Ông Trump bị giễu cợt khi nói về tên lửa mới - Chuyên gia lên tiếng: Cụm từ "đến cả trẻ con cũng hiểu" đủ khiến TT Putin siêu lo ngại

Lâm Vy |

Theo Tiến sĩ Burke, nhờ tuyên bố của ông Trump về "siêu" tên lửa mà có lẽ giờ đây TT Putin đang "siêu" lo ngại về nguy cơ mất lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua giữa hai phía.

Tên lửa "thượng hạng"

Trong bài viết trên tờ The Hill, ông Ryan P. Burke, Tiến sĩ–Phó GS nghiên cứu quân sự và chiến lược tại Học viện Không quân Hoa Kỳ, đồng thời là một cựu sĩ quan Thủy quân lục chiến Mỹ cho biết, tại buổi lễ ra mắt lá cờ mới của Lực lượng Không gian hôm 16/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra một tuyên bố cường điệu về loại tên lửa mới của Lầu Năm Góc.

Trong bài phát biểu của mình, ông Trump gọi đó là "super-duper missile" (Tạm dịch: Tên lửa thượng hạng), có thể "bay nhanh gấp 17 lần mọi thứ chúng ta có hiện nay". Cụm từ này đã khiến hàng nghìn người dùng Twitter chế giễu vốn từ vựng của Tổng thống.

Song, giữa những lời mỉa mai trên Twitter và sự bám dính của truyền thông xoay quanh những đồn đoán về chương trình phát triển tên lửa, cũng như đôi ba câu tuyên bố được trích ra từ bài phát biểu của Tổng thống, thì dường như tất cả đã quên đi một điểm quan trọng: "Siêu" tên lửa là một điều "siêu" cần thiết để đối phó với mối "siêu" đe dọa từ Nga ở Bắc Cực.

Ông Trump bị giễu cợt khi nói về tên lửa mới - Chuyên gia lên tiếng: Cụm từ đến cả trẻ con cũng hiểu đủ khiến TT Putin siêu lo ngại - Ảnh 1.

Ông Trump tại buổi lễ ra mắt lá cờ mới của Lực lượng Không gian hôm 16/5. Ảnh: AFP

Albert Einstein từng nói rằng, các học thuyết phức tạp và các biểu thức toán học nên được đúc rút một cách đơn giản để "ngay cả một đứa trẻ cũng có thể hiểu được". Như vậy, việc dùng cụm từ "tên lửa thượng hạng" để mô tả sự phức tạp của hệ thống vũ khí siêu vượt âm có lẽ đã đủ để hầu hết mọi người đều hiểu được.

Thực tế là ông Trump đã không dùng những từ to tát để thu hút giới chuyên môn Mỹ. Bất chấp sự kiêu ngạo tự phụ từ nhiều người không biết chút gì về vũ khí siêu vượt âm thì cách dùng từ như vậy lại là một phần tạo nên sức hút của ông Trump đối với hàng triệu cử tri Mỹ.

Do đó, cách nói của ông Trump về chương trình vũ khí siêu vượt âm lại trở nên "siêu" quan trọng đối với Mỹ - quốc gia đang đứng ở vị trí thứ ba trong cuộc đua với Nga và Trung Quốc.

"Siêu" tên lửa Mỹ khiến Nga "siêu" lo ngại

Vũ khí siêu vượt âm rút cuộc là gì? Nói một cách dễ hiểu thì chúng ta có thể mô tả chúng là các tên lửa "siêu nhanh", có thể bay "siêu xa".

Nếu mô tả mang tính kỹ thuật hơn một chút thì tên lửa siêu vượt âm tạo ra mối đe dọa kép, chúng kết hợp khả năng cơ động trong lộ trình bay của tên lửa hành trình dẫn đường với tốc độ của một tên lửa đạn đạo có khả năng du hành không gian dưới quỹ đạo (không hết một vòng quỹ đạo Trái Đất).

Các loại vũ khí siêu vượt âm có thể được triển khai theo 2 cách: như một tên lửa hành trình siêu vượt âm được phóng bằng động cơ phản lực không khí sử dụng hệ thống đẩy hydrogen, hoặc như một phương tiện lượn siêu vượt âm (HGV - hypersonic glide vehicle) được phóng bằng rocket, sau đó tách ra và lao đến mục tiêu.

Dù được triển khai bằng phương thức nào thì vũ khí siêu vượt âm đều có thể tăng tốc nhanh gấp nhiều lần tốc độ âm thanh. Tên lửa siêu vượt âm có thể bay xa hàng nghìn dặm chỉ trong vài phút, điều đó cho phép chúng qua mặt các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại.

Bên cạnh đó, tên lửa siêu vượt âm còn có thể được triển khai từ các bệ phóng rocket di động trên bộ hoặc từ máy bay chiến đấu, chúng có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường, và duy trì độ chính xác tấn công cực cao.

Ông Trump bị giễu cợt khi nói về tên lửa mới - Chuyên gia lên tiếng: Cụm từ đến cả trẻ con cũng hiểu đủ khiến TT Putin siêu lo ngại - Ảnh 2.

Mỹ cần có tên lửa siêu vượt âm để đối phó Nga-Trung Quốc. Ảnh: Daily Express

Tại sao tên lửa siêu vượt âm lại trở nên phổ biến trong kỷ nguyên tái cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc? Đơn giản là vì Mỹ chưa có phương thức phòng thủ trước thứ vũ khí này.

Nga nắm được điểm yếu của Mỹ và đang tiếp tục củng cố vị thế quân sự của mình bằng cách triển khai vũ khí siêu vượt âm ở Bắc Cực. Trong năm 2019, Nga xác nhận đã triển khai tên lửa đạn đạo siêu vượt âm phóng từ trên không Kinzhal.

Tên lửa Kinzhal có thể được phóng đi từ chiến đấu cơ Nga, mang theo đầu đạn hạt nhân bay với tốc độ 7.600 dặm/phút và tấn công mục tiêu cách xa 1.200 dặm với độ chính xác cao.

Một loại vũ khí siêu vượt khác mới được triển khai gần đây của Nga – HGV Avangard – được giới thiệu là có thể bay nhanh gấp 20-27 lần tốc độ âm thanh (từ 15.000 – 20.000 dặm/phút) và có thể tấn công mục tiêu cách xa 3.700 dặm. Tuy nhiên, Nga gần như không cần đến tầm bắn xa như vậy nếu muốn vươn tới Mỹ.

Nga có một căn cứ không quân và hải quân ở đảo Wrangel, cách bờ biển Alaska khoảng 30 dặm, nằm trên rìa tây của biển Chukchi. Song, nếu muốn tấn công Alaska từ đây, Nga không cần tới các tên lửa siêu vượt âm phóng từ trên bộ/không, có khả năng bay qua Bắc Băng Dương để tấn công mục tiêu bằng đầu đạn hạt nhân từ khoảng cách 3.000 dặm trong vòng 10 phút.

Thay vào đó, toàn bộ lãnh thổ Alaska sẽ nằm trong tầm bắn của HGV Avangard nếu nó được bắn đi từ một trong hàng chục căn cứ quân sự của Nga ở phía bắc Vòng Bắc Cực. Đây là một trong những tên lửa "không thể ngăn chặn" mà Nga và Trung Quốc đang sở hữu, trong khi đó Mỹ vẫn chưa có được nguyên mẫu tiệm cận hay công nghệ tương đương để đủ sức phòng thủ trước chúng.

Theo tướng Terrance O’Shaughnessy đến từ Bộ Tư lệnh Bắc Mỹ, các tên lửa siêu vượt âm của Nga có thể "tấn công Alaska với rất ít dấu hiệu hoặc cảnh báo". Hệ thống Cảnh báo phía Bắc của Mỹ hiện nay – một trạm radar dùng để cảnh báo các cuộc tấn công tên lửa - đã hơn 30 năm tuổi và không còn đủ khả năng theo dõi, cũng như cảnh báo hiệu quả trước các cuộc tấn công của tên lửa siêu vượt âm hiện đại.

Trong buổi điều trần hồi tháng Ba năm nay, tướng O’Shaughnessy đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm rằng: "Chúng ta không thể dùng công nghệ của thế kỷ 20 để bảo vệ nước Mỹ trước các mối đe dọa trong thế kỷ 21".

Hiện nay Mỹ đang theo đuổi câu trả lời cho mối đe dọa hữu hình này ở Bắc Cực thông qua chương trình phát triển Hệ thống phòng thủ đa lớp tích hợp, gọi tắt là SHIELD.

Vấn đề là hệ thống này vẫn còn một chặng đường dài mới có thể hoạt động trong thực tế. Trong lúc chưa có được hệ thống phòng thủ đủ tốt để chống lại "các đối thủ tiên tiến" ở Bắc Cực, Mỹ cần có một phương thức tấn công đủ tốt.

Cuộc chơi vũ khí siêu vượt âm đòi hỏi phải theo hướng tấn công "ăn miếng trả miếng", hay phải phát triển các loại "tên lửa thượng hạng" để bắt kịp với năng lực của đối thủ hiện nay.

Do đó, đối với một nước Mỹ đang có ý định phải đuổi kịp Moscow trong cuộc đua khoe cơ bắp quân sự ở thời hiện đại, thì việc phát triển các "tên lửa thượng hạng" quả thực là điều cần thiết để đáp trả mối đe dọa đến từ các đối thủ cạnh tranh quyền lực với Mỹ.

Và có lẽ giờ đây, nhờ tuyên bố của ông Trump về "siêu" tên lửa, mà Tổng thống Putin và Moscow đang "siêu" lo ngại về nguy cơ mất lợi thế cạnh tranh trong cuộc chơi vũ khí siêu vượt âm.

Các bình luận được đưa ra trong bài viết thể hiện quan điểm riêng của Phó giáo sư – Tiến sĩ Ryan P. Burke

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại