Theo Daily Mail ngày 27/10, để đáp trả việc Nga tăng cường sức mạnh quân sự sát biên giới châu Âu, phương Tây đã tiến hành chương trình biểu dương sức mạnh lớn nhất kể từ thời kỳ Chiến tranh lạnh đến nay, như thể hiện quyết tâm đối chọi với Tổng thống Nga Vladimir Putin của NATO.
Cụ thể, Anh đã triển khai binh lính, xe tăng và chiến đấu cơ tới Estonia để ngăn chặn nguy cơ xâm lược từ phía Nga. Trong khi đó, lực lượng Anh và Romani cũng sẽ tham gia vào một tiểu đoàn của Mỹ tại Ba Lan.
Như một phần của kế hoạch xây dựng lực lượng lớn nhất tại Đông Âu kể từ sau Chiến tranh lạnh, máy bay của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) cũng lần đầu tiên được triển khai để tuần tra không phận Romani.
Các động thái này được cho là nhằm ngăn Moscow làm tổn hại và suy yếu đến các quốc gia vệ tinh Đông Âu như đã làm với Crimea và Ukraine.
Trong khi đó, Mỹ đang hy vọng các quốc gia Đông Âu lấp đầy vào 4 nhóm chiến đấu với tổng số 4.000 quân lính như một phần kế hoạch đáp trả Nga. Nhiều binh lính sẽ được triển khai đến các nước Baltics và Ba Lan trong năm tới với sự hỗ trợ của NATO.
Ngoài ra, Pháp, Đan Mạch, Ý cùng các đồng minh khác sẽ tham gia vào 4 nhóm chiến đấu do Hoa Kỳ, Đức, Anh và Canada dẫn đầu, phân chia lực lượng tới các quốc gia gồm Ba Lan, Lithuania, Estonia và Latvia với sự góp mặt của các lực lượng khác nhau, từ xe bộ binh bọc thép đến chiến đấu cơ không người lái.
Động thái này diễn ra ngay sau khi Nga công bố hình ảnh của tên lửa hạt nhân mới được mệnh danh là “Satan 2”, có sức mạnh đủ để phá hủy toàn bộ Vương quốc Anh vào hôm 25/10. Nga tuyên bố tên lửa này đủ sức đánh bại hệ thống phòng thủ của Mỹ.
Vì vậy một số quốc gia thuộc NATO, trong đó có Estonia đang lo sợ mình có thể trở thành mục tiêu kế tiếp trong danh sách tấn công của Nga. Các thành viên khác, trong đó có Anh, có nghĩa vụ pháp lý phải bảo vệ họ.
Trong chiến dịch tăng cường lực lượng của NATO, Anh đã triển khai 800 binh linh tới Estonia trong vòng 6 tháng kể từ tháng 5 vừa qua. Sau đó, quân đội từ quốc gia NATO khác sẽ đến thay thế để duy trì sự hiện diện liên tục.
Anh triển khai 800 binh lính tới Estonia trong vòng 6 tháng.
Phát biểu tại trụ sở NATO ở Brussels, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cho biết: "Dù Anh có rời khỏi EU, chúng tôi vẫn sẽ cố gắng để giúp bảo đảm an toàn cho sườn phía nam và đông của NATO".
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Anh cũng cho biết thêm: "Anh đang đẩy mạnh các biện pháp để hỗ trợ đồng minh ở châu Âu khi phải đối mặt với nước Nga ngày càng quyết đoán".
Theo Daily Mail, căng thẳng giữa Nga và phương Tây đã leo thang do các vụ đánh bom của Moscow tại Aleppo.
Ông Lev Gudkov, người đứng đầu Trung tâm thăm dò dư luận Levada cho biết, hầu hết binh sĩ Nga đều "tin rằng Thế chiến thứ III đã bắt đầu".
Ông Gudkov nói thêm: "Ngay bây giờ, chúng ta đang trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, tuy nhiên nó có khả năng sẽ biến thành Chiến tranh nóng".
Tổng thống Putin đã phái hạm đội 8 tàu chiến Nga đi qua Kênh Anh để hỗ trợ các cuộc tấn công vào thành phố bị bao vây ở Syria. Một báo Nga dẫn nguồn tin quân sự cho hay, tàu Serpukhov và the Zeleny Dol là những chiếc đầu tiên được triển khai, và đều được trang bị tên lửa hành trình tầm xa Kalibr.
Tên lửa "Satan 2" của Nga mới được tiết lộ.
Trước đó, hồi đầu tháng này, Bộ Quốc phòng Nga đã không đưa ra bình luận về việc liệu hai tàu này có đang trên đường đên Địa Trung Hải Không.
Trong khi đó, NATO và quân đội Thụy Điển khẳng định cả 2 tàu chiến đã vào biển Baltic. Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển cho biết, nước này đang lo lắng bởi sự hiện diện của các tàu chiến ở vùng biển Baltic bởi nó sẽ tiếp tục làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Bên cạnh đó, nhiều hình ảnh mới đây cho thấy các nhân viên khẩn cấp Nga mặc đồ bảo vệ, đeo mặt nạ khi tham gia cuộc tập trận lớn nhất trong nhiều thập niên.
Ngoài ra, Tổng thống Putin còn yêu cầu trang bị đủ hầm trú bom để bảo về toàn bộ dân số Moscow. Chính vì vậy, sự xuất hiện của tàu chiến Nga ở Baltic đã làm dấy lên mối lo ngại trong nội bộ NATO.