến bệnh nhân viêm da cơ, xơ cứng bì, tổn thương xơ hóa phổi, suy hô hấp tiến triển, bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống tổn thương đa cơ quan (thận, tim, phổi, thần kinh,..) tiến triển mặc dù đã áp dụng các biện pháp điều trị tiên tiến nhất theo chuẩn phác đồ thế giới, nhưng người bệnh không thể qua khỏi.

Không những vậy, tôi cũng từng phải đối mặt với tình cảnh những người bố, người mẹ phải nói lời từ biệt với những đứa con trẻ của mình khi lỡ mắc chứng bệnh tự miễn hiểm nghèo. Hoặc những người mẹ mắc bệnh tự miễn hệ thống phải đau khổ trải qua cảm giác mất con do bệnh tình tiến triển. Bản thân tôi cũng đã cố gắng để mang lại kết quả tốt nhất cho người bệnh và người thân của họ, nhưng tạo hóa và cuộc đời có những điều vượt quá khả năng cho phép cũng đành phải chấp nhận.

Từ những trải nghiệm không vui đó, tôi luôn tự nhắc nhở bản thân mình cũng như những đồng nghiệp đi sau phải luôn cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức và luôn coi người bệnh như người thân của mình khi chẩn đoán và điều trị bệnh. Tôi luôn nghĩ rằng điều kiện cần để trở thành một bác sĩ có đạo đức là phải giỏi chuyên môn.

Nữ bác sĩ coi bệnh nhân như ruột thịt, kể về điều tự hào nhất trong suốt 20 năm hành nghề- Ảnh 3.

Ngọc Minh: Tôi được biết chị là người đặt những viên gạch đầu tiên thành lập khoa Nội cơ xương khớp của bệnh viện. Chị có thể cho biết những khó khăn của thời gian bắt đầu thành lập và sự phát triển của khoa cho đến hiện tại?

PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc: Trước khi về Bệnh viện Đại học Y Dược, tôi công tác giảng dạy tại Khoa khớp, Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau khi xong việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy thì tôi qua bệnh viện Đại học Y Dược để khám chuyên khoa (còn gọi là hội chẩn) cho những người mắc bệnh cơ xương khớp.

Thời gian đó, tôi đã rất vất vả vì chỉ có một mình mình phụ trách khám chuyên khoa. Có những hôm tôi đã về tới nhà ở Gò Vấp nhưng có ca bệnh cần là tôi đi từ Gò Vấp đến bệnh viện để khám cho bệnh nhân rồi lại về nhà trong đêm. Một mình tôi đi khám chuyên khoa như vậy ròng rã hơn 2 năm cho đến khi PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc giao tôi nhiệm vụ xây dựng và phát triển Khoa Nội cơ xương khớp tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và tôi chuyển hẳn công tác về đây khi thành lập Đơn vị rồi thành lập khoa. Thầy Bắc là người đã luôn luôn động viên, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để tôi xây dựng và phát triển khoa Nội cơ xương khớp như hôm nay.

Ngọc Minh: Một khoa phòng chỉ với một bác sĩ, chị đã làm gì để có thể xây dựng khoa?

PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc: Không phải tôi chỉ có 1 mình. Sau khi Đơn vị thành lập thì được tuyển thêm nhân sự. Tôi gọi các bác sĩ đã học nội trú chuyên khoa cơ xương khớp về cùng tôi xây dựng và phát triển khoa. Sau đó, tôi nộp đề án xin thành lập khoa và gặp khó khăn về vị trí của khoa rồi diện tích. Rất may mắn, tôi được PGS Bùi Hồng Thiên Khanh (Khoa Chấn thương Chỉnh hình) và TS.BS Nguyễn Minh Anh (Khoa Ngoại thần kinh) đã hỗ trợ tách phòng ra cho Khoa Nội cơ xương khớp hoạt động. Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn mang ơn và cảm kích hai bác sĩ trưởng khoa đã "nhường đất" lại cho khoa.

Nữ bác sĩ coi bệnh nhân như ruột thịt, kể về điều tự hào nhất trong suốt 20 năm hành nghề- Ảnh 4.

Ngoài nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ đắc lực từ gia đình, từ Thầy Cô, từ đồng nghiệp, từ đàn em, cộng thêm một chút may mắn nên chỉ mới thành lập 6 năm nhưng với đội ngũ nhân sự toàn bộ đều là bác sĩ nội trú và với tinh thần đoàn kết, chúng tôi đã triển khai tất cả các dịch vụ khám chữa bệnh tương tự khoa Nội cơ xương khớp ở các nước tiên tiến trên thế giới. Hiện nay, khoa đã trở thành Trung tâm nghiên cứu, giảng dạy chuyên ngành nội cơ xương khớp hàng đầu miền Nam bên cạnh công tác khám chữa bệnh.

Ngọc Minh: Đó quả là sự nỗ lực tuyệt vời của cả một tập thể. Theo chị, đâu là thách thức lớn nhất của ngành nội cơ xương khớp?

PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc: Có lẽ khó khăn nhất của chuyên ngành là làm sao tăng cường nhận thức của người bệnh về các bệnh lý cơ xương khớp, để giúp người bệnh được tiếp cận chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và chính xác. Thực tế hiện nay vẫn còn nhiều người bệnh khi đau cơ xương khớp không đến cơ sở chuyên khoa để khám chữa bệnh mà tự mua thuốc uống nhưng đa phần là các loại thuốc giảm đau, thậm chí là thuốc không rõ nguồn gốc. Việc này đã để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, gia tăng tỷ lệ tàn phế, tử vong, gánh nặng bệnh tật.

Bên cạnh đó, đội ngũ bác sĩ chuyên khoa trong lĩnh vực nội cơ xương khớp cũng chưa được chú trọng phát triển. Thực tế tại Việt Nam hiện nay, các chương trình đào tạo chuyên ngành nội cơ xương khớp chỉ mới tập trung vào các khóa ngắn hạn tại các bệnh viện lớn có khoa Nội cơ xương khớp. Tại các trường đại học y khoa ở miền Nam, chương trình đào tạo sinh viên vẫn còn giới hạn ở số tiết dạy trong các bài về chuyên khoa Nội cơ xương khớp, thậm chí một số trường đại học còn chưa có phân môn Nội cơ xương khớp. Do đó, việc tiếp cận các bệnh lý cơ xương khớp của sinh viên y khoa còn nhiều hạn chế.

Nhiều bệnh viện vẫn chưa có khoa Nội cơ xương khớp riêng biệt, đa số chỉ có ở những bệnh viện tuyến đầu. Điều đáng mừng là các bệnh viện tuyến đầu hiện nay tích cực mở các khóa đào tạo ngắn hạn để cập nhật kiến thức chuyên khoa này cho các bác sĩ tuyến dưới, góp phần cải thiện được chất lượng chẩn đoán và điều trị cho người bệnh mắc các bệnh lý cơ xương khớp. Bên cạnh đó, các bệnh viện điển hình như Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã luôn cải tiến rất nhiều trong chẩn đoán và điều trị người bệnh, tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế và người bệnh cũng được tiếp cận với hầu hết các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm và thuốc điều trị mà các nước tiên tiên trên thế giới đang áp dụng. Thực tế đó cho thấy, tuy vẫn còn nhiều khó khăn cần cải tiến nhưng tình hình phát triển chuyên ngành nội cơ xương khớp tại Việt Nam vẫn đang ngày càng tiến bộ và chuẩn hóa theo xu hướng chung của thế giới.

Ngọc Minh: Chị và đồng nghiệp tại khoa đã cải tiến những phương pháp chẩn đoán, điều trị cơ xương khớp như thế nào để phù hợp với điều kiện hiện tại?

PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc: Tôi còn nhớ ngày xưa, khi các bệnh nhân bệnh khớp tự miễn muốn tiêm truyền thuốc sinh học phải nhập viện từ sáng và đến chiều mới hoàn tất việc điều trị. Hiện nay, tại Bệnh viện Đại học Y Dược, người bệnh đến là được tiêm thuốc và về ngay sau 1 – 2 giờ mà không cần phải chờ đến chiều.

Chúng tôi cũng hợp tác với Khoa Chẩn đoán hình ảnh để đưa ra quy trình chụp MRI cho người bệnh viêm cột sống dính khớp chỉ với 1 lần chụp mà khảo sát được nhiều thương tổn với chi phí giảm 50% so với chụp thông thường, thay vì phải chụp hai lần với chi phí gấp đôi. Quy trình chụp này hiện nay đã bắt đầu được nhiều cơ sở trong nước áp dụng đem lại thuận lợi cho người bệnh, giúp chẩn đoán bệnh sớm hơn, khảo sát bệnh toàn diện hơn với chi phí thấp hơn. Chúng tôi cũng có những cải tiến trong quản lý bệnh viêm cột sống dính khớp (viêm khớp cột sống) theo quy trình quản lý của quốc tế giúp người bệnh được theo dõi sát sao hơn và ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá và theo dõi bệnh.

Ngọc Minh: Tôi được biết chị đang thực hiện nhiều công trình, công trình nào khiến chị tâm đắc nhất.

PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc: Có lẽ công trình mà tôi tâm đắc nhất là cho ra đời sách chuyên khảo về viêm khớp dạng thấp.

Nhiều năm trước, những bệnh nhân viêm khớp dạng thấp chỉ ngồi ôm các khớp sưng đau và sử dụng corticoid triền miên để giảm đau rồi chết vì biến chứng của lạm dụng corticoid với các khớp biến dạng hoàn toàn. Ngày nay, bệnh nhân mắc viêm khớp dạng thấp nếu được chẩn đoán đúng, chẩn đoán sớm và điều trị bài bản ngay từ đầu thì sẽ có cuộc sống gần như người bình thường.

Thực tế, những bệnh nhân viêm khớp dạng thấp mới phát hiện và điều trị ngay từ đầu tại Bệnh viện Đại học Y Dược có tỉ lệ ngừng sử dụng corticoid sau 6 tháng là hơn 90% và đa số bệnh nhân đã trở lại cuộc sống bình thường. Tôi cùng các đồng nghiệp trong khoa và Thầy của tôi là Giáo sư Võ Tam đã đọc các nghiên cứu, khuyến cáo của thế giới, kết hợp với kinh nghiệm thực tế chắt lọc bao năm qua đưa vào quyển sách này. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm của mình bằng cách cho ra đời nhiều quyển sách tiếp theo.

Nữ bác sĩ coi bệnh nhân như ruột thịt, kể về điều tự hào nhất trong suốt 20 năm hành nghề- Ảnh 5.

Ngọc Minh: Điều gì khiến chị thấy tự hào nhất khi làm bác sĩ nội khoa và nội cơ xương khớp?

PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc: Giúp người bệnh của tôi trở về cuộc sống sinh hoạt bình thường - đó là điều tôi cảm thấy tự hào khi là bác sĩ nội cơ xương khớp. Chứng kiến người bệnh đến với mình với tình trạng sưng đau khớp, không có khả năng đi lại, thậm chí nhiều người đến với tôi là trên băng ca hoặc xe lăn cho đến khi người bệnh ổn định, đi lại dễ dàng, trở lại công việc của họ và nhiều người lập gia đình, lấy lại hạnh phúc. Đó là công việc ý nghĩa và tự hào mà tôi đã, đang và sẽ cố gắng cống hiến nhiều hơn nữa.

Nhiều điều mình đang có thì mình cảm thấy rất bình thường, nhưng khi bệnh thì mình mới thấy nó quý giá biết bao. Bạn đi lại được, hít thở và nói chuyện bình thường thì bạn nghĩ rằng đó là quy luật của cuộc sống. Nhưng khi bạn bệnh, bạn sưng đau khớp không thể đi lại được hoặc ảnh hưởng đến công việc của mình thì bạn mới thấy những cái bình thường là điều tuyệt vời mà tạo hóa đã ban tặng cho chúng ta.

Tôi đã nhiều lần xúc động và cảm thấy hạnh phúc cùng với người bệnh khi họ chia sẻ "em đi lại được rồi", "em đi làm lại rồi bác sĩ", "em sơn móng tay được rồi", "ban da vảy nến của em hết rồi, 10 năm rồi giờ em mới dám mặc váy lại"…

Nữ bác sĩ coi bệnh nhân như ruột thịt, kể về điều tự hào nhất trong suốt 20 năm hành nghề- Ảnh 6.

Ngọc Minh: Là một bác sĩ, một người nghiên cứu, giảng dạy và cũng là một người mẹ, người vợ, chị cân bằng các vai trò đó như thế nào?

PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc: Tôi may mắn khi có một đội ngũ bác sĩ giỏi luôn đồng lòng cùng tôi trong các dự án và luôn luôn cháy bỏng tinh thần học hỏi, yêu thương người bệnh. Tôi càng may mắn hơn khi có một người mẹ luôn tháo vát chăm lo cho các con cháu, một người chồng luôn đồng cảm, thấu hiểu chia sẻ áp lực công việc và luôn ủng hộ tôi vô điều kiện. Tình yêu của các bệnh nhân khắp nơi cũng là liều thuốc bổ tinh thần quý giá mà tôi đang có. Với những điều kiện thuận lợi này, tôi rất dễ tạo cho mình sự cân bằng. Ngày thường, tôi dành thời gian tập trung vào công việc thăm khám chữa bệnh cho bệnh nhân, giảng dạy cho học viên và chủ trì các nghiên cứu đang triển khai tại bệnh viện và trường. Tôi luôn đặt mục tiêu, phân bố công việc và hoàn thành trước khi về nhà, để khi về nhà và cuối tuần là khoảng thời gian dành cho gia đình.

Ngọc Minh: Với khối lượng công việc và trách nghiệm lớn như vậy, thời gian chị dành cho gia đình và cho bản thân mình thế nào?

PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc: Tôi cố gắng giữ gìn sức khỏe để cống hiến tốt hơn cho nên thường dành thời gian đầu ngày để tập thể dục. Tôi bắt đầu ngày làm việc của mình bằng cách tập yoga. Thói quen này tôi bắt đầu duy trì vài năm nay. Tập yoga khiến tôi cảm giác hứng khởi và tràn trề năng lượng hơn cho một ngày làm việc mới.

Định kỳ mỗi buổi chiều thứ 7, tôi cùng vài người bạn rủ nhau tập gym tại nhà, tập thì không nhiều mà chuyện phiếm thì nhiều. Thỉnh thoảng cuối tuần gia đình tôi cùng các gia đình bạn bè đi về những nơi đồng quê để hòa mình vào thiên nhiên, khám phá những vùng đất mà mình chưa tới, thử những món ăn địa phương, tìm hiểu lịch sử vùng miền để thư thái đầu óc. Nếu không đi xa, cuối tuần gia đình tôi sẽ ra quán cà phê ngồi đọc sách, xem lại một tuần đã qua và đề xuất những việc sẽ làm cho tuần kế tiếp. Đôi khi cũng chỉ là một buổi sáng chủ nhật tôi ngủ dậy muộn thật muộn như một con mèo lười ở nhà hoặc ở một nơi xa cũng là thời gian dành cho riêng mình.

Cảm ơn chị, chúc chị sức khỏe và thành công!

Nữ bác sĩ coi bệnh nhân như ruột thịt, kể về điều tự hào nhất trong suốt 20 năm hành nghề- Ảnh 7.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại