Nguyên nhân bí ẩn khiến hàng ngàn phụ nữ Minh triều tự sát

Trần Quỳnh |

Minh triều được xem là triều đại đánh dấu sự tuột dốc của chế độ phong kiến Trung Hoa. Một trong những đặc điểm nổi bật của thời kỳ này chính là “quốc nạn” tự sát ở phụ nữ.

Số lượng nữ giới tự sát được ghi nhận vào thời nhà Minh nhiều hơn bất kỳ triều đại nào trong lịch sử Trung Quốc. Không chỉ bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, các thức quyên sinh của phụ nữ giai đoạn này cũng có rất nhiều loại.

Ngàn lẻ lý do để tìm đến cái chết

Phổ biến nhất lúc bấy giờ là hành vi tuẫn tiết để giữ gìn sự trong sạch của các “liệt phụ”, “liệt nữ”.

“Liệt phụ là danh từ chỉ những người phụ nữ chết theo phu quân để giữ gìn sự chung thủy. “Liệt nữ” đề cập đến những cô gái tự sát sau khi hôn phu qua đời để bảo toàn sự trong sạch.

Số lượng “liệt phụ”, “liệt nữ” ghi nhận vào thời nhà Minh nhiều không đếm xuể. Theo “Minh sử liệt nữ truyện” ghi chép: nữ nhân chết để giữ gìn sự trinh bạch “ở các quận, các ấp không dưới vạn người”.

Cuốn sách này cũng ghi nhận tới 300 trường hợp tuẫn tiết có thật lúc bấy giờ.

Quyển thứ 28 của tập “Tội duy lục” vẫn lưu lại danh tính của 87 liệt phụ, 35 liệt nữ, thậm chí còn liệt kê số lượng chi tiết theo từng địa phương như: “Hoãn Châu có 16 người”, “huyện Phong có hai người”, “huyện Tiêu có 8 người”…

Mặt khác, các thư tịch tại địa phương cũng lưu danh nhiều phụ nữ tuẫn tiết vì trượng phu, hôn phu. “Hưu Ninh điện chí” của tỉnh An Huy có viết: “Cai huyện có tất thảy 400 liệt phụ, liệt nữ”.

Do sự thịnh hành của tục tảo hôn trong xã hội Trung Hoa thời bấy giờ, các liệt nữ thường quyên sinh khi đang độ xuân thì, hầu hết nằm trong khoảng từ 14 đến 19 tuổi.


Phụ nữ Minh triều thường quyên sinh khi còn rất trẻ. (Ảnh: nguồn internet).

Phụ nữ Minh triều thường quyên sinh khi còn rất trẻ. (Ảnh: nguồn internet).

Một nguyên nhân tuẫn tiết khác cũng tương đối “thịnh hành” ở thời đại này chính là hành động tự sát để bảo toàn danh dự.

Do sự biến đổi tới mức cực đoan của quan niệm “nam nữ thụ thụ bất thân”, nhiều phụ nữ thời bấy giờ lãng phí tính mạng của mình vì những chuyện hết sức nhỏ nhặt.

Có người vì bị gán tội thông dâm mà tự sát, có người đã xuất giá nhưng vì được ái mộ mà tự thiêu, lại có người vì lỡ bị nam nhân chạm phải mà nhảy sông tự vẫn.

Cùng với đó, khi nạn đạo tặc hoành hành tại địa phương, không ít nữ nhân tìm cách tuẫn tiết để tránh khỏi cảnh ô nhục.

“Tuẫn thành” là hình thức tự sát tập thể thường xảy ra trong lúc đất nước có chiến tranh, loạn lạc. Cổ nhân coi đây là cách biểu hiện lòng trung quân ái quốc. Những người “tuẫn thành” phần lớn là quan lại và dân thường, phụ nữ cũng một số lượng không nhỏ.

Cuộc “tuẫn thành” tiêu biểu của Minh triều phải kể đến sự kiện năm 1664 – khi Lý Tự Thành công hãm Bắc Kinh. Mất Tử Cấm Thành, Sùng Trinh Hoàng đế bị dồn tới đường cùng, phải treo cổ sau núi.

Vô số đại thần cũng liệt phụ, liệt nữ đã quyên sinh theo nhà vua, tạo nên một tấn bi kịch “lấy thân hi sinh vì nước” khiến hậu thế không khỏi xót thương.

Năm 1645, sau khi thành Dương Châu bị quân Thanh đánh hạ, trong cảnh cùng đường, nhiều quan viên, binh lính, nho sinh, nữ giới…đã cùng nhau tự sát. Tới lúc thành Giang Đô bị chiếm, số người “tuẫn thành” càng nhiều không đếm xuể.

Tự sát” được coi tôn vinh là “mỹ đức”

Còn vô số những nguyên nhân khiến việc phụ nữ tự sát trở thành quốc nạn của Minh triều. Có người vì phản đối hôn nhân gả bán mà tuẫn tiết, có người lấy cái chết để tương báo sau khi cha mẹ qua đời…

Nguyên nhân đa dạng, số lượng càng nhiều, phương thức tìm cái chết của phụ nữ thời bấy giờ lại càng “phong phú" như: nhảy sông, thắt cổ, tự thiêu, tuyệt thực, đập đầu vào đá, uống thuốc độc, nhảy núi…

Việc tự tử bắt nguồn từ quan niệm “trầm sinh trùng nghĩa” (đề cao chính nghĩa hơn mạng sống) của Nho gia được hình thành từ thời Xuân Thu – Chiến Quốc.

Khổng Tử có câu không ham sống sẽ không hại người. Mạnh Tử khẳng định: khi “sinh” và “nghĩa” xung đột, phải hi sinh mạng sống để giữ gìn chính nghĩa.

Chiếu theo tư tưởng này, việc tự sát thời xưa có mục đích bảo toàn “chính nghĩa” như thủ tiết, tránh bị sỉ nhục, rửa sạch nỗi oan…

Đến thời nhà Tống, tư tưởng này càng phát triển theo hướng cực đoan. Xã hội lúc bấy giờ tin rằng “tồn thiên lý, diệt nhân dục” (khẳng định dục vọng của con người là không tốt, cần phải chiến thắng dục vọng để bảo vệ lẽ trời).


Nữ nhi hi sinh mạng sống để giữ gìn danh dự, bảo toàn sự chung thủy là hành động được tôn vinh thời bấy giờ. (Tranh minh họa).

Nữ nhi hi sinh mạng sống để giữ gìn danh dự, bảo toàn sự chung thủy là hành động được tôn vinh thời bấy giờ. (Tranh minh họa).

Những quan niệm trên đã đẩy các người phụ nữ lúc bấy giờ rơi vào cảnh “chết đói là chuyện nhỏ, thất tiết là chuyện lớn”, cũng trở thành cơ sở để thuyết Lý Học sau này tiếp thu.

Tới thời nhà Minh, chế độ phong kiến bắt đầu có dấu hiệu suy sụp. Giai cấp cầm quyền gia tặng sự chuyên chế trên các mặt chính trị, văn hóa, tư tưởng.

Lý Học ở thời kỳ này chiếm vị trí chủ đạo. Do đó, việc không ham sống, coi nhẹ sinh mạng trở thành một loại “mỹ đức” (chỉ cái đẹp về đạo đức), hành động xả thân vì nghĩa lại càng được ca tụng.

Bản thân giai cấp thống trị của Minh triều cũng đề xướng phong trào tự sát cho phụ nữ. Xưa kia, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương từng hạ chiếu ban thưởng miếu thờ, danh thờ cho những nữ nhân tuẫn tiết vì chính nghĩa.

Sống trong một xã hội như vậy, việc tự sát gần như trở thành một tục lệ. Đối với quả phụ nói riêng, sau khi trượng phu qua đời, ai có con thì may mắn được “tòng tử” (theo con), nếu không thì chỉ còn con đường chết để bảo toàn sự chung thủy.

Cũng theo đó, “tái giá” trở thành một loại hành vi bị phỉ nhổ, ngay đến cả thân nhân cũng từ mặt.

Dưới sự chi phối của hoàn cảnh đặc thù và hệ tư tưởng đương thời, việc phụ nữ tự sát đã trở thành một hiện tượng xã hội phổ biến của Minh triều.

Đây chính là minh chứng cho sự lạnh lùng, hà khắc của chế độ phong kiến Trung Hoa đối với quyền lợi và nhân cách của phận nữ nhi.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại