Đạn dược
Yếu tố đầu tiên ảnh hưởng đến cục diện xung đột Nga – Ukraine trong thời gian tới là việc tích trữ đạn dược và khả năng của phương Tây trong việc tăng cường năng lực quốc phòng.
Cuộc xung đột ở Ukraine đã thực sự thách thức các mô hình hậu cần chiến lược và công nghiệp quốc phòng thời hậu Chiến tranh Lạnh.
Việc rút bớt lực lượng và hợp nhất các công ty quốc phòng sau Chiến tranh lạnh đã khiến các tổ chức quân sự sở hữu ít đạn dược và thiết bị quân sự hơn so với những thập kỷ trước.
Binh sĩ Ukraine ở phía Đông. Ảnh: Getty Images
Trong khi đó, tốc độ tiêu thụ vũ khí và đạn pháo trong cuộc xung đột hiện tại đã khiến kho vũ khí của Ukraine cũng như nhiều đối tác dần cạn kiệt.
Một số chuyên gia cho rằng, giải pháp cho vấn đề này là đề nghị Ukraine sử dụng ít đạn dược hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là một giải pháp ngắn hạn bởi ngay cả khi Ukraine có thể nhắm mục tiêu chính xác hơn, họ vẫn sẽ cần số lượng lớn đạn dược trong các cuộc tấn công sắp tới để giành lại lãnh thổ do Nga kiểm soát.
Các nhà phân tích đã đề xuất một giải pháp là mở rộng năng lực sản xuất của ngành công nghiệp quốc phòng phương Tây. Cho đến nay, chỉ có Mỹ cho biết sẽ thực hiện điều này và sẽ cần thời gian là ít nhất một năm. Cho đến lúc đó, Ukraine cần sử dụng hiệu quả hơn các kho dự trữ đạn dược hiện có.
Khả năng triển khai lực lượng
Khả năng huy động, huấn luyện và triển khai quân đội của Nga và Ukraine sẽ là yếu tố thứ hai tác động đến tình hình cuộc xung đột.
Ukraine đã huy động lực lượng ngay từ khi cuộc xung đột nổ ra và không ngừng huấn luyện các lực lượng chính quy cho các hoạt động phòng thủ và tấn công. Với khoảng 700.000 quân được huy động, Ukraine có lợi thế về số lượng quân và động lực cho các binh sĩ, nhưng việc trang bị cho họ những thiết bị quân sự hiện đại vẫn là một thách thức.
Vào tháng 9/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ban bố lệnh động viên một phần nhằm triệu tập lực lượng dự bị khoảng 300.000 người. Tới tháng 10/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu thông báo Nga hoàn tất lệnh động viên một phần và huy động 300.000 quân nhân, trong đó 82.000 người được triển khai tới Ukraine.
Khoảng một nửa trong số 300.000 binh sĩ Nga được huy động vào năm 2022 vẫn chưa được triển khai ở tiền tuyến và Ukraine đang cảnh báo rằng Moscow có thể tiếp tục huy động quân trong thời gian tới. Ngay cả khi kho vũ khí của Nga đang giảm, Ukraine có thể vẫn gặp khó khăn trong bất kỳ cuộc phản công nào trong tương lai nếu Moscow triển khai lực lượng hiệu quả.
Sự hỗ trợ của phương Tây
Yếu tố tiếp theo có thể xoay chuyển cục diện xung đột Nga – Ukraine trong thời gian tới của năm 2023 là sự sẵn sàng của phương Tây trong việc cung cấp các vũ khí có khả năng tấn công trên bộ và trên không hiện đại hơn cho Ukraine.
Các quốc gia phương Tây đã thực hiện một cách tiếp cận từng bước để cung cấp vũ khí cho Ukraine. Mỹ và châu Âu đã tập trung cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí chiến thuật, dễ sử dụng và không cung cấp xe tăng, máy bay chiến đấu và tên lửa tấn công tầm xa. Điều này nhằm đảm bảo việc phương Tây có thể hỗ trợ đào tạo sử dụng vũ khí cho binh sĩ Ukraine trong thời gian dài.
Tuy nhiên, Mỹ và châu Âu cũng cho rằng việc cung cấp những vũ khí tiên tiến như xe tăng và tên lửa tầm xa cho Ukraine là động thái vượt lằn ranh đỏ khiến xung đột leo thang. Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ khiến cuộc xung đột kéo dài.
Gần đây nhất, vào cuối tháng 12/2022, Mỹ thông báo sẽ cung cấp 1,85 tỷ USD hỗ trợ quân sự bổ sung cho Ukraine, bao gồm cả việc chuyển giao hệ thống phòng không Patriot. Patriot được coi là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Mỹ, cung cấp khả năng bảo vệ chống lại máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.
Trước đó, Nga cảnh báo kế hoạch cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ukraine của Mỹ là một "sự khiêu khích", có khả năng mở rộng hơn nữa sự can dự của quân đội Mỹ vào cuộc xung đột Ukraine.
ABC News nhận định rằng, cuộc xung đột ở Ukraine có thể sẽ đạt được một bước ngoặt lớn vào năm 2023 nếu phương Tây gạt bỏ sự do dự trong việc cung cấp vũ khí hiện đại cho Kiev để nước này có thể đẩy lùi lực lượng Nga.
Các nhà lãnh đạo
Yếu tố cuối cùng định hình cuộc xung đột Nga – Ukraine là khả năng lãnh đạo chiến lược của Tổng thống Putin, Tổng thống Zelensky và Tổng thống Biden.
Ông Biden đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố sự quyết tâm của phương Tây hỗ trợ Ukraine và điều phối dòng viện trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo ổn định cho Ukraine.
Vào năm 2023, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Ukraine có thể sẽ phải chịu áp lực lớn hơn từ châu Âu và một số thành viên trong Quốc hội Mỹ về việc tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột.
Trong khi đó, Tổng thống Putin cho rằng trong năm 2023, phương Tây sẽ cảm thấy "mệt mỏi" với cuộc xung đột này và giảm bớt sự ủng hộ đối với Ukraine.
Bởi vậy, khả năng ông Biden và ông Zelensky giữ cho châu Âu và Mỹ thống nhất trong việc hỗ trợ cho Ukraine sẽ là một yếu tố chính tác động đến cục diện cuộc xung đột trong năm nay.