Máy bay không người lái – sát thủ đáng sợ
Việc sử dụng máy bay không người lái (UAV) đang ngày càng gia tăng trong các cuộc chiến trên khắp thế giới và xung đột hiện tại giữa Armenia và Azerbaijan cũng không ngoại lệ. Hình ảnh nhiều phương tiện bọc thép bị phá hủy dù chúng được ngụy trang kỹ lưỡng tràn ngập trên các phương tiện truyền thông phương tây.
Trong cuộc xung đột này, nhiều xe tăng đã nhanh chóng trở thành mục tiêu tấn công của các máy bay không người lái có vũ trang. Azerbaijan được cho là đã và đang đẩy mạnh lực lượng UAV của nước này.
Israel – một nhà xuất khẩu máy bay không người lái lớn, đã cung cấp cho các lực lượng vũ trang Azerbaijan nhiều loại máy bay không người lái cảm tử, trong đó có Harop – từng được sử dụng để mang lại hiệu quả lớn trong cuộc chiến tranh năm 2016 – còn gọi là “Chiến tranh 4 ngày”.
Harop là máy bay không người lái cảm tử mang theo bom, có thể bay tuần kích trên chiến trường để tìm kiếm các mục tiêu. Một khi phát hiện ra mục tiêu, nó sẽ tấn công trực diện bằng cách đâm thẳng giống như một phương tiện đánh bom liều chết.
Tuy vậy nhược điểm của Harop là có tiếng ồn động cơ lớn khiến nó dễ bị phát hiện. Để khắc phục nhược điểm này, Israel đã cho ra đời những biến thể mới hơn của UAV cảm tử như Skystriker và Orbiter 1K, sử dụng động cơ điện và hầu như im lặng cho đến khi chúng lao vào tấn công mục tiêu. Thời gian gần đây, Israel đã cung cấp những UAV mới này cho Azerbaijan.
Ngoài Israel, Azerbaijan cũng mua của Thổ Nhĩ Kỳ máy bay không người lái có vũ trang Bayraktar TB2 có giá thành rẻ nhưng lại hoạt động rất hiệu quả. Bayraktar TB2 có nhiều hệ thống quang học và cảm biến hiện đại, có thể về căn cứ, nhanh chóng tiếp nhiên liệu, tái trang bị vũ khí và quay trở lại cuộc chiến, bay lượn trên chiến trường để tìm kiếm các mục tiêu.
Ngoài việc tấn công hiệu quả, máy bay không người lái cũng giúp cung cấp những video, hình ảnh chân thực về tình hình thực địa chẳng hạn như các mục tiêu bị phá hủy.
Thiết bị cảm biến – đôi mắt của chiến trường
Không gian chiến đấu hiện đại đang được lấp đầy bằng các thiết bị cảm biến, giúp các bên tham chiến dễ dàng phát hiện ra mục tiêu của đối phương ở khoảng cách xa. Thiết bị cảm biến gắn trên UAV sẽ cung cấp cho các trung tâm chỉ huy những thông tin quan trọng về sự dịch chuyển của đối phương.
Thiết bị cảm biến kết hợp với radar thăm dò trên mặt đất sẽ giúp phát hiện ra những chiếc xe tăng hoặc xe bọc thép đang di chuyển hoặc đang được cất giấu, bất kể ngày hay đêm. Điều đó khiến việc ngụy trang sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn trên chiến trường.
Sau khi phát hiện ra các phương tiện nói trên, bên tham chiến có thể tiến hành không kích hoặc pháo kích, gây thiệt hại nghiêm trọng cho đối phương. Thổ Nhĩ Kỳ từng sử dụng thành công chiến thuật này ở miền bắc Syria và có thể đã truyền lại kinh nghiệm cho đồng minh Azerbaijan khi hai nước tiến hành tập trận chung.
Việc sử dụng UAV và thiết bị cảm biến trên chiến trường đã mang lại hiệu quả cao đến mức nhiều nhà bình luận cho đây là những công cụ chiến tranh lợi hại. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ, các chiến thuật trong tương lai sẽ phải thay đổi đề phù hợp với thời đại.
Giới phân tích cho rằng, trong thời gian tới, người ta có thể sử dụng chiến thuật gây nhiễu radar và gây nhiễu tín hiệu của máy bay không người lái để chống lại các thiết bị cảm biến và “làm mù” chúng một cách hiệu quả.
Ngoài ra, họ có thể tích hợp hệ thống phòng không hiện đại cho xe tăng để chống lại các cuộc tấn công, bởi trên thực tế xe tăng vẫn là vũ khí cực kỳ hữu ích để giành lợi thế trên thực địa khi được triển khai cùng với hoạt động của các binh sỹ.
Tấn công tầm xa
Các cuộc không kích bằng tên lửa và đạn pháo tầm xa đã tồn tại hơn một thế kỷ qua trong các cuộc chiến. Ở thời điểm hiện tại, quân đội các nước đang tìm mọi cách để gia tăng độ chính xác cho các cuộc tấn công này.
Kết hợp với hệ thống cảm biến dày đặc trên chiến trường, những hệ thống vũ khí tấn công tầm xa mới có khả năng di chuyển xa hơn với độ chính xác cao hơn. Đôi khi chúng có thể tìm diệt mục tiêu mục tiêu nằm cách xa hàng trăm km.
Bất chấp nguồn doanh thu từ dầu mỏ sụt giảm, Azerbaijan đã đầu tư rất nhiều vào các hệ thống này. Baku đã mua tổ hợp tên lửa LORA của Israel với tầm bắn tối đa lên tới 400km. Hệ thống tên lửa LORA cùng nhiều loại vũ khí tấn công tầm xa khác là một phần của thỏa thuận mua bán trang thiết bị an ninh và quân sự trị giá 5 tỷ USD mà hai bên đã ký kết vào năm 2016.
Azerbaijan là một đối tác chiến lược quan trọng của Israel, cung cấp gần 40% sản lượng dầu mỏ của Tel Aviv. Với sự hỗ trợ của các đồng minh Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan ngày càng có nhiều thuận lợi hơn trong việc hiện đại hóa kho vũ khí của nước này.
Trong khi đó, Armenia cũng nắm trong tay nhiều hệ thống tên lửa tối tân. Armenia là quốc gia duy nhất ngoài Nga sở hữu hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K720 Iskander-E.
Với tầm bắn lên tới 500km, nổi tiếng vì độ chính xác cao cùng khả năng vô hiệu hóa các mục tiêu có tính chiến lược cao như sân bay, trung tâm chỉ huy… hệ thống tên lửa này được cho là có thể giúp Yerevan đánh bại lực lượng phòng không của Azerbaijan nếu xung đột giữa hai nước leo thang thành một chiến tranh tổng lực.
Vào cuối tháng 9 vừa qua, Yerevan đã đe dọa triển khai Iskander-E để xử lý xung đột với Baku. Ngoài Iskander-E, không quân Armenia cũng bắt đầu đưa vào trang bị các tên lửa không đối không tầm trung R-77, có thể chiến đấu tốt trong mọi điều kiện thời tiết./.