Lý do được Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đưa ra là: "Nếu giảm lương vào lúc này thì phản cảm quá vì chúng ta mới tăng được hai tháng" (Quốc hội phê chuẩn tăng từ 1.7.2013).
Khi đề xuất này được đưa ra, nhiều người lao động đã thấy "phẫn nộ" chứ không chỉ đơn thuần là "phản cảm", vì biết rằng, khi cần tiền, một lần nữa “công bộc” lại chọn việc cắt hầu bao của những người đang lao đao nhất trong suy thoái kinh tế và cơn bão giá.
Họ còn phẫn nộ hơn khi nghe được lời khẳng định của một lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội trong một phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH. Thứ trưởng Bộ này - Nguyễn Thanh Hòa đã đưa ra một kết luận sửng sốt: “Theo các chuyên gia kinh tế thì lạm phát cũng như suy thoái kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người nghèo”.
Không chỉ có thế, trước đó, người dân lao động cũng đã trở thành “nạn nhân bất đắc dĩ” khi cơ quan chức năng kết luận xanh rờn: “một số bộ phận người dân vẫn còn biểu hiện lãng phí” (báo cáo kết quả thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí).
Đến Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn còn phải thốt lên: “Giá điện, xăng đều tăng, ở các báo cáo khác thì mình đánh giá đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, dân nghèo lấy đâu ra mà lãng phí”.
Dân nghèo không lãng phí, thì ai lãng phí? Ai đáng phải tiết kiệm để giảm áp lực bội chi ngân sách?
Cũng dùng từ “phản cảm” giống Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, nhưng Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội K’so Phước lại đề cập đến một vấn đề khác: “Tôi không điểm danh thì các đồng chí cũng biết rồi, dân đang nghèo sao trụ sở to thế, lộng lẫy như thế, phản cảm lắm”.
Trong khi Bộ trưởng Bộ Y tế luôn than thở với tần suất dày đặc về chuyện cơ sở vật chất tồi tàn, trang thiết bị y tế thiếu thốn, thì Khoa răng hàm mặt (Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM - đơn vị trực thuộc Bộ Y tế) lại điềm nhiên bỏ cả đống tiền mua sắm máy… hút mỡ bụng thẩm mỹ rồi để mốc; nhiều bệnh viện xây dở rồi để hoang cả năm, hàng trăm tỉ đồng phơi nắng gió.
Nhưng có một kiểu lãng phí khác chưa bao giờ được tính toán để giảm áp lực ngân sách, có thể tạm gọi là “lãng phí quan chức”.
Quan chức thừa ăn mòn "ông ngân sách". Ảnh minh họa
Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng chính phủ Vũ Đức Đam vừa chính thức thừa nhận việc bộ máy công quyền thừa quá nhiều thứ trưởng, tổng cục phó, vụ phó. Và cái sự thừa đáng lưu ý nhất lại xảy ra ở ngay Văn phòng Chính phủ: Có đến 6 vị Phó chủ nhiệm (Quy định tối đa là 4 người).
Thêm một quan chức không chỉ là việc thêm một suất lương – bổng, mà còn phải thêm xe cộ, thư ký, công tác, tiếp đãi, đón rước, và có thể là thêm nhiều suất ngoại giao.
Thừa quan chức, cũng có thể sinh ra những “người nhàn cư” và hậu quả của nó khiến xã hội lãng phí rất nhiều thời gian, tiền bạc: Cấm ngực lép không được lái xe; cấm dùng nhà ở làm nhà nghỉ; cấm quay phim, chụp ảnh cảnh sát giao thông…
Để cân đối ngân sách, giữ ổn định nền kinh tế, rất có thể lúc nào đó chúng ta buộc phải giảm lương tối thiểu. Nhưng, trước giảm lương, nếu cơ quan công quyền dũng cảm thực hiện sáng kiến độc: cắt giảm quan chức thừa, thì chắc chắn đại bộ phận cần lao sẽ tâm phục khẩu phục ngửa hầu bao ít ỏi của mình sẻ chia với “ông ngân sách”.