6 đồng minh thân cận lũ lượt "bỏ" Mỹ theo... Nga!

Trung Phạm |

Nga được cho là đã trở thành "bậc thầy" trong việc thiết lập các mối quan hệ đối tác mới với những quốc gia đang hoặc chỉ cách đây không lâu vẫn là đồng minh thân cận của Mỹ.

1. Thổ Nhĩ Kỳ

Lịch sử quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua nhiều thập kỷ thăng trầm. Trong những năm 1920, nhà nước Liên Xô cũ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ được mối bang giao nồng ấm. Nhưng đã xuất hiện dấu hiệu lạnh giá vào cuối thập kỷ 1930 và đến năm 1952 thì chuyển hẳn sang một bước ngoặt khác khi Ankara gia nhập NATO và trở thành một đồng minh thân cận của Mỹ.

Thế nhưng thật bất ngờ, sự kiện máy bay Su-24 của Nga bị "các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ" bắn hạ năm 2015 lại như một chất xúc tác mở ra mối quan hệ mới giữa hai nước.

Vụ việc ban đầu tưởng chừng như sẽ làm trầm trọng thêm mối quan hệ đó nhưng năm 2016 khi xuất hiện các thông tin cho thấy mệnh lệnh bắn hạ máy bay Nga không phát ra từ các lực lượng hợp pháp của Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) mà là từ Tổ chức Khủng bố Fethullah nhằm phá hoại quan hệ giữa hai nước.

Cũng trong năm 2016, tình báo Nga đã cảnh báo cho Tổng thống TNK Recep Tayyip Erdogan về âm mưu đảo chính giúp ông củng cố lại quyền lực cho tới ngày nay. Kể từ đó, Nga và TNK không những tái thiết lập được mối quan hệ mạnh mẽ mà còn bắt đầu một tiến trình xây dựng một quan hệ đối tác mới mang nhiều ý nghĩa.

6 đồng minh thân cận lũ lượt bỏ Mỹ theo... Nga! - Ảnh 1.

Cái bắt tay nồng ấm giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Thổ Nhĩ Kỳ sau khi vụ việc Su-24 bị bắn rơi được làm sáng tỏ. Ảnh: Dailysabah

Hiện nay, Nga là nhà cung cấp năng lượng lớn cho TNK trong khi cả hai nước cùng hợp tác về đường ống vận chuyển khí đốt từ Nga sang Nam Âu. Nga cũng đã bắt đầu khởi công xây dựng một nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của TNK và dự kiến sẽ hoàn thành trong khoảng 2 năm.

Tại Syria, Nga, TNK cùng với Iran đang nỗ lực dàn xếp một thỏa thuận cho cuộc xung đột kéo dài 8 năm ở quốc gia Trung Đông này mặc dù hai nước vẫn còn phải giải quyết nhiều bất đồng do mục tiêu lợi ích của mỗi bên khác nhau trong cuộc chiến.

Với quyết tâm mua bằng được hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga bất chấp những đe dọa trừng phạt từ Mỹ, các quan chức ở Ankara đã thể hiện rõ thông điệp rằng, nếu Washington bội ước chuyển giao các tiêm kích F-35 cho TNK thì chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 Su-57 của Nga sẽ là một lựa chọn thay thế.

Trong khi Mỹ vẫn tiếp tục phản đối TNK trên nhiều mặt trận thì quan hệ đối tác giữa Ankara và Moscow lại càng sâu sắc thêm vì Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Erdogan đã xây dựng được một mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng, minh bạch và thực tế, những điều khó nhận thấy trong các quan hệ hiện tại giữa Ankara và Washington.

2. Israel

Mặc dù Israel vẫn đang là đồng minh thân cận của Mỹ nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là mối quan hệ giữa Nga và Tel Aviv đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Tại Trung Đông, trong khi Nga vẫn là nước bạn bè thân thiết của Syria, Palestine và Iran thì họ cũng đồng thời là đối tác của Israel. Hiện nay, Moscow và Tel Aviv đều chia sẻ chung quan điểm về việc rút các binh lính Iran và Hezbollah ra khỏi Syria.

Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và đối thoại an ninh khu vực giữa Nga và Israel đang diễn ra rất tốt đẹp. Tel Aviv chưa bao giờ "hùa" vào với Mỹ, EU, Canada và Australia áp đặt các lệnh trừng phạt Nga hay cáo buộc Moscow đóng một vai trò tiêu cực trên thế giới.

Thay vào đó, Tel Aviv chính thức công nhận ngày 9/5 là ngày chiến thắng của Liên Xô và quân đồng minh trước Phát xít Đức trong khi các nhà lãnh đạo phương Tây thường tẩy chay những sự kiện mà Nga tổ chức cho lễ kỷ niệm này.

Liên quan tới vấn đề Syria, sau hàng thập kỷ cố gắng làm suy yếu Damascus nhưng hiện nay, vì Nga và chỉ vì Nga, Israel lần đầu tiên đã đồng ý kiềm chế tấn công đối thủ Syria. Một thỏa thuận như vậy khó có thể đạt được bởi bất kỳ một bên trung gian nào khác.

6 đồng minh thân cận lũ lượt bỏ Mỹ theo... Nga! - Ảnh 2.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Kremlin

3. Saudi Arabia

Saudi Arabia vẫn đang là đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong thế giới Ả Rập, nhưng dưới vai trò lãnh đạo thực tế của Thái tử Muhammad bin Salman, Riyadh đang đẩy mạnh nỗ lực mở rộng quan hệ với nhiều cường quốc khác. Kết quả là, quốc gia giàu dầu lửa này đã thiết lập được các mối quan hệ rất tốt với cả Trung Quốc và Nga.

Năm 2016, trước sự lao dốc chóng mặt của giá dầu, Moscow đã rất khôn khéo khi quyết định bắt tay cùng với Saudi Arabia ổn định giá cả trong một thị trường toàn cầu cạnh tranh cao. Kết quả đã dẫn tới sự ra đời của mô hình OPEC+, trong đó Nga và Saudi Arabia trên thực tế đang là những nước dẫn dắt giá dầu toàn cầu.

Thêm nữa, Saudi Arabia cũng đã hợp tác với Nga phát triển siêu đô thị NEOM đồng thời đang trong quá trình đàm phán mời gọi các công ty Nga tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước này. Đặc biệt, Riyadh tiếp tục bày tỏ sự quan tâm tới các hệ thống phòng thủ S-400 của Nga.

Những năm 1970, khả năng thao túng giá dầu của OPEC có thể làm sụp đổ các nền kinh tế lớn, hay ngược lại, sự hợp tác giữa các nước thành viên OPEC có thể góp phần đắc lực làm giảm bớt căng thẳng lên các nền kinh tế.

Ngày nay, một quyền lực tương tự đang được đặt trong tay Saudi Arabia và đối tác lớn của nước này là Nga. Bất chấp việc Washington vẫn đang duy trì được các mối quan hệ gần gũi với nhiều quan chức Saudi Arabia nhưng thời đại của Muhammad bin Salman hứa hẹn sẽ là khởi đầu cho một kỷ nguyên vàng trong quan hệ giữa Nga và Saudi Arabia.

6 đồng minh thân cận lũ lượt bỏ Mỹ theo... Nga! - Ảnh 3.

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga

4. Pakistan

Dưới thời lạnh đạo của Tổng thống Donald Trump, thay vì cảm ơn Pakistan về những đóng góp của Islamabad trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, Washington lại cắt bỏ khoản tài trợ trị giá hơn 200 tỷ cho Pakistan.

Hệ quả là, Pakistan quay sang đẩy mạnh quan hệ vốn đã tốt đẹp sẵn với Trung Quốc đồng thời cũng xúc tiến một quan hệ đối tác tích cực mới với Nga.

Do là một nước châu Á lớn án ngữ ở vị trí chiến lược và hiện đang chia sẻ nhiều mục tiêu chúng với Moscow về Afghanistan nên Pakistan càng có động lực đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ này.

Trong khi đó, Ấn Độ - quốc gia thân cận từ thời Liên Xô lại ngày càng có xu hướng trở thành một đối tác chủ chốt của Mỹ trong chiến dịch chống Trung Quốc ở khu vực nên Nga hiện có đầy đủ lý do để thúc đẩy quan hệ nồng ấm với Pakistan.

5. Hàn Quốc

Không giống Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan nhưng lại rất giống với Saudi Arabia và Israel, Hàn Quốc duy trì một quan hệ đồng minh mạnh mẽ với Mỹ. Tuy nhiên, do hệ quả từ các chính sách thuế và bảo hộ hàng hóa trong nước của Tổng thống Donald Trump, Seoul đang tìm kiếm và thúc đẩy các thị trường xuất khẩu mới, và tất nhiên không thể không có Trung Quốc và Nga.

Hàn Quốc là nước đầu tiên hoan nghênh đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin xây dựng quan hệ hợp tác kinh tế 3 bên giữa hai miền Triều Tiên và Nga.

Đề xuất này được đưa ra vào mùa Thu năm 2017 trong bối cảnh giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn đang diễn ra các cuộc khẩu chiến liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Nhưng bất chấp thực tế đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vẫn ủng hộ nhiệt thành các đề xuất của ông Putin.

6 đồng minh thân cận lũ lượt bỏ Mỹ theo... Nga! - Ảnh 4.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bắt tay người đồng cấp Nga Vladimir Putin

Chưa tới một năm sau, Moscow lại đàm phán với Seoul xây dựng các tuyến giao thông hiện đại bằng đường bộ, đường sắt và các ống dẫn khí từ Nga, qua Triều Tiên sang Hàn Quốc.

Vai trò của Nga trong tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên rõ ràng là rất quan trọng, và nó đã thể hiện rõ nét trong chuyến thăm của Tổng thống Moon tới Moscow vừa qua bằng việc ủng hộ đề xuất thiết lập Hành lanh Kinh tế Nga - Hàn.

Với Moscow và Seoul, hòa bình và thịnh vượng có mối gắn kết chặt chẽ với nhau. Lịch sử quan hệ tốt đẹp giữa Nga và Triều Tiên được cho là sẽ mang lại lợi ích cho bối cảnh thực tiễn mới trong khi quan hệ giữa Moscow và Seoul cũng ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.

6. Philippines

Việc ông Rodrigo Duterte thắng cử chức Tống thống Philippines năm 2016 là một bước thụt lùi trong quan hệ giữa Manila với thế giới bên ngoài. Ngay sau khi giành chiến thắng, ông Duterte đã từ bỏ cái gọi là "tinh thần thực dân" và nhanh chóng tìm kiếm các quan hệ đối tác mới với Trung Quốc và Nga.

Tổng thống Duterte ca ngợi cách ứng xử của Nga với các vấn đề an ninh của Philippines. Năm 2017 ông Duterte đã tới gặp Tổng thống Nga Putin khi các phần tử khủng bố IS liên kết với tổ chức Maute phong tỏa thành phố Mindanao ở Marawi.

Hiểu được nhu cầu khẩn cấp của ông Duterte, Nga đã viện trợ cho Philippines các vũ khí hạng nhẹ giúp nước này đối phó tốt hơn với chủ nghĩa khủng bố và duy trì trật tự xã hội.

Chuyến thăm Moscow của ông Duterte năm 2017 có vai trò quan trọng giúp thúc đẩy một kỷ nguyên mới trong quan hệ Nga - Philippines, mở đường cho hiệp định thương mại tự do giữa Philippines - một thành viên của ASEAN với Liên minh Kinh tế Á - Âu do Nga đứng đầu.

Mặc dù 2 quốc gia chưa có lịch sử quan hệ lâu đời nhưng Nga đã chứng tỏ là một đối tác tin cậy trong cuộc chiến trên nhiều mặt trận của ông Duterte: chống khủng bố, chính trị cực đoan và buôn bán ma túy.

Nhiều nước đang có kế hoạch mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại