Nối gót Syria, Iran sẽ là đối tượng tiếp theo hứng chịu đòn sấm sét của Tổng thống Trump?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Trong bối cảnh hiện nay, việc tấn công Iran sẽ không gây tổn hại cho ông Trump bởi vì Mỹ còn có nhiều lý do như ngăn chặn ảnh hưởng của Iran ra toàn bộ khu vực Trung Đông.

Anh-Nga né tránh xung đột

Sau những lời tuyên bố mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, các phương tiện chiến tranh của Mỹ, Anh và Pháp được ồ ạt điều tới khu vực, có thể nói là lớn nhất kể từ sau cuộc chiến chống Libya năm 2011 đến nay và cuối cùng thì hơn 100 quả tên lửa Tomahawk được phóng vào Syria rạng sáng 14/4/2018.

Câu hỏi được đặt ra là tình hình Trung Đông sắp tới sẽ ra sao? Có phải những quả tên lửa này được bắn vào quan hệ Mỹ-Nga hay không và liệu đây có phải là màn dạo đầu cho một cuộc chiến tranh mới ác liệt hơn tại khu vực Trung Đông?

Trước cuộc tấn công, Nga đã nói với Mỹ rằng họ sẽ chỉ đáp trả nếu các căn cứ quân sự và tính mạng của người Nga ở Syria bị đe doạ. Trên thực tế, Mỹ và đồng minh đã tránh đánh vào các lợi ích của Nga và cả Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều tuyên bố cuộc tấn công không nhằm thay đổi chính quyền Bashar Al-Assad. Điều đó có thể hiểu được rằng cà hai phía Mỹ và Nga không muốn có một cuộc đối đầu quân sự trực diện.

Nói như vậy không có nghĩa là quan hệ giữa Nga và Mỹ, giữa Nga và phương Tây sẽ sớm được cải thiện, bởi vì các vấn đề bất đồng giữa hai phía vẫn còn nguyên vẹn. Quan điểm của Nga, Mỹ và các nước phương Tây về cuộc xung đột Syria nói chung và tương lại của Tổng thống Bashar Al-Assad vẫn còn rất xa nhau, chưa kể đến những vấn đề quốc tế khác như Ukraine, hạt nhân Iran, Triều Tiên....

Nối gót Syria, Iran sẽ là đối tượng tiếp theo hứng chịu đòn sấm sét của Tổng thống Trump? - Ảnh 1.

Hai Tổng thống Putin, Trump không muốn có một cuộc đối đầu quân sự trực diện. Ảnh: RT

Trước cuộc tấn công, nhiều người cũng lo ngại các căn cứ quân sự, các địa điểm đóng quân của Iran và Hezbollah sẽ là mục tiêu nhưng theo nhiều nguồn tin, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã không tán thành kế hoạch của cố vấn An ninh quốc gia John Bolton tấn công các căn cứ quân sự của Iran tại Syria để tránh một cuộc chạm trán với Tehran.

Thông qua cuộc tấn công này, ông Trump muốn thể hiện với trong nước rằng mình không phải là bạn của Tổng thống Vladimir Putin để đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận vào các cuộc điều tra của giám đốc Văn phòng điều tra liên bang FBI Robert Mueller. Mặt khác, cuộc tấn công này phần nào đó có lợi cho Nga vì dư luận thấy được bản chất thù địch của Mỹ, phương Tây và sự phục hồi vai trò nước lớn của Nga.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Tổng thống Trump có thể sẽ hủy bỏ Thỏa thuận hạt nhân Iran vào 12/5 tới và không loại trừ khả năng ông sẽ ra lệnh tiến hành không kích Iran sau đó để ngăn cản Tehran phát triển vũ khí hạt nhân.

Đề phòng khả năng đáp trả của Iran trên lãnh thổ Syria, để tránh trở thành mục tiêu của Iran nếu xảy ra xung đột tại đây, Tổng thống Trump vẫn giữ quyết định của mình sẽ rút quân Mỹ khỏi Syria sớm mặc dù có nhiều ý kiến phản đối trong nhà Trắng cũng như các đồng minh của Mỹ. Ông kêu gọi Ả rập Xê út, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất UAE đưa quân vào thay thế.

Nếu đảng Cộng hoà thất bại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Hạ viện và Thượng viện vào ngày 6/11/2018 tới thì đảng Dân chủ sẽ chiếm đa số và kiểm soát Quốc hội. Như vậy thì đảng Dân chủ sẽ có cơ hội phế truất Tổng thống Trump với 2/3 số phiếu nếu cục Điều tra liên bang FBI của ông Mueller đi đến kết luận buộc tội Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, ông Trump có thể xoay chuyển tình thế và tác động vào cuộc bầu cử bằng cách thổi phổng nguy cơ hạt nhân Iran và kiếm cớ gây căng thẳng đối đầu với Tehran. Bằng cách này, ông Trump có thể giành được sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng, đặc biết là các thành viên gốc Do Thái trong Quốc hội, làm thay đổi kết quả của cuộc bầu cử có lợi cho ông và đảng Cộng hoà.

Trước đây trong lịch sử nước Mỹ đã có trường hợp tương tự, Tổng thống George W. Bush đã giành được sự ủng hộ của dân Mỹ, không mất phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2002 do khuấy động được dư luận trong nước bằng cuộc chiến chống khủng bố sau sự kiện 11/9/2001.

Trung Đông sẽ đi về đâu?

Nối gót Syria, Iran sẽ là đối tượng tiếp theo hứng chịu đòn sấm sét của Tổng thống Trump? - Ảnh 3.

Bầu trời Syria rực sáng vì bị tên lửa Mỹ tấn công hôm 14/4. Ảnh: VCG

Bất chấp kết quả điều tra thế nào chăng nữa thì việc tấn công Iran sẽ không gây tổn hại cho ông Trump bởi vì Mỹ còn có nhiều lý do khác để tấn công Iran, trong đó có việc ngăn chặn ảnh hưởng của Iran ra toàn bộ khu vực Trung Đông, đặc biệt là sự đe doạ của Tehran đối với Israel và các nước vùng Vịnh theo dòng Sunni, đứng đầu là Ả rập Xê út và các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất UAE là những đồng minh của Mỹ ở khu vực.

Quan hệ giữa Iran và Israel trở nên hết sức căng thẳng sau vụ Israel không kích căn cứ không quân T4 của Syria. Iran tuyên bố sẽ tấn công trả thủ cho 7 cố vấn quân sự của họ bị thiệt mạng trong cuộc không kích này.

Ngày 20/4/2018, trong buổi cầu kinh thứ Sáu hàng tuần, tướng Hossein Salami, Tư lệnh các lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC) đã tuyên bố "Iran sẵn sàng đối đầu với bất cứ cuộc xâm lược nào của Israel và cuộc chiến tranh sắp tới sẽ kết thúc sự tồn tại của Israel". Trong khi đó, tướng Abdolrahim Mousavi, Tư lệnh quân đội Iran còn nói "Israel không thể tồn tại trong vòng 25 năm tới".

Nối gót Syria, Iran sẽ là đối tượng tiếp theo hứng chịu đòn sấm sét của Tổng thống Trump? - Ảnh 4.

Về phần mình, Tel Aviv khuyên Tehran không nên thử sức mạnh của quân đội Israel và khẳng định sẵn sàng cho mọi khả năng chiến tranh trên nhiều mặt trận. Tướng Gadi Eisenkot, Tổng tham mưu trưởng quân đội Israel (IDF) tuyên bố chiến tranh với Iran sẽ bùng nổ trước cuối năm nay.

Các tuyên bố trên của Tehran và Tel Aviv cho thấy khả năng một cuộc đối đầu quân sự không sớm thì muộn sẽ xảy ra giữa Iran và Israel. Cuộc chiến tranh này có thể xảy ra sớm với quy mô hạn chế trên lãnh thổ Syria hoặc toàn diện trên tất cả các mặt trận Syria, Lebanon và Palestine.

Không ai có thể dự đoán được Israel hay Iran sẽ khai hỏa trước. Tình hình từ nay đến 12/5/2018 là thời hạn Tổng thống Trump sẽ xem xét lại Thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) sẽ hết sức căng thẳng. Nhiều tin tức lọt ra ngoài cho biết ông Trump sẽ rút khỏi thỏa thuận này. Nếu cuộc chiến xảy ra, chắc chắn Mỹ sẽ đứng về phía Israel.

Cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh chống Syria hôm 14/4 vừa qua đang làm cho tình hình khu vực Trung Đông vốn đã hết sức phức tạp trở nên căng thẳng hơn. Không ai có thể dự đoán được điều gì sẽ xảy ra tại Trung Đông trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, một điều có thể khẳng định được rằng, một cuộc chiến tranh mới sẽ đẩy khu vực vào một thảm hoạ không lường trước được.

Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại