Cho tới hôm nay, chúng ta đã thấy rất nhiều hình ảnh và đọc rất nhiều bài báo về đại dịch liên quan với chủng coronavirus mới SARS-CoV-2. Virus này là có thật và ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đang ngày càng mạnh hơn.
- Tôi có thể bị lây nhiễm hay không?
- Tôi có thể chết vì dịch bệnh không?
Đây là những câu hỏi khó trả lời, nhưng có một điều chắc chắn:
Hoảng sợ không phải là đáp án đúng.
Tuy nhiên, đáng tiếc là khá nhiều người đang hoảng sợ quá mức và đó cũng là những gì hay gặp trong những tình huống tương tự đã xảy ra. Phán đoán sai kiểu "quy chụp" đang chiếm ưu thế và làm chúng ta phản ứng thái quá. Chúng ta nghi ngờ bản thân đã nhiễm virus corona rồi. Chúng ta phải chuẩn bị mọi thứ cho tình huống xấu nhất. Những suy nghĩ vô căn cứ đang làm lu mờ lý trí và kích động thêm hoảng sợ.
Thực ra, nhiều nghiên cứu tâm lý đã giải thích nguồn cơn của hiện tượng này. Dưới đây là 3 lý do làm chúng ta nhận thức rằng tình hình tồi tệ hơn thực tế mà virus gây ra.
Thứ 1: Những thứ dễ tưởng tượng sẽ được cho là dễ xảy ra
Có khi nào bạn lo lắng sẽ bị cá mập cắn chưa?
Nếu câu trả lời là Có thì không chỉ mình bạn nghĩ như vậy đâu.
Hầu hết mọi người thỉnh thoảng vẫn sợ cá mập tấn công khi đi bơi ở biển.
Tại sao?
Đó là vì chúng ta đã từng thấy nhiều lần hình ảnh con người bị cá mập tấn công như trong phim Hàm cá mập, Bẫy cá mập và những tin tức truyền hình khác. Chúng khiến ta dễ tưởng tượng ra cảnh bị cá mập tấn công "vào lúc nào đó", nên chúng ta rất dễ nghĩ rằng nó sẽ xảy ra với mình.
Tương tự như vậy đối với virus SARS-CoV-2. Với hàng trăm bài viết về "Corona" xuất hiện hàng ngày, chúng ta đang đọc báo, nghe tin tới tấp và chúng ta dễ tin rằng đại dịch này đang đến gần hơn, và nguy hiểm hơn thực tế có thể xảy đến.
Làm thế nào để chống lại tưởng tượng sai lệch này?
Thứ nhất là nên bớt theo dõi các tin tức về coronavirus. Hãy bớt dán mắt vào màn hình TV, máy tính hay smartphone để xem bất kỳ tin nào liên quan đến đại dịch mà người khác chia sẻ. Bằng cách này chúng ta sẽ giảm được "độ ưu tiên" về đại dịch trong tâm trí và giúp bản thân không "bị ám ảnh" bởi con virus này.
Ngoài ra, bạn có thể tự mình đặt những câu hỏi như sau:
Đã có ai thân cận với bạn bị nhiễm virus SARS-CoV-2 chưa?
Nếu câu trả lời là Không (thường là như vậy, xem phần sau) thì hỏi tiếp...
Đã có ai thân cận với bạn có người quen bị nhiễm SARS-CoV-2 chưa?
Nếu câu trả lời cũng là Không, bạn nên yên tâm rằng nguy cơ bản thân bị nhiễm là ít hơn nhiều so với tưởng tượng.
Thứ 2: Trực giác giúp ích nhưng cũng có thể gây hại
Hình 1. Hình tròn màu cam bên Phải có vẻ lớn hơn bên Trái, nhưng thật ra là hai bên bằng nhau
Một trong những điều kỳ diệu của bộ não là có thể ra quyết định "chớp nhoáng". Nó giúp chúng ta xử trí những những tình huống phức tạp một cách dễ dàng hơn, giống như máy bay đặt theo chế độ bay tự động. Tuy nhiên, khi làm toán và đưa ra quyết định thì trực giác có thể sai lầm.
Bạn không tin ư? Hãy thử làm bài toán đơn giản, khá phổ biến dưới đây (đã được "Việt hóa") của nhà tâm lý học Daniel Kahneman, người được giải thưởng Nobel năm 2002.
Một cây vợt và quả cầu lông có tổng giá 110 nghìn đồng. Cây vợt có giá 100 nghìn đắt hơn quả cầu. Hỏi quả cầu có giá bao nhiêu?
Câu trả lời của bạn là gì?
Nếu chỉ dựa trên trực giác, nhiều người sẽ đoán là 10 nghìn đồng và thống kê đã cho thấy điều này. Tuy nhiên, nếu nghĩ kỹ thêm một chút, bạn sẽ thấy câu trả lời đúng là cây vợt giá 105 nghìn đồng và quả cầu giá 5 nghìn đồng.
Lời khuyên từ ví dụ này là chúng ta nên dành thêm thời gian "nghĩ kỹ hơn" về các con số liên quan tới coronavirus để bớt hoảng sợ. Một ví dụ khác...
Hiện nay dân số Việt Nam là khoảng 100 triệu người. Số người bị nhiễm được báo cáo là khoảng 50 người. Điều đó có nghĩa là tỉ lệ mắc phải con virus này là khoảng 1/2,000,000 (1 phần 2 triệu người!).
Tổng hợp các số liệu khác cho thấy tỉ lệ người nhiễm virus rồi lâm bệnh nặng là không cao (mặc dù có cao hơn ở những người già), nên bạn cũng thấy là mình lo lắng phi lý như thế nào rồi chứ?
Thay vì hốt hoảng, chúng ta nên cẩn trọng thực thi các khuyến cáo về rửa tay, giữ vệ sinh ở không gian chung một cách ý thức để không vô tình lây bệnh tới người già yếu.
Thứ 3: Nguy cơ về chết chóc thường được quan tâm quá mức cần thiết
Sau hàng triệu năm tiến hóa, bộ não con người đã hình thành kiến trúc nhận thức (cognitive architecture) để nắm bắt tín hiệu nguy hiểm xung quanh một cách nhạy bén. Nhờ vậy, tổ tiên chúng ta đã sống sót qua những hoàn cảnh khó khăn như trong rừng sâu hay trên sa mạc nóng bỏng. Trong khi xu hướng "thiên về tiêu cực’’ này đã giúp chúng ta được an toàn khi vào môi trường lạ, nó có thể gây ra lo lắng quá mức.
Hãy nhìn nhận lại để thấy những gì đang xảy ra trong đầu bạn chính là kết quả của xu hướng này. Chúng ta biết ơn những cảnh báo, nhưng hãy tắt chúng đi sau khi hiểu đúng về những gì đang xảy ra quanh mình.
Tóm lại, hãy hít một hơi thật sâu và nhớ rằng virus SARS-CoV-2 gây ra bệnh COVID-19 không chắc là sẽ lây tới bạn. Dù có bị nhiễm thì hoảng loạn hoàn toàn không phải là phản ứng hay. Hãy tập trung rửa tay bằng xà phòng, giữ vệ sinh chung để tiếp tục vui hưởng cuộc sống. Làm tốt việc nên làm theo khuyến cáo rồi... phó mặc cho trời là một lựa chọn đúng và rồi mọi chuyện sẽ kết thúc tốt đẹp.
Biên dịch: Ths. Nguyễn Thạch Hà,
Chuyên ngành Biên, Phiên dịch - Đại học RMIT, Melbourne, Australia;
Chuyên ngành Tâm lý học - Đại học Melbourne, Australia
Hiệu đính: BS. Nguyễn Hải Nam, Khoa Ngoại, Bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản
BS. TS. Phạm Nguyên Quý, Khoa Ung thư Nội khoa, Bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản.
Tài liệu tham khảo
https://www.forbes.com/sites/traversmark/2020/03/06/the-hysteria-of-coronavirus-and-how-to-avoid-it/?fbclid=IwAR1bdbxQdIwfZ_U0wXt3bOGNU485CU2SnbF0B8-BmCS6m7ZcmKpwTvMP2Nc#102b7c266683
https://soha.vn/virus-sars-cov-2-thuong-dinh-vao-dau-o-moi-truong-xung-quanh-nguoi-nhiem-benh-20200307072353972.htm