Những vũ khí đặc biệt của đặc nhiệm Mỹ, Nga và Trung Quốc

THUỲ LINH |

Theo Tạp chí Mỹ The National Interest, hầu hết các cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu, lực lượng đặc nhiệm của Mỹ (SOF) đã sử dụng các trang thiết bị quân sự tiên tiến nhất thế giới.

Để không bị tụt hậu so với Mỹ, các cường quốc quân sự khác như Nga, Trung Quốc cũng đã tăng cường đầu tư kinh phí để phát triển lực lượng đặc nhiệm của mình.

Trong bài báo đăng trên The National Interest, chuyên gia về các vấn đề quốc phòng và an ninh quốc gia Charlie Gao đã đưa ra một vài so sánh về các loại vũ khí mà đặc nhiệm ba nước Mỹ, Nga và Trung Quốc đang được trang bị.

Charlie Gao nhận định, trong cuộc chiến chống khủng bố, SOF của Mỹ có lợi thế lớn về công nghệ khi được trang bị một số lượng lớn thiết bị bay không người lái (UAV) để thực hiện nhiệm vụ do thám, giám sát và nhận diện.

Quân đội Mỹ đã cung cấp hàng trăm UAV MQ-1 Predator và MQ-9 Reaper hỗ trợ cho SOF. Được xem là "con mắt trên bầu trời", những loại UAV này cho phép SOF phát hiện và theo dõi các mục tiêu gần như bất cứ lúc nào trong ngày nhờ sự trợ giúp của thiết bị quan sát ảnh nhiệt và các dụng cụ nhìn đêm đặt ở phần mũi máy bay.

Trong khi đó, Nga cũng đã gửi tới Syria các thiết bị bay không người lái. Tuy nhiên, không rõ có bao nhiêu UAV được sử dụng để hỗ trợ đặc nhiệm Nga.

Dù các thông tin trinh sát do UAV thu thập được trong khi bay có thể được sử dụng để hỗ trợ đặc nhiệm, nhưng theo các nguồn tin sẵn có, UAV Nga được sử dụng ở Syria chủ yếu để phát hiện mục tiêu và chỉ định mục tiêu chính xác cho đơn vị pháo binh.

Các lực lượng đặc nhiệm Nga dường như sử dụng các loại UAV như Orlan-10 và Forpost. UAV Forpost vốn là phiên bản của UAV Searcher Mk. II do công ty IAI của Israel sản xuất nhưng được lắp ráp tại Nga.

Forpost cũng được coi là mẫu UAV tương tự với UAV MQ-1 Predator của Mỹ. Vì không thể mang theo vũ khí nên chiếc UAV này của Nga bị hạn chế về khả năng tấn công trực tiếp mục tiêu. Trong khi đó, UAV Orlan-10 khá nhẹ, chỉ nặng 5kg.

Việc Nga thường xuyên sử dụng UAV Orlan-10 cho thấy mong muốn của nước này trong việc áp dụng các thiết bị nội địa, cũng như giá thành thấp của mẫu UAV hạng nhẹ này.

The National Interest cho biết, Trung Quốc đã trang bị cho quân đội của mình mẫu UAV Wing Loong, có thể mang theo vũ khí tấn công. UAV thuộc loại này đã vượt các cuộc thử nghiệm trong điều kiện chiến đấu. Tạp chí Mỹ đánh giá rằng những chiếc UAV rất có khả năng sẽ hỗ trợ lực lượng hoạt động đặc biệt Trung Quốc trên chiến trường.

Ngoài UAV, để hỗ trợ cho lực lượng hoạt động đặc biệt, các công nghệ tiên tiến khác cũng được sử dụng, nhưng thông tin về chúng thường là sơ sài và bí mật. Các công nghệ được sử dụng để trang bị cho đơn vị mặt đất của lực lượng hoạt động đặc biệt cũng là một vấn đề đáng chú ý.

Kể từ khi hành động một cách độc lập với các cơ sở mặt đất, lực lượng đặc nhiệm thường sử dụng các loại súng chuyên dụng và vũ khí, mà các lực lượng thông thường không được sở hữu.

Những vũ khí đặc biệt của đặc nhiệm Mỹ, Nga và Trung Quốc - Ảnh 1.

UAV Orlan-10 của Nga. Nguồn: defense.ru

Mỹ đã phát triển các công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực xử lý hình ảnh cho các đơn vị bộ binh - từ thiết bị quan sát ảnh nhiệt thu nhỏ đến thiết bị nhìn đêm tiên tiến. Một trong những công nghệ làm cho khả năng quan sát rõ hơn là sử dụng phốt pho trắng thay vì phốt pho xanh trong sản xuất thiết bị nhìn ban đêm.

Điều này làm cho thiết bị nhìn đêm AN/PVS-31, hiện nay đang được các lực lượng vũ trang Mỹ sử dụng, có khả năng quan sát hình ảnh đến từng chi tiết nhỏ. Mỹ cũng trang bị cho lực lượng đặc nhiệm thiết bị nhìn đêm GPNVG-18 với 4 ống kính đặc biệt giúp các binh sĩ có được tầm quan sát rộng hơn.

Sau khi mang nó lên, người dùng chỉ cần điều chỉnh các góc hướng cho phù hợp là có thể nhìn thấy được mọi phía, hầu như không có một góc chết nào.

Có rất ít thông tin về việc sử dụng công nghệ nhìn ban đêm trong Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc. Nhưng theo một báo cáo, lực lượng nước này sử dụng các thiết bị quan sát với 2 ống kính, nhưng tài liệu này không nhắc đến việc thiết bị này có ứng dụng công nghệ tiên tiến như phốt pho trắng hay không.

Về phía Nga, hiện nay nước này vẫn chưa đưa được công nghệ 4 ống kính vào trang bị cho lực lượng đặc nhiệm. Trong các hình ảnh được công bố, đặc nhiệm Nga thường sử dụng các thiết bị nhìn đêm với 1 ống kính.

Theo học thuyết quân sự Nga, thiết bị nhìn đêm thường được lắp đặt trực tiếp trên các loại vũ khí. Ví dụ tiêu biểu cho trường hợp này là ống ngắm đêm NSPU và 1PN93, thường được lắp trên súng. Những hệ thống này hiệu quả, nhưng phù hợp hơn khi dùng cho nhiệm vụ phòng thủ, giám sát.

Xu hướng này vẫn được quân đội Nga tiếp tục ở thời điểm hiện tại khi trong bộ trang bị người lính tương lai mới Ratnik cũng có thiết bị quan sát với 1 ống kính, có thể được sử dụng như thiết bị quan sát ảnh nhiệt và thiết bị nhìn ban đêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại