Nóng bỏng “cuộc chiến” dầu mỏ

Trương Khắc Trà |

Cuộc chiến dầu mỏ toàn cầu ngày càng nóng hơn khi Saudi Arabia “bắt tay” với Nga và một số quốc gia nhằm đánh gục hệ thống Petrodollars.

Nếu nói ngành công nghiệp dầu mỏ sắp tàn lụi, e rằng quá sớm. Nhưng nhân loại tỉnh thức đang nỗ lực đoạn tuyệt năng lượng hóa thạch, giải cứu tương lai.

Nóng bỏng “cuộc chiến” dầu mỏ - Ảnh 1.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman (trái) trò chuyện cùng Tổng thống Nga Putin tại thượng đỉnh G20 ở Nhật. Ảnh: Reuters

Từ lòng đất đến chính trường

Còn nhớ vào tháng 8/1973, ông Anwar Sadat, Tổng thống Ai Cập đến Saudi Arabia gặp Nhà vua Faisal để thỉnh cầu quốc gia này ngừng bán dầu cho Mỹ, do Nhà trắng lúc ấy chống lưng cho Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur, chống lại thế giới Ả rập.

Saudi Arabia đồng ý, cùng các thành viên OPEC gạt Mỹ ra khỏi thị trường của họ. Vài ngày sau quyết định này, giá dầu tăng 4 lần, từ 3 USD/thùng lên 12 USD/thùng. Điều này khiến kinh tế Mỹ không chịu nổi “cú sốc”, trong khi Nhật Bản và Tây Âu định tách khỏi Mỹ để tránh liên đới.

Đến lượt mình, Tổng thống Mỹ Reagan phái ông William Casey, Giám đốc CIA tới yết kiến Quốc vương Fahd. Ngay sau đó, “ông trùm” OPEC mở hết công suất hút dầu để tăng sản lượng từ 2 triệu lên 10 triệu thùng/ngày, kéo giá dầu từ 32 USD/thùng xuống 10 USD/thùng.

Nền kinh tế Liên Xô vốn dựa vào khai thác dầu mỏ, đã mất 20 tỷ USD trong năm 1986, ôm khoản nợ quốc tế lên tới 50 tỷ USD trước khi sụp xuống.

Ngày 13/7/2022, tức gần 5 tháng sau ngày Nga nổ súng tấn công Ukraine, người Mỹ lại thêm một lần cậy nhờ Saudi Arabia dùng dầu mỏ ép ông Putin dừng chiến sự. Nhưng lần này Saudi Arabia từ chối, OPEC không tăng sản lượng, thậm chí cắt giảm tới 2,5 triệu thùng/ngày. Giá “vàng đen” lại tăng mạnh, giúp Nga còn nguồn thu để duy trì cuộc chiến ở Ukraine, đẩy lạm phát về châu Âu và Mỹ. Có thể nói đây là quyết định liên quan đến dầu mỏ có ảnh hưởng địa chính trị mạnh mẽ nhất trong năm 2022.

Cho dù thế, châu Âu và Mỹ với chút quyền khách hàng còn ít ỏi của mình, vẫn cố nén đau không mua dầu và khí đốt từ Nga. Thế là mặt trận mới với con rối dầu mỏ được mở ra. Các thế lực chiến đấu nhau dữ dội trên “thị trường xám”, vét sạch hợp đồng giao dầu ngay.

Nóng bỏng “cuộc chiến” dầu mỏ - Ảnh 2.

Rosneft - nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất của Nga đã ký thỏa thuận cung cấp dầu mỏ với Công ty Năng lượng Trung Quốc CEFC. Ảnh: Reuters

Từ Bắc Kinh ra thế giới

Nếu cần nhận diện thế lực có thể thương lượng sòng phẳng với Mỹ trên thị trường dầu mỏ, đó chính là Saudi Arabia và OPEC. Khi bất cần, họ cũng chống Mỹ ra mặt và khi cần, họ thoải mái bắt tay.

Vậy lần này vì sao OPEC không còn nghe lời Mỹ? So với nhu cầu kinh tế hiện nay, việc cắt giảm 2,5 triệu thùng dầu mỗi ngày không đáng là bao so với thời điểm cuối thập niên 70. Chỉ OPEC nhận ra quyền lực Mỹ đang thoái trào, họ cần thân thiết với thế lực đang lên, có khả năng lãnh đạo thế giới sau năm 2030.

Trung Quốc là “tay chơi” thầm lặng trong cuộc cạnh tranh giành quyền kiểm soát “vàng đen”. Quá trình này chính thức được khởi động từ cách đây một thập kỷ rưỡi, xây dựng hệ thống dự trữ dầu mỏ, thu mua dầu thô từ các khu vực như Sudan, Iraq và Venezuela.

Đại dịch COVID-19 khiến giá dầu giảm, tiếp tục mang đến cơ hội cho Trung Quốc. Đến giữa năm 2020, nước này tích góp lượng dầu gấp 3 lần nhu cầu thế giới. Chiến sự Nga- Ukraine đã “bẻ” dòng dầu chảy mạnh hơn về cường quốc châu Á. Nhưng điều đó chưa là gì với loạt hợp đồng năng lượng trên 25 năm của Trung Quốc với Iran, Qatar, Saudi Arabia. Từ bây giờ, nói về an ninh năng lượng, mọi con mắt cầu cạnh đang đổ dồn về Bắc Kinh.

Trung Quốc đang sử dụng dầu mỏ để khuếch đại tầm ảnh hưởng, đầu tiên họ sẽ đề nghị dùng Nhân dân tệ giao dịch dầu mỏ. Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal Bin Farhan nói rằng: “việc này không có gì phải bàn thêm”.

Một dòng năng lượng từ Trung Quốc bắt đầu được rót về phía Tây, sang châu Âu với hạn ngạch khoảng 10 - 15 triệu tấn dầu diesel cuối năm 2022. Đây là động thái xuất khẩu chưa từng có, đặc biệt khi chính sách gần đây của Trung Quốc giới hạn sản xuất quá mức nhằm giảm lượng khí thải carbon.

Cuộc chiến dầu mỏ sẽ quyết liệt hơn trong năm 2023, nó không chỉ dừng lại ở việc tìm cách tăng nguồn cung khi Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế, mà còn là cuộc tấn công của “hệ giá trị” Trung Quốc, bao gồm tài chính, tiền tệ, quân sự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại