Ở vào thời điểm hoàng quyền suy sụp, ta thường bắt gặp những nhân vật thâu tóm triều chính, vượt mặt thiên tử. Đó có thể là Thái hậu, hoạn quan, nhưng phổ biến hơn cả chính là những kẻ mang danh "quyền thần".
Những "quyền thần" này nắm trong tay quyền lực to lớn áp đảo mọi thế lực, tự mình quyết định triều chính, phế lập Hoàng đế, tru diệt đại thần…
Lịch sử Trung Hoa cũng đã từng ghi nhận không ít "quyền thần"lộng hành khét tiếng như Đổng Trác, Tào Tháo, Ngao Bái… Nhưng trong số đó, kẻ "bá đạo" hơn cả lại là Vũ Văn Hộ - người nhiếp chính những năm đầu của nhà Bắc Chu.
"Quen tay" trừ khử Hoàng đế!
Vũ Văn Hộ tự là Tát Bảo, cháu trai của Vũ Văn Thái – thượng trụ nhà Tây Ngụy.
Khi Bắc Ngụy phân thành Đông Ngụy và Tây Ngụy, Vũ Văn Thái bận việc triều chính, chinh chiến, thường giao cho cháu trai là Vũ Văn Hộ quản lý chuyện gia sự, sau còn giao cho Hộ xử lý nhiều việc quân chính.
Tháng 10 năm 556, Vũ Văn Thái bệnh thập tử nhất sinh. Ngườicon thứ ba của ông là Vũ Văn Giác mới chỉ 14 tuổi, chưa đủ khả năng kế nhiệm chức vị và quyền lực của cha.
Khi ấy, Thái chỉ còn cách ủy thác mọi việc cho người cháu trai Vũ Văn Hộ. Nhờ vậy, Hộ thuận lợi kế thừa quyền hành của người chú ruột. Vậy nhưng, uy tín và vị thế trong triều của Vũ Văn Hộ còn thua kém nhiều so với những đại thần thuộc trụ cột
Để tạo quyền uy cho bản thân mình, Vũ Văn Hộ ngang nhiên phế bỏ Tây Ngụy Hoàng đế Thác Bạt Khuếch, đưa em họ Văn Giác (con trai thứ ba của Vũ Văn Thái) lên ngôi vua, thành lập chính quyền nhà Bắc Chu.
Không lâu sau đó, Thác Bạt Khuếch bị Vũ Văn Hộ trừ khử.
Sau khi đăng cơ, chứng kiến cảnh Vũ Văn Hộ chuyên quyền, tiểu Hoàng đế Vũ Văn Giác vô cùng bất mãn, liền tìm cách tính kế để diệt trừ người anh họ đã có công đưa mình lên ngôi này.
Vậy nhưng, vây cánh của Hộ vô cùng đông đảo, âm mưu non nớt của Hoàng đế nhanh chóng bị bại lộ. Tại vị chưa đầy một năm, Vũ Văn Giác bị phế truất, một tháng sau đó bị giết chết.
Trừ khử Hoàng đế dường như đã trở thành "nghề" của "quyền thần" Vũ Văn Hộ. (Ảnh minh họa).
Sau đó, Vũ Văn Hộ tiếp tục đưa Văn Dục (anh trai Văn Giác,con trưởng của người chú Vũ Văn Thái) lên ngai vàng để "thế chỗ" em trai.
Khi đăng cơ, Vũ Văn Dục đã 25 tuổi. Hộ thấy Hoàng đế trưởng thành, giả bộ muốn trao trả quyền lực, nhưng thực chất vẫn nắm hết mọi chuyện triều chính trong tay.
Sinh thời, chẳng có vị Thiên tử nào muốn sống dưới thân phận một con rối, Vũ Văn Dục cũng không phải ngoại lệ.
Hiểu rõ suy nghĩ của Hoàng đế, lại thêm kinh nghiệm rút ra từ những lần phế lập trước đó, "quyền thần" Vũ Văn Hộ đã "tiên hạ thủ vi cường" (ra tay trước để chiếm lấy lợi thế).
Tháng 4 năm 560, Hộ hạ độc vào đồ ăn của Hoàng đế. Biết mình bị anh họ hạ thủ, Văn Dục cố gắng chống đỡ, chỉ kịp để lại di chiếu. Vị vua này không truyền ngôi cho con trai của mình, mà chỉ định người em trai thứ 4 là Vũ Văn Ung kế vị.
Sau khi an vị trên ngai vàng, Văn Ung luôn tìm cách giấu mình, nhất mực tỏ vẻ cung kính Vũ Văn Hộ. Một tay giết chết ba vua, lại thấy tân đế biết an phận, Hộ lại tiếp tục làm theo ý mình, nắm hết mọi quyền hành trong triều.
Có thể khẳng định, Vũ Văn Hộ là "quyền thần" đã mưu hại nhiều Hoàng đế nhất trong lịch sử Trung Hoa.
Liên tục tru diệt trung thần
Nắm trong tay quyền lực vượt mặt Thiên tử, Vũ Văn Hộ luôn tìm mọi cách để khiến cho những người chống đối mình phải nhận nhiều kết cục bi thảm. Ngoài việc trừ khử ba vua, có không ít các đại thần đã vong mạng trong tay của kẻ "quyền thần" này.
Dưới thời của Hoàng đế Vũ Văn Giác, có hai vị đại thần từng ra mặt bất mãn với Vũ Văn Hộ. Đó là Triệu Quý và Độc Cô Tín.
Sau đó, Triệu Quý âm thầm tính toán kế hoạch trừ khử Hộ. Nhưng sự tình không may bại lộ, vị đại thần này bị Hộ thẳng tay trừ khử. Độc Cô Tín cũng bị Vũ Văn Hộ ép phải tự sát không lâu sau đó.
Vũ Văn Hộ thẳng tay tiêu diệt những đại thần chống lại mình. (Ảnh minh họa).
Tới khi Võ đế Văn Ung tại vị, có một vị là Hầu Mạc Trần Sùngvẫn ngầm bất mãn với Văn Hộ.
Có lần, Hoàng đế trong lúc đi tuần lại phải đột ngột hồi cung ngay trong đêm. Hầu Mạc Trần Sùng vô tình nói ra suy đoán, cho rằng Vũ Văn Hộ đã chết:
"Ta trước đây có nghe lời của thầy bói, Tấn công (chỉ Hộ) năm nay không may, xa giá bây giờ quay về giữa đêm, chẳng qua là Tấn công chết rồi."
Kết quả, có người tố giác câu nói này, Văn Hộ ép Trần Sùng phải tự sát ngay trong đêm ấy.
Triệu Quý, Độc Cô Tín và Hầu Mạc Trần Sùng là ba vị "đại trụ"bị "quyền thần" trên trừ khử. Bên cạnh đó, còn không ít triều thần như Lý Viễn, Hạ Nhã Đôn… vong mạng dưới tay Văn Hộ.
Kết cục "chạy trời không khỏi nắng"
Vậy nhưng, "quyền thần" tàn độc này có nằm mơ cũng không nghĩ rằng mình sẽ thua trong tay vị Hoàng đế tưởng như an phận kia. Tháng 3 năm 572, theo sự bố trí của Bắc Chu Võ đế Vũ Văn Ung, Hộ được vời vào trong cung.
Thừa dịp kẻ "quyền thần" này không đề phòng, Văn Ung tự mình cầm ngọc đĩnh đánh cho Hộ ngã xuống đất. Ngay sau đó, em trai của Ung là Vũ Văn Trực xông ra, lập tức đâm chết người anh họ đã lộng hành 16 năm qua.
Tung hoành trên võ đài chính trị gần 20 năm, từng tự tay trừ khử từ Hoàng đế cho tới đại thần, nhưng Vũ Văn Hộ vẫn không tránh khỏi kết cục như nhiều kẻ "quyền thần" khác. (Ảnh minh họa).
Công bằng mà nói, tuy là một kẻ độc tài, nhưng Vũ Văn Hộ không hề có dã tâm đoạt vị. Tiếc rằng, Võ đế của nhà Bắc Chu vốn là một bậc "hùng tài đại lược", không thể bỏ qua cho hành động độc đoán, chuyên quyền của Hộ.
Cho tới lúc chết, Vũ Văn Hộ vẫn không hiểu được rằng: kẻ làm quyền thần vốn chỉ có hai con đường để lựa chọn, một là đoạt vị, hai là chờ chết.
Tránh được hai kết cục ấy, có lẽ cả Trung Hoa chỉ có Gia Cát Lượng là ngoại lệ mà thôi.