Niềng răng (hay còn gọi là nẹp răng) là phương pháp khắc phục tình trạng răng thưa, hô, móm, lệch lạc. Tuy nhiên, niềng răng thế nào cho đúng và ở độ tuổi nào là thích hợp, vệ sinh răng miệng sau niềng thế nào thì không phải ai cũng biết.
Sự lệch lạc của răng và xương hàm là nguyên nhân chính khiến bệnh nhân phải niềng răng, vậy nguyên nhân dẫn đến việc răng và xương hàm lệch lạc nhau là gì? Có thể kể ra những nguyên nhân sau:
Do yếu tố di truyền: Bố hoặc mẹ có xương hàm nhỏ nhưng răng thì quá to hoặc ngược lại khiến các răng không thể xếp ngay ngắn trên cung hàm. Các yếu tố này có thể di truyền sang con khiến con cũng bị hàm răng lệch lạc, không đều.
Do các thói quen xấu như: tật mút ngón tay, mút môi cắn môi, đẩy lưỡi, thở bằng miệng có thể gây lệch lạc răng, làm hô răng và mất hài hòa giữa răng và hàm.
Chấn thương răng do tai nạn, té ngã, mất răng sữa sớm: Những chấn thương gây vỡ hàm, vỡ răng rất không tốt để có được hàm răng đẹp.
Hơn nữa ngay từ bé, cha mẹ cần chú ý giữ gìn răng sữa cho con (không để sún răng, sâu răng, mất răng sữa sớm...), việc này có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp các răng vĩnh viễn mọc đúng trên cung hàm. Thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh răng miệng cũng gây nên một số bệnh như: sâu răng sớm, mất răng, các răng bị xô lệch.
Các nguyên nhân trên đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như: răng xoay, các răng mọc chen chúc, răng mọc sai chỗ không ngay ngắn trên cung hàm... dẫn đến thay đổi trên gương mặt như: bị hô, móm, hở khớp cắn, ảnh hưởng đến cơ chế nhai và quá trình tiêu hóa...
Các phương pháp niềng răng
Có hai phương pháp niềng răng là mang hàm chỉnh tháo lắp hoặc hàm chỉnh cố định.
Với hàm chỉnh tháo lắp sẽ ít tốn kém chi phí hơn, nhưng nếu không chú ý điều chỉnh thì hiệu quả chỉnh răng sẽ không cao. Với hàm chỉnh cố định, bác sĩ sẽ gắn khí cụ chỉnh nha vào các răng khác để giữ cố định, dùng móc và lò xo để kéo hay đẩy răng trong thời gian dài thậm chí tới vài năm.
Do đó, chi phí cho hàm chỉnh nha cố định thường tốn kém hơn các chi phí khác, người niềng răng phải mang các khí cụ chỉnh nha thường xuyên mới có kết quả tốt.
Niềng răng thường được chỉ định cho những trường hợp răng lệch lạc nhẹ, bệnh nhân bị hô móm có nguyên nhân do răng. Đối với trường hợp sai hình răng nặng có nguyên nhân do xương, niềng răng đơn thuần không thể mang lại kết quả tối ưu. Những trường hợp này cần phải kết hợp chỉnh nha với phẫu thuật chỉnh hàm.
Với trường hợp có răng hô, móm có thể do ba nguyên nhân là hô do răng, hô do hàm hay hô vừa do răng vừa do hàm. Với trường hợp hô, móm do hàm thì niềng răng không hiệu quả mà phải tiến hành phẫu thuật cắt hàm.
Nhiều trường hợp bệnh nhân bị phì đại xương hàm (hô, móm, vẩu) không khép được miệng, ăn uống khó khăn, ảnh hưởng tâm lý sau khi phẫu thuật đã cải thiện rõ rệt cả về thẩm mỹ lẫn chức năng.
Độ tuổi thích hợp để niềng răng
Lứa tuổi lý tưởng nhất để niềng răng điều chỉnh hàm hô, móm, lệch lạc là từ 10 - 20 tuổi. Những trường hợp có khả năng mọc răng không đều cần chỉnh nha phòng ngừa, có thể thực hiện sớm hơn.
Ở lứa tuổi từ 20 - 30 cũng có thể thực hiện chỉnh nha, nhưng thời gian điều trị có thể kéo dài hơn do xương cứng hơn nên răng di chuyển chậm hơn. Càng lớn tuổi thì chỉ định niềng răng càng hạn chế, việc điều trị sẽ khó khăn hơn và thời gian điều trị kéo dài hơn.
Vì vậy, khi phát hiện răng lệch lạc hoặc có sai hình răng mặt, biến dạng mặt, nên đi khám sớm đúng chuyên khoa để được chẩn đoán đúng và có kế hoạch điều trị sớm nhằm mang lại kết quả tốt.
Việc niềng răng là cần thiết, thế nhưng, trường hợp nào cần niềng răng và niềng như thế nào thì lại phải theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để có được quyết định đúng đắn.
Chăm sóc răng miệng đúng cách sau khi niềng răng
Vấn đề chăm sóc răng miệng đúng cách cũng có vai trò quan trọng để đạt hiệu quả tốt sau khi niềng răng, nhất thiết phải chú ý vệ sinh tốt và kỹ càng hơn trước.
Thông thường, niềng răng sẽ mang lại cảm giác hơi ê và khó chịu trong tuần đầu tiên mà nguyên nhân chủ yếu là do có khí cụ lạ trong miệng. Thậm chí, ngay cả môi, má và lưỡi cũng có cảm giác gò bó, mất tự nhiên khi giao tiếp hay cười nói.
Tuy nhiên, theo thời gian cảm giác này sẽ giảm dần, cho đến khi bạn chứng kiến được sự thay đổi tích cực của răng như răng đều đẹp hơn, ăn nhai tốt hơn.
Thời gian điều trị tùy theo từng trường hợp cụ thể, thông thường từ 12 - 24 tháng vì sau khi răng đã được sắp xếp vào vị trí mong muốn, bạn còn phải đeo khí cụ chỉnh nha đó thêm một thời gian nữa để răng cố định thật tốt ở vị trí mới.
Trong thời gian này, bạn nên dùng bàn chải chuyên dành cho khách hàng chỉnh nha. Đánh răng sạch sẽ sau khi ăn và trước khi đi ngủ.
Việc đánh răng nên thực hiện nhẹ nhàng, tránh những va chạm ảnh hưởng đến khung niềng. Không để thức ăn giắt vào kẽ răng hoặc đọng lại trên khung sắt niềng răng. Không ăn thức ăn quá cứng phải sử dụng nhiều lực từ các răng đang niềng. Hạn chế nhai đá và đang ăn thức ăn nóng lại uống nước lạnh ngay...
Trong thời gian niềng răng, bạn cũng có thể phải sử dụng đến các biện pháp giúp giảm đau, nhưng cũng cần lưu ý để không làm ảnh hưởng đến răng. Để làm giảm cơn đau nhức, bạn nên sử dụng nước súc miệng hoặc nước muối ấm. Nếu tình trạng không đỡ mới sử dụng đến thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.