Sau quá trình tăng trưởng quá nóng thì ‘cú hãm phanh’ nhân sự trong ngành ngân hàng dù khắc nghiệt nhưng là tất yếu.
Vậy câu hỏi đặt ra là, những nhân sự bị cắt giảm ở các ngân hàng sẽ đi đâu? Lương nhân viên nhân hàng giảm sút nhưng lương của quản lý cấp trung, cấp cao có bị giảm không? Ngân hàng sẵn sàng trả lương cho quản lý cấp cao ở mức bao nhiêu thời điều kiện khó khăn hiện nay?
Để giải đáp các câu hỏi trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Paul Nguyễn, Tổng giám đốc Mạng tuyển dụng và việc làm Career Builder Việt Nam và đã nhận được nhiều thông tin đáng chú ý.
Bị cắt giảm, cựu nhân viên ngân hàng đi về đâu?
Chào ông, theo báo cáo 6 tháng đầu năm nay, ngành ngân hàng tiếp tục xu hướng cắt giảm nhân sự đã bắt đầu từ năm ngoái. Ông có thể cho biết thời điểm hiện tại, tổng số nhân sự trong ngành đã biến động ra sao so với thời điểm đầu năm 2013 và so với cùng kỳ năm ngoái, thưa ông?
Hiện tại tổng số nhân sự toàn ngành ngân hàng – tài chính tương đối đã ổn định và tương đương nếu so với đầu năm 2013. Còn so với cùng kỳ năm ngoái, nhân sự mới gia nhập ngành có giảm nhẹ.
Được biết, tại một số ngân hàng, nhân sự bị cắt giảm ồ ạt sau khi tuyển rất nhiều (Ví dụ như ACB, Vietinbank năm 2012 tuyển nhiều nhân sự mới nhất, thì 6 tháng đầu năm nay cắt giảm nhiều nhất). Trong hoàn cảnh đó, nhân sự vị trí nào bị cắt giảm nhiều nhất thưa ông?
Vị trí nào năng suất lao động thấp đều là đối tượng cắt giảm, các ngân hàng đang rất mạnh tay cắt giảm chi phí hoạt động mà!
Những nhân viên ngân hàng bị cắt giảm tại các đơn vị này sẽ đi về đâu, thưa ông? Họ dịch chuyển qua ngân hàng bạn hay chuyển nghề khác?
Với hoàn cảnh hiện nay thì cơ hội dịch chuyển qua các ngân hàng khác sẽ không nhiều triển vọng do tình hình chung của toàn ngành ngân hàng – tài chính đều chững lại. Thế nên chuyện phải chuyển nghề khác cũng là điều khó tránh.
Thiếu việc làm, tuyển sinh ngành ngân hàng vẫn ‘hot’?
Lật ngược lại vấn đề, khi toàn ngành xôn xao chuyện cắt giảm, có vị trí nào vẫn được ‘ưu tiên’ tuyển dụng trong bối cảnh hiện nay không, thưa ông?
Ở một số vị trí quản lý cấp trung và cao thì một số ngân hàng vẫn rất quan tâm tuyển mới và tuyển thay thế để tăng cao hiệu quả và cải thiện hoạt động.
Vậy đối tượng sinh viên mới tốt nghiệp ngành học Ngân hàng – Tài chính sẽ gặp những khó khăn gì so với các năm trước? CareerBuilder có nhận thấy sự chuyển dịch trong cơ cấu chọn ngành/nghề để thi đại học của sinh viên so với những năm trước đây không, thưa ông?
Nếu so với thời kỳ tăng trưởng tín dụng cao thì sinh viên mới ra trường hiện nay gia nhập ngành ngân hàng với tỉ lệ cạnh tranh để được tuyển vào rất cao. Đồng thời, mức lương khởi điểm và các quyền lợi nói chung cũng thấp hơn.
Tuy nhiên, trong sự lựa chọn ngành/nghề để thi vào đại học của sinh viên, tôi không thấy hiện tượng giảm đáng kể nào so với những năm trước.
Ông có cho rằng có bằng cấp đào tạo ở nước ngoài là một lợi thế khi xin việc trong ngành tài chính hiện nay?
Không những hiện nay mà trong thời gian trước đây thì một ứng viên được đào tạo ở nước ngoài trong ngành ngân hàng - tài chính luôn có lợi thế hơn khi xin việc.
Lý do tại sao các ứng viên được đào tạo ở nước ngoài trong ngành ngân hàng - tài chính luôn có lợi thế hơn khi xin việc?
Với bề dày kinh nghiệm và hoạt động chuyên sâu của các tổ chức ngân hàng - tài chính quốc tế, nhân viên sẽ luôn được đào tạo huấn luyện nghiệp vụ bài bản hơn.
Ngành ngân hàng ở nước ngoài đã phát triển khá lâu đời nên các dịch vụ kinh doanh rất đa dạng và phong phú về mặt sản phẩm cho thị trường. Thêm vào đó, kiến thức quản trị rủi ro, chống rửa tiền cũng được trang bị đầy đủ cho các học viên.
Những hiểu biết và kinh nghiệm này của các ứng viên này sẽ rất có lợi cho ngân hàng trong nước khi muốn mở rộng các loại hình dịch vụ ra thị trường và đảm bảo giảm thiểu các rủi ro trong điều hành hoạt động.
Nói chung, do ngành ngân hàng và hệ thống đào tạo ngành ngân hàng trong nước tương đối còn rất non trẻ nên kiến thức chuyên sâu lẫn kinh nghiệm thực tiễn của nhân sự trong nước chưa thật sự theo kịp nhân sự được đào tạo trong ngành ngân hàng ở nước ngoài.
Bật mí thu nhập của lãnh đạo ngân hàng
Trong tình cảnh đang gặp khó khăn như hiện tại, các ngân hàng có quyết tâm lôi kéo những nhân sự cao cấp với mức lương ‘chót vót’ như trước không?
Cái này còn tùy vào tư duy và chiến lược của mỗi ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có rất nhiều ngân hàng luôn đầu tư và săn đón để có nhân sự giỏi với mức lương hấp dẫn vì họ biết rất rõ rằng khi có một nhân tài thật thụ thì nhân tài đó sẽ có khả năng để đem lại lợi nhuận cho ngân hàng mình.
Ông có thể bật mí, hiện thu nhập trung bình của lãnh đạo cao cấp các ngân hàng lớn (từ giám đốc chi nhánh cấp 1 và giám đốc khối tại hội sở trở lên) là bao nhiêu?
Thu nhập của lãnh đạo cấp cao phụ thuộc rất nhiều vào chuyện họ làm ra bao nhiêu tiền cho ngân hàng mình.
Còn về lương ‘cứng’ (chưa tính thưởng theo doanh thu) mà nói thì tầm Giám Đốc chi nhánh ở khối thương mại cổ phần vào khoảng 30 triệu – 70 triệu/tháng, tùy theo qui mô chi nhánh. Với các Giám Đốc Khối tại hội sở, lương ‘cứng’ của họ khoảng 100 triệu – 200 triệu/tháng.
Xin cảm ơn ông!