3.000 người rơi đầu chỉ vì một ca chữa bệnh bất thành

Nguyễn Nhung |

Lịch sử Minh triều gắn liền với những thảm án gây chấn động xã tắc. Việc Minh Thành Tổ Chu Đệ hạ lệnh giết hơn 3.000 người, bắt nguồn từ 1 ca chữa bệnh bất thành là 1 trong số đó.

Trong suốt 270 năm hình thành và phát triển, Minh triều đã để lại không ít công trạng hiển hách, được ghi dấu trong lịch sử Trung Hoa. Thế nhưng, những truyền kỳ đẫm máu gắn liền với triều đại này cũng không hề ít.

Một trong số đó là sự cố chữa bệnh xảy ra vào những năm Vĩnh Lạc, gây chấn động xã tắc. Vì sự cố này, Minh Thành Tổ Chu Đệ đã thẳng tay giết 3.000 người.


Minh Thành Tổ Chu Đệ.

Minh Thành Tổ Chu Đệ.

Từ một sự cố chữa bệnh bất thành

Đó là một ngày của năm 1420, ái phi của Chu Đệ là Vương quý phi qua đời. Đối với ông Hoàng Minh Thành Tổ, kể từ sau cái chết của hoàng hậu, Vương quý phi là người khỏa lấp những mất mát to lớn và cũng là người cầm cương nơi hậu cung có đến hàng nghìn cung nữ.

Sử sách Trung Quốc ghi chép rằng, đây là một phụ nữ hiền hậu, đức hạnh, quản lý êm xuôi mọi việc trong hậu cung và được Hoàng đế rất mực sủng ái.

Bình thường, sức khỏe của bà rất tốt. Đột nhiên một ngày, người phụ nữ này bị cảm phong hàn kèm theo đau bụng dữ dội. Sau khi được thái y chẩn bệnh và cho dùng thuốc, ngày đầu tiên bệnh tình của Vương quý phi có dấu hiệu chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, đến ngày hôm sau, tứ chi của bà trở nên lạnh toát, mất cảm giác. Thái y lập tức kê thang thuốc mới nhưng vừa uống xong, Vương quý phi đột tử.


Tranh vẽ chân dung Vương quý phi.

Tranh vẽ chân dung Vương quý phi.

Cái chết bất ngờ của vị quý phi này đã khiến Minh Thành Tổ nổi giận lôi đình. Thái y điều trị chính cho Vương quý phi sau khi bị xử đánh vẫn bị đem đi chém đầu. Không những vậy, hơn 200 người trong gia tộc của viên thái y này cũng bị giết trong cơn thịnh nộ của đương kim Hoàng đế.

Đồng thời, những người tiến cử vị thái y này chữa bệnh cho quý phi cũng bị cách chức, điều tra. Thế nhưng, sự việc chưa dừng lại ở đó. Cơn điên loạn và bản chất tàn độc của ông vua này mới chỉ bắt đầu.

Truy ra âm mưu chính trị và cái chết oan của hơn 3.000 người

Sau khi tĩnh tâm trở lại, Chu Đệ đã cho gọi viện sử của thái y viện đến hỏi nguyên nhân dẫn đến cái chết của Vương quý phi. Viện sử cho rằng viên thái y kia không nhầm khi kê đơn thuốc cho ái phi của vua.

Sau khi nghe kỹ lời giải thích của viện sử, Chu Đệ hiểu rằng, mình đã phạm sai lầm.

Dù vậy, ông ta vẫn nghi hoặc tại sao những ái thiếp của mình là Quyền quý phi và Vương quý phi đều lần lượt qua đời. Nghi ngờ chắc chắn đã có điều ám muội đằng sau hai cái chết khiến mình đau đớn, Minh Thành Tổ đã sai người ngầm điều tra.

Thông tin báo về cho hay, nhờ nghe được hai cung nữ cãi nhau, người này biết rằng Lữ mỹ nhân và Lữ phi là hai thủ phạm lần lượt hạ độc thủ Quyền quý phi và Vương quý phi.

Từ một sự cố chữa bệnh của thái y, Minh Thành Tổ lần ra một âm mưu chính trị thâm độc, điều này khiến ông vua thứ 3 của Minh Triều vô cùng tức giận, cùng lúc hạ lệnh giết hơn 3.000 người có liên quan bất luận là nhiều hay ít. Phần lớn trong số này là các phi tần, cung nữ trong hậu cung.


Tranh minh họa cảnh phi tần, cung nữ trong hậu cung Minh triều bị bức tử.

Tranh minh họa cảnh phi tần, cung nữ trong hậu cung Minh triều bị bức tử.

Cũng từ vụ “thảm án nhị cung” này, Chu Đệ bị lưu danh khát máu muôn đời. Đương nhiên, với nhiều người dưới triều đại đó, người bị hận hơn cả lại là vị thái y chữa bệnh cho Dương quý phi. Nếu như ông ta không khiến cho người đẹp này đột tử, thảm họa khủng khiếp, long trời lở đất này có thể đã không xảy ra.

Trên thực tế, thái y viện của Minh triều đã phát hiện ra việc thái y chữa trị chính cho Vương quý phi dùng thuốc độc trước khi thảm án xảy ra.

Tuy nhiên, vì thấy Hoàng đế đã cho giết cả gia tộc nhà người này, nên viện sử cho rằng việc này đến đây đã có thể khép lại, hơn nữa, cũng là vì muốn bảo toàn thể diện cho thái y viện, nên đã giấu nhẹm chuyện này, không báo lên nhà vua.

Thế mới thấy, sự chuyên quyền trong chế độ phong kiến Trung Hoa dã man và tàn bạo cỡ nào. Ngồi trên đầu thiên hạ, các ông vua Trung Hoa cho mình quyền sinh quyền sát người khác.

Không chỉ giết hại 3.000 người, những thảm án khác xảy ra dưới thời Vĩnh Lạc chính là bằng chứng “hạ bệ” Chu Đệ. Cùng với người cha tàn độc Chu Nguyên Chương, cha con họ Chu đã lưu tiếng xấu trong sử sách dù trên thực tế, cả hai đều là những người có tài và có công với Minh triều.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại