Những trận không chiến nảy lửa: Tiêm kích F-15 Mỹ từng bị bắn hạ - Có thật không?

Bình Nguyên |

Thấy chiếc tiêm kích F-15 nhào xuống và bắn pháo sáng, nỗ lực tránh đạn, viên phi công chỉ huy Iraq chắc mẩm rằng quả R-40 nổ đủ gần để gây thiệt hại nghiêm trọng cho máy bay địch.

Từ Iraq tới Syria...

Đầu năm 1978, các nguồn tin của Iraq tuyên bố rằng 1 chiếc tiêm kích MiG-23MS thuộc phi đội số 39 Không quân Iraq đã bắn rơi 1 chiếc tiêm kích F-15 "Đại bàng" của Israel trên vùng trời phía Tây nước này.

Các cựu sĩ quan không quân Iraq đã nhiều lần đề cập đến chiến tích này nhưng lại không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào.

Một chiếc F-15 khác được cho là đã bị bắn hạ vào mùa xuân năm 1981 và có lẽ được nhiều người biết đến hơn. Đã có vài kịch bản khác nhau về câu chuyện này được thêu dệt trong nhiều thập kỳ mà gần như tất cả đều từ truyền thông Nga.

Trong một kịch bản được biết đến nhiều nhất đó là vào ngày 13/02/1981, các máy bay tiêm kích F-15 Israel truy đuổi một biên đội 2 tiêm kích đánh chặn MiG-25P và họ đã bắn hạ 1 chiếc.

Để trả thù, câu chuyện kể tiếp, Syria đã dàn dựng một trận đánh rửa hận vào ngày 29/06/1981. Các tiêm kích MiG-25P Syria đã bắn hạ 1 chiếc F-15 bằng 2 quả tên lửa không đối không R-40 (NATO định danh là AA-6 Acrid), phóng đi từ cự ly 25 dặm.

Tuy nhiên, có vấn đề gì đó xảy ra với những câu chuyện như vậy bởi lẽ cả người Syria lẫn người Nga chưa hề đưa ra được bất cứ bằng chứng nào như dữ liệu radar hay mảnh xác máy bay. Một vấn đề khác là Không quân Syria chưa từng nhận được bất cứ chiếc tiêm kích MiG-25P nào.

Họ đã đặt mua một số lô tiêm kích MiG-25 (NATO định danh là Foxbat), bao gồm cả 2 chiếc MiG-25PDS, nhưng không hề có chiếc MiG-25P nào.

Trong khi Liên Xô thường cắt giảm tính năng đối với các máy bay Foxbat thì MiG-25PDS lại được trang bị tốt hơn so với các phiên bản trước đó. Bên cạnh radar Smerch 2A cực mạnh, MiG-25PDS còn có hệ thống sục sạo và bắt bám hồng ngoại đặt dưới thân, hệ thống cảnh báo tín hiệu radar và các hệ thống mồi bẫy nhiệt.

Tất cả các nguồn nói rằng "MiG-25P của Syria" đều rất mơ hồ. Thêm vào đó, chiếc Foxbat mà Không quân Israel bắn hạ vào tháng 2/1981 là phiên bản MiG-25R - tức máy bay trinh sát, khi nó bay trên vùng trời Li-băng.

Điều này hết sức quan trọng bởi vì nó trái ngược với những gì Nga hay Syria tuyên bố rằng 1 chiếc MiG-25PDS bay đơn đã bắn hạ 1 F-15 để trả đũa.

Theo phiên bản câu chuyện chiến thắng của Syria thì chiếc MiG-25PDS đã đóng giả làm 1 MiG-25R trong một nhiệm vụ bay trinh sát ở độ cao lớn hướng về Beirut (Li-băng).

Khi đó, 8 chiếc F-15 Israel được tung lên để đánh chặn, phi công Syria đã bắn 2 quả tên lửa R-40 vào chiếc máy bay chỉ huy của đối phương.

Một quả phóng từ cự ly 37 dặm (khoảng 59km), quả còn lại rời giá phóng ở cự ly khoảng 31 dặm (khoảng gần 50km), ngoài tầm của AIM-7F Sparrow - loại tên lửa không đối không có tầm bắn xa nhất trong kho vũ khí Israel vào năm 1981.

Những trận không chiến nảy lửa: Tiêm kích F-15 Mỹ từng bị bắn hạ - Có thật không? - Ảnh 1.

Các phi công tiêm kích F-15 Israel tuyên bố đã tiêu diệt hơn 30 máy bay địch trên vùng trời Li-băng trong các năm 1981 và 1982.

Theo phía Syria, chiếc F-15 bị bắn trúng đã đâm xuống biển ngoài khơi thành phố Tyre (miền nam Li-băng). Phi công được cho là đã nhảy dù thoát hiểm thành công. Trong khi đó, ở phía ngược lại, Israel tuyên bố rằng tiêm kích F-15 của họ đã bắn hạ chiếc MiG-25 bằng 1 quả tên lửa Sparrow.

Trong một trận không chiến nổi tiếng khác vào chiều muộn ngày 9/06/1982, một phi công tiêm kích MiG-21 Syria đã tấn công 1 chiếc F-15D bằng 1 quả tên lửa không đối không R-60 (NATO định danh AA-8 Aphid). Bất chấp máy bay bị thương, phi công đã cố gắng điều khiển máy bay về Israel hạ cánh, sau đó chiếc F-15 này đã được sửa chữa.

Ngoài ra cũng còn có thêm một số tuyên bố khác đáng chú ý. Vào ngày 03/07/1982, 8 chiếc MiG-21 Syria đã đụng độ với 4 F-15 Israel và một số tiêm kích Mirage IIICJ hoặc Kfir trên vùng trời Beirut. Trong khi thừa nhận bị mất 4 MiG-21 thì Syria cũng tuyên bố đã bắn hạ 1 chiếc "Đại Bàng".

Không chỉ các ấn phẩm của Israel đề cập tới trận không chiến này, mà còn được kể lại bởi hàng tá người chứng kiến từ mặt đất rồi sau đó được truyền thông Li-băng dẫn lại.

Cuối cùng thì các ấn phẩm của Nga đã tuyên bố rằng có không ít hơn 3 chiếc F-15 Israel khác bị bắn hạ, tất cả đều vào năm 1983. Trong đó, các tiêm kích MiG-23ML Syria đã bắn hạ 2 chiếc F-15 Israel vào ngày 04/10 và 1 chiếc khác vào ngày 01/12.

Tuy nhiên phía Nga không đưa ra bất cứ bằng chứng nào để làm sáng tỏ những tuyên bố này, thậm chí tên phí công Syria cũng không được đề cập tới.

... và quay lại Iraq: Tiêm kích F-15 Mỹ đã bị bắn hạ hay chưa?

Theo các tài liệu chính thức công khai bởi Boeing và Không quân Mỹ, tiêm kích F-15 có thành tích bất bại khi tiêu diệt được 104 máy bay đối phương mà không phải chịu bất cứ tổn thất nào.

Tuy nhiên trên thực tế, các lực lượng không quân đối phương đã tuyên bố, có lẽ đến hơn 10 trường hợp rằng họ đã bắn hạ chiếc tiêm kích hạng nặng 2 động cơ do Mỹ chế tạo.

Tất cả các tuyên bố này đều có 1 điểm chung. Đó là những người đưa ra tuyên bố không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào để làm sáng tỏ chiến thắng của họ.

Các nguồn tin từ Iraq tuyên bố vào ngày 04/01/1991 - 13 ngày trước khi Liên quân do Mỹ dẫn đầu tiến hành Chiến dịch Bão táp sa mạc - các chiến đấu cơ Iraq đã đánh chặn các máy bay tiêm kích F-15 Israel trên vùng trời phía Tây nước này và bắn hạ 1 chiếc F-15 ở gần căn cứ không quân H3.

Vài năm sau đó, tướng về hưu Ahmad Sadik đã không chỉ nhắc lại tuyên bố mà còn khăng khăng rằng ông ta đã tận mắt kiểm tra xác chiếc F-15.

Theo vị tướng này, chiếc F-15 bị bắn trúng đã đâm xuống đất nổ tung thành nhiều mảnh và mảnh lớn nhất còn lại dính nguyên chiếc giày của phi công mà vẫn chứa phần lớn bàn chân của anh này.

Những trận không chiến nảy lửa: Tiêm kích F-15 Mỹ từng bị bắn hạ - Có thật không? - Ảnh 2.

Một cặp tiêm kích F-15C Mỹ bay cùng 1 chiếc F-5E Tiger II của Saudi để luyện tập trước khi tiến hành chiến dịch Bão táp sa mạc.

Tướng Sadik còn nói thêm rằng một số mảnh xác máy bay đã được gửi tới lực lượng tình báo không quân Iraq ở Baghdad. Và 12 năm sau, vào năm 2013, các binh sĩ Mỹ đã đánh chiếm trụ sở lực lượng này và phá hủy tất cả những gì còn lại của chiếc F-15.

Một vụ khác mà Iraq tuyên bố được cho là "có lý" hơn. Đó là vào nagfy 30/01/1991, 2 chiếc MiG-25PDS Foxbat Không quân Iraq đã được điều lên đánh chặn 1 biên đội 2 F-15 của Không quân Mỹ đang tuần tra dọc theo biên giới Iran - Iraq.

Vì nhiễu động không khí, chỉ huy bay mặt đất Iraq đã dẫn cả 2 chiếc tiêm kích này săn một mục tiêu "ma". Một chiếc MiG đã phóng 1 quả đạn không đối không R-40, tất nhiên là sau đó nó chẳng trúng vào đâu.

Ngay sau đó, cũng 2 chiếc MiG-25 này đã tấn công biên đội 2 F-15C Mỹ ở phía Đông Khan Bani Sa’ad.

Vì vấp phải các biện pháp gây nhiễu mạnh, biên đội trưởng MiG-25 chỉ có thể phóng được 1 quả đạn R-40RD từ cự ly 12 dặm (hơn 19km). Cùng lúc đó, 1 chiếc Đại bàng cũng phóng trả lại 2 đạn tên lửa Sparrow.

Nhìn thấy chiếc F-15C nhào xuống và bắn pháo sáng trong nỗ lực tránh đạn, viên phi công chỉ huy của Iraq chắc mẩm quả đạn R-40 nổ đủ gần để gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho chiếc F-15.

Hai quả tên lửa Sparrow đã trượt mục tiêu khi chiếc Foxbat vòng trái thoát ly về phía Bắc. Không nản lòng, một phi công Mỹ khác đã phản ứng rất nhanh bắn bồi thêm 3 quả AIM-7M nhưng đáng tiếc cả 3 quả đạn này đều bị hỏng động cơ nên không rời giá phóng.

Các phi công Mỹ cũng thoát ly về phía Nam để tranh bị tấn công bởi chiếc MiG-25 còn lại.

Khi thoát ly về hướng căn cứ không quân Tammuz nằm ở phía Tây Baghdad, 2 chiếc MiG-25 nói trên lại suýt bị 1 căp F-15 khác săn đuổi thành công. Quả đạn Sparrow thứ 3 bắn về phía chúng đã đâm xuống đường băng chỉ cách phía sau 2 chiếc MiG-25 vài mét khi chúng đang hạ cánh.

Những trận không chiến nảy lửa: Tiêm kích F-15 Mỹ từng bị bắn hạ - Có thật không? - Ảnh 3.

Tiêm kích F-15E ở căn cứ không quân Dhahran phía Đông Saudi Arabia.

Trong khi đó, radar mặt đất Iraq vẫn đang bám sát cặp F-15 đầu tiên. Các trắc thủ radar đã kết luận rằng 1 F-15 đột ngột giảm tốc độ và biến mất khỏi màn hình, dường như nó đã rơi xuống lãnh thổ Saudi Arabia.

Vì thế, viên phi công biên đội trưởng biên đội MiG-25 Foxbat Iraq được ghi nhận đã bắn hạ máy bay đối phương. Điều này sau đó còn trở nên sống động hơn khi Bedouin - một tay buôn lậu, đã  báo cáo rằng các mảnh xác của chiếc F-15 nằm rải rác ở phía bắc Saudi Arabia.

Tuy nhiên trên thực tế, không có chiếc F-15C nào bị bắn hạ trong trận không chiến này hay trong những trận không chiến khác trong suốt Chiến dịch Bão táp sa mạc. Không quân Mỹ đã mất 2 chiếc F-15E, 1 chiếc vào đêm 17/01/1991 và chiếc khác là 2 ngày sau đó - nhưng tất cả đều do tên lửa phòng không.

Hy hữu: Tiêm kích F-15 bị mất cắp

Tính đến nay không có bằng chứng xác thực nào về việc tiêm kích F-15 đã bị bắn hạ trong không chiến.

Tuy nhiên có một điều không bình thường, 1 chiếc F-15 đã gần như rơi vào tay kẻ thù địch. Đâu đó vào cuối những năm 1990, trong quá trình chuẩn bị triển khai chiếc dịch Bão táp sa mạc, một phi công F-15C của Saudi vốn thất vọng trước viễn cảnh phải đánh nhau với những người Arab anh em - đã đào thoát sang Sudan với máy bay của mình.

Lầu Năm Góc đã phát đi cảnh báo tới tất cả các kíp bay về một vụ việc tương tự. Các nỗ lực ngoại giao cao nhất đã được thực hiện và kết thúc vụ việc nhờ sự phản ứng nhanh chóng của chính phủ Saudi.

Cái giá mà Riyadh phải trả là 50 triệu USD chuyển vào tài khoản của chính quyền Khartoum để lấy lại chiếc F-15 nói trên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại