Giáo sư Nga: Những bài học đắt giá rút ra từ trận không kích "chớp nhoáng" tại Syria

Minh Châu |

Cuộc không kích của Mỹ và đồng minh ở Syria vào rạng sáng ngày 14/4/2018 đã trở thành sự kiện quốc tế nóng bỏng nhất trong thời gian gần đây.

Kết luận chính yếu nhất từ sự kiện này đó là các chính sách ngoại giao của các thế lực chính trị phương Tây (bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức và các quốc gia đồng minh) trong trung và dài hạn, sẽ không được quyết định bởi các quy tắc ngoại giao truyền thống, mà chủ yếu bởi bối cảnh chính trị ở nội địa các quốc gia này.

Bài viết sau đây sẽ nêu ra những đánh giá chính trị ẩn dưới sự chuẩn bị và dự định của Mỹ khi thực hiện nhiệm vụ tại Syria. Chúng sẽ vẫn có tính thời sự trong thời gian tới, và không chỉ trong mối quan hệ với nước Nga mà còn đối với nhiều quốc gia khác.

Thứ nhất, tình hình ở Syria cho thấy khả năng quân sự hạn chế của Mỹ.

Lực lượng và phương tiện có sẵn tại Trung Đông, một trong ba khu vực được Mỹ quan tâm nhất, đã cho thấy toàn bộ khả năng của nó ở đợt tấn công đầu tiên với cường độ chỉ ở mức trung bình.

Mỹ đã tính toán nguồn lực tại chỗ để có thể tiến hành đợt tấn công thứ hai.

Tuy nhiên, với lực lượng này thì không đủ để thực hiện một chiến dịch quân sự kéo dài từ 7 đến 14 ngày nhằm gây suy yếu lớn nhất cho đối phương (quân đội Syria với sự hỗ trợ của Nga) vốn sở hữu một lực lượng quân sự đầy đủ về cả lượng lẫn chất.

Muốn thực hiện điều đó, họ phải cần thêm thời gian để tập trung lực lượng và điều này phải được đặt trong trường hợp đối phương vẫn duy trì trạng thái bị động và không tiến hành các biện pháp ngăn chặn từ xa.

Chính vì lý do này mà ông Donald Trump đã đưa ra tuyên bố về yêu cầu gấp gáp cần phải tái cấu trúc lực lượng vũ trang, đưa khả năng phục hồi của lực lượng quân sự Mỹ trở nên "sâu hơn và phức tạp hơn" so với thời điểm hiện tại.

Đâu là con số tên lửa thực tế mà Mỹ và đồng minh đã bắn vào Syria khi các con số đưa ra giữa Mỹ, Nga và Syria có sự chênh lệch?

Thứ hai, mặc dù chịu nhiều sức ép từ giới tinh hoa trong nước, ông Donald Trump vẫn đang xây dựng một cơ chế ra quyết định mới, với sự tăng cường tập trung quyền lực vào vị trí của chính mình.

Những người được cho là đi ngược lại quan điểm của ông Trump đều sẽ bị loại ra khỏi cơ chế này.

Cần lưu ý rằng các quyết định mang tính "độc nhất" của ông Trump vẫn ở mức vừa phải, số lượng và tính chất của chúng vẫn không vượt quá mức bình thường so với các chính sách của nước Mỹ, và chúng chỉ liên quan đến vấn đề đối ngoại.

Những nỗ lực chống lại những quyết định nói trên, về cả mặt chính trị lẫn pháp lý, đều không có tác động đáng kể nào sau khi cuộc không kích ở Syria được thực hiện.

Đây có lẽ là một phần của sự thỏa hiệp chiến lược giữa ông Trump và các đối thủ chính trị khác.

Thỏa hiệp này yêu cầu ông Trump phải thực hiện một số chính sách có liên quan đến các vấn đề kinh tế trong nước mà các chính trị gia đối lập yêu cầu, đổi lấy là các tự do khi thi hành các chính sách đối ngoại.

Thứ ba, nước Mỹ đã không còn nhận được sự giúp đỡ từ các đồng minh ở Trung Đông khi cần thiết.

Ngay cả các nước có quan điểm chống lại sự cầm quyền của tổng thống Assad như Ả Rập Saudi, Qatar, Jordan và Ai Cập đều rất kiềm chế về mặt chính trị khi những biến cố ở Syria xảy ra.

Người duy nhất công khai hỗ trợ các hành động của Mỹ hóa ra lại là tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông R. Erdogan, người được cho là có thù hằn cá nhân sâu sắc với ông Assad.

Đối với ông Erdogan, một tuyên bố ủng hộ công khai đối với Mỹ là cách để giảm những tiêu cực trong quan hệ giữa hai quốc gia.

Điều này dấy lên những nghi ngờ về việc Mỹ vẫn là một lực lượng ổn định hiệu quả trong khu vực. Quan trọng hơn, nó thể hiện sự không sẵn lòng của phần lớn các quốc gia Ả Rập trong khu vực tham gia vào việc leo thang chiến tranh.

Người dân Syria đổ ra đường ăn mừng sau vụ tấn công.

Thứ tư, nước Mỹ đang thiếu sự kiểm soát và cả động lực kinh tế ở Syria và khu vực lân cận.

Khả năng quản lý các hoạt động kinh tế tại khu vực xung quanh Syria và vùng đông Địa Trung Hải của Mỹ hiện nay bị hạn chế và việc thực hiện các hành động quân sự cũng không làm chúng mạnh thêm.

Chính sách mà chính quyền ông Donald Trump đang theo đuổi trong khu vực rất khác so với các đời tổng thống trước. Các hành động và quyết định mà ông Trump thực hiện trong chính sách đối ngoại, dựa trên sự ưu tiên với các thành phần kinh tế, hoàn toàn không tương xứng.

Điều này có thể cho thấy rằng Mỹ đã sẵn sàng để đưa ra một kịch bản hỗn loạn mới nhằm kiểm soát ở Trung Đông và chống lại sự nổi lên của Iran như một cường quốc mới trong khu vực.

Yếu tố duy nhất ngăn chặn Washington thực hiện kịch bản này chính là những lo sợ về sự xích lại gần nhau giữa Nga và Ả Rập Saudi.

Thứ năm, trong khối NATO đang xuất hiện một "nhóm nhỏ", đó là những quốc gia luôn ủng hộ Mỹ trong mọi quyết định.

Nhóm này bao gồm Anh, Pháp, Hà Lan và Canada. Liên minh các quốc gia này đại diện cho một liên minh chính trị - quân sự không chính thức, chứ không dựa trên khuôn khổ của toàn khối.

Có nghĩa là trong khuôn khổ của NATO, Mỹ đã không thực hiện nghĩa vụ của mình đối với các đồng minh còn lại.

"Học thuyết chính trị Đại Tây Dương" vẫn chưa thể bị lay chuyển, tuy rằng nó đang dần trở thành một trở ngại to lớn về mặt kinh tế. Thực tế này nên được xem xét kỹ lưỡng.

"Khối chính trị phương Tây" vẫn đang tồn tại, nhưng chỉ ở mức độ ý thức hệ và tuyên bố chung, còn trong quan điểm hoạt động thì lại mâu thuẫn nghiêm trọng.

Thứ sáu, tình hình ở Syria đã minh họa rõ chính sách đối ngoại của Washington.

Mỹ tự tin có khả năng thu được hình ảnh tích cực từ bất kỳ tình huống đối ngoại nào, kể cả khi thực hiện một cuộc tấn công tên lửa vào một nước khác.

Điều này thể hiện đầy đủ trong giới báo chí toàn cầu theo suốt các diễn biến khi cuộc tấn công vào Syria đang được chuẩn bị và ngay khi cuộc tấn công xảy ra.

Những khẳng định về tính hiệu quả tuyệt đối của cuộc không kích bằng tên lửa tràn ngập các kênh truyền thông. Ở bên kia chiến tuyến, phía Syria - Nga cũng đáp trả bằng những thông tin hoàn toàn trái ngược.

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả


Giáo sư Dimitri Evstafiev là giảng viên kinh tế chính trị tại Trường Đại học Nghiên cứu Quốc gia Moskva.

Trước đây ông là Phó Chủ tịch Công ty Phát triển Quan hệ Công chúng KROS.

Trong khoảng năm 1995-2003, ông là trợ lí giáo sư cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Nga PIR.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại