Những thảm cảnh "máu chảy thành sông" chấn động lịch sử TQ

Trần Quỳnh |

Là một đất nước trải qua nhiều biến động, lịch sử Trung Hoa từng ghi nhận vô số những thảm cảnh máu chảy thành sông trong những cuộc xâm lược, tàn sát, tranh đấu.

Điều đáng nói là ở chỗ, sự “khát máu” của các vương triều trong lịch sử Trung Hoa không chỉ thể hiện bằng các cuộc tàn sát trên danh nghĩa xâm lược, mà còn là những lần "tắm máu" chính dân chúng, đồng bào của mình.

Công cuộc thống nhất trên nền xương máu

Vào thời Chiến Quốc, mỗi lần đánh chiếm một vùng đất, tướng sĩ nước Tần đều lao vào chém giết, lạm sát người dân vô tội

Cuốn “Niên biểu lịch sử trong ngoài” của Tiễn Bá Tán từng thống kê hàng trăm cuộc thảm sát xảy ra dưới trướng Tần triều.

Năm 331 TCN, Tần đánh bại Ngụy, số người bị giết lên tới 8 vạn. Năm 312 TCN, quân Tần đánh vào Đan Dương của nước Sở, cũng chém đầu 8 vạn người.

Năm 307 TCN, Nghi Dương bị phá, binh lính nhà Tần chém chết 6 vạn người. Tới năm 301 TCN, quân Tần đánh bại quân Sở ở Trùng Khâu, tàn sát gần 2 vạn nhân mạng.

Những thảm cảnh máu chảy thành sông chấn động lịch sử TQ - Ảnh 1.

Những cuộc tắm máu thảm khốc đã diễn ra từ rất sớm trên lãnh thổ Trung Hoa. (Tranh minh họa).

Sau đó, những nạn nhân chết thảm dưới tay binh lính Tần quốc ngày càng tăng lên. Năm 293 TCN, nhà Tần đánh bại liên quân Ngụy – Hàn ở Y Khuyết, giết chết 24 vạn người.

Năm 274 TCN, quân Tần đánh bại quân Ngụy ở Hoa Dương, tàn sát 15 vạn dân. Sau khi đánh thắng quân Triệu ở Trường Bình vào năm 260 TCN, số người vong mạng dưới tay lính Tần đã lên tới 45 vạn người.

Từ đó, có thể thấy con đường thống nhất Trung Hoa của Tần quốc được trải trên xương máu và tính mạng của vô số sinh linh. Cho tới ngày nay, số người chết trong những năm tháng máu lửa, binh đao vẫn chưa thể được thống kê chính xác.

“Anh hùng dân tộc” hay người mang tội “diệt chủng”?

Thành Cát Tư Hãn là người dựng nên đại nghiệp của Đế quốc Mông Cổ, cũng là Thái Tổ khai quốc của Nguyên triều trong lịch sử Trung Quốc.

Trước kia, các sử gia Trung Hoa từng đánh giá Thành Cát Tư Hãn như một kẻ xâm lược. Cho tới sau này, vị Thái Tổ lẫy lừng ấy mới được công nhận là “người Trung Quốc”.

Đội quân Mông Cổ từng càn quét qua đại lục Á – Âu, chinh phục 750 dân tộc lớn nhỏ. Vậy nhưng, sự “khét tiếng” của đội quân này không chỉ nằm ở chiến thuật, cách đánh, mà còn bởi bản tính tàn bạo, khát máu.

Mỗi lần chinh phục được một vùng đất, quân đội Mông Cổ đều phá thành, tàn sát dân chúng, cướp đi của cải, tài vật, chỉ để lại những người có tài và các thanh niên, mỹ nữ, trẻ em để…mua vui!

Những thảm cảnh máu chảy thành sông chấn động lịch sử TQ - Ảnh 2.

Dưới vó ngựa của đội kỵ binh tàn bạo ấy, vô số sinh linh đã trở thành người thiên cổ, vô số tòa thành mãi mãi chỉ còn là phế tích. (Tranh minh họa)

Khi mở cuộc tấn công quy mô để xâm lược Trung Quốc, người Mông Cổ đã thực hiện kế sách “Hán hóa” theo sáng kiến của Da Luật Sở Tài, Mưu kế này chủ yếu muốn đánh vào lòng người, cũng là chính sách dụ dỗ nhằm chinh phục Trung Nguyên.

Bởi vậy, Trung Quốc là nơi hiếm hoi thoát khỏi những “bữa tiệc đẫm máu” của đội kỵ binh đến từ thảo nguyên này.

Tuy nhiên, đối với những quốc gia khác, binh lính Mông Cổ chưa bao giờ có khái niệm “nương tay”, “khoan dung”.

Sau khi đánh hạ thủ phủ của Đế quốc Khwarezm, quân Mông Cổ theo lệnh của Thành Cát Tư Hãn đã thảm sát 120 vạn mạng người. Như vậy, bình quân mỗi binh sĩ Mông Cổ giết tới 24 mạng người tại đây.

Trong lần tấn công thành phố Nishapur, con rể của Thành Cát Tư Hãn là Toquchar đã bị một người dân địa phương bắn trúng tên và tử trận.

Xuất phát từ tâm lý trả thù riêng, sau khi phá được thành, vị Đại Hãn Mông Cổ này đã ra lệnh giết hết toàn bộ bách tính nơi đây, ngay cả chó, gà cũng không tha.

Trong cuộc Tây chinh lần thứ 2, tướng Bạt Đô sau khi chiếm được thành Moskva đã ra lệnh cho binh sĩ: giết được một người thì sẽ cắt tai người đó để thu về làm…chiến lợi phẩm. Theo đó, số tai người thu được sau trận chiến đấy lên tới con số 27 vạn!

Cho tới lúc đánh tan liên quân Đức – Ba Lan, lượng tai người thu được đã đầy ắp 9 bao tải khổng lồ.

Vào năm 1254, Mông Cổ phái Đại tướng Trát Khắc Nhi Đái chinh phục Cao Ly. Theo thống kê, số tù binh bị bắt sau trận chiến này là 20,68 vạn người, con số người chết lại càng không đếm được.

Thi hành những hành động chẳng khác nào “chính sách diệt chủng”, sự khát máu của đội quân Mông Cổ khiến cho những đế quốc quân phiệt như Đức, Nhật vào những năm thế chiến thứ II vẫn phải “chào thua”.

Vậy nhưng, Thành Cát Tư Hãn, người khởi xướng cho những việc làm này, lại được sử sách Trung Hoa nhắc tới như một “người anh hùng dân tộc vĩ đại”, thậm chí còn sánh ngang với Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế, Đường Thái Tông, Tống Thái Tổ…

Từ xưa tới nay, chân lý “thắng làm vua, thua làm giặc” vẫn luôn là bất biến. Bởi Thành Cát Tư Hãn là “người thắng”, nên những gì ông làm được sẽ trở thành “công lao, sự nghiệp”, những “vết đen” khác cũng nhờ vậy mà trở nên lu mờ.

"Tắm máu" là chuyện... cơm bữa

Quá trình chinh phục toàn bộ Trung Quốc của Thanh triều cũng có đầy rẫy những màn “mưa máu gió tanh”.

Khi còn tranh đoạt vùng Liêu Đông cùng binh lính nhà Minh, quân Thanh từng tiến hành tàn sát dân chúng trong thành Thiên An, Vĩnh Bình. Khi đó, hai nơi này máu chảy thành sông, thây chất thành núi, quân lính thi nhau chém giết, cướp của, chỉ để lại một vài phụ nữ để vũ nhục.

Cũng bởi hai sự kiện trên, chính sách dụ dỗ người Hán của Hoàng Thái Cực bị đổ bể. Kẻ cầm đầu hai cuộc tàn sát này là A Mẫn bị tuyên bố trở thành “Quốc tặc”.

Tuy nhiên, Hoàng Thái Cực khi đó vẫn xử lý A Mẫn theo cách “mắt nhắm mắt mở”, thậm chí còn không ngăn cản những cuộc tàn sát xảy ra sau đó.

Những thảm cảnh máu chảy thành sông chấn động lịch sử TQ - Ảnh 3.

Tàn sát hàng loạt là việc làm đã có "tiền lệ" và lặp đi lặp lại nhiều lần trong lịch sử Trung Hoa. (Tranh minh họa).

Khi Tổng đốc Kế Liêu của nhà Minh là Hồng Thừa Trù bị bắt, Thanh quân chém chết tại chỗ hàng trăm quan lại và hơn 3000 quân lính, ép 1200 phụ nữ cùng trẻ em trở thành nô tỳ.

Ngay cả khi Tổng binh của Minh triều là Tổ Đại Thọ đầu hàng, Thanh quân vẫn không hề nương tay, đem toàn bộ thành Cẩm Châu dìm trong biển máu của bách tính.

Sau khi chiếm được Bắc Kinh, Nhiếp chính vương Đa Nhĩ Cổn ban hành chiếu cáo trên toàn quốc với nội dung’:

“Toàn bộ các châu, huyện, kẻ nào chịu cạo đầu sẽ được khai thành, nạp khoản, ban phát tước lộc, đời đời phú quý. Ngược lại, nếu như chống cự không tuân, đại binh sẽ đến mang toàn bộ người dân đi tàn sát.”

Những thảm cảnh máu chảy thành sông chấn động lịch sử TQ - Ảnh 4.

"Cắt tóc thì còn đầu, để tóc ắt mất đầu" là luật lệ đã gây ra không ít những sự kiện "tắm máu" dưới thời nhà Thanh. (Tranh minh họa).

Đây chính là “tuyên ngôn tàn sát” được Thanh triều công bố trên cả nước. Chiếu thư này cũng trở thành nguyên nhân của hai sự kiện đẫm máu xảy ra sau đó là “Dương Châu thập nhật” và “Gia Định tam tàn sát”.

Số dân chúng bị giết trong sự kiện “Dương Châu thập nhật” lên tới 80 vạn người, được Vương Tú Sở ghi chép trong “Dương Châu thập nhật ký”. Tuy nhiên, có người lại khẳng định con số này chỉ dừng ở mức 20, 30 vạn.

Dù vậy, từng ấy người vong mạng cũng đủ để chứng minh cuộc tàn sát này thảm khốc tới mức nào.

Không chỉ dừng lại ở việc chém giết, nạn nhân thê thảm nhất của những cuộc thảm sát trên chính là phụ nữ. Mặc dù không bị mất mạng, nhưng cơ số họ đều trở thành công cụ mua vui, vũ nhục cho binh lính.

“Gia Định tam tàn sát” cũng diễn ra tương tự như vậy. Thậm chí, có sử gia từng cất lời than thở về sự kiện này: “Tan tàn sát để lại cho tòa thành ấy (chỉ thành Gia Định) sự hủy diệt, chỉ còn lại những kẻ không biết đạo đức là gì được sống sót.”

Những thảm cảnh máu chảy thành sông chấn động lịch sử TQ - Ảnh 5.

Trong các cuộc thảm sát hàng loạt, phụ nữ chính là những người phải chịu cảnh "sống không bằng chết". (Tranh minh họa).

Những năm Minh – Thanh tranh chấp, tàn sát là chuyện xảy ra như cơm bữa. Người Mãn giết người Hán, người Hán trong quân Thanh cũng sẽ ra tay hạ sát chính những người đồng tộc của mình.

Không chỉ có những kẻ xâm lược mới chém giết dân chúng, ngay tới các nghĩa quân nông dân cũng tàn sát bách tính.

Năm xưa, Trương Hiến Trung ở Tứ Xuyên từng giết tới 100 vạn mạng người. Lý Tự Thành tại Bắc Kinh cũng giết sạch quan quân xin hàng của nhà Minh, sau đó mở rộng quy mô tàn sát, khiến dân chúng đem lòng oán giận.

Thậm chí, ngay tới bách tính hiền lành, khi có cơ hội cũng không ngần ngại lấy mạng người khác. Lúc quân Thanh chiếm được Bắc Kinh, quân của Lý Tự Thanh thi nhau đào tẩu.

Bách tính nhân cơ hội đó trả thù nghĩa quân, kết thành bè đảng, tập kích các binh sĩ bị tụt lại phía sau. Số người bị giết dưới tay quần chúng trong lần đó lên tới 2000 nhân mạng, kẻ bị chết cháy, người bị chặt đầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại