Sự thật về hoạn quan Trung Hoa sau sự "thăng hoa" của phim ảnh

Trần Quỳnh |

Các hoạn quan Trung Hoa sở hữu võ công siêu phàm đến đâu, đây vẫn là một sự thật ít người biết. Chính vì lẽ đó nên hậu thế mới bị tiểu thuyết, phim ảnh ngày nay "qua mắt".

Có hay không việc hoạn quan "võ nghệ cao cường"?

Trong lịch sử Trung Hoa, có không ít hoạn quan khét tiếng đã được người đời “quen mặt nhớ tên” như Triệu Cao, Trương Nhượng, Lý Phụ Quốc, Ngụy Trung Hiền, Lý Liên Anh…

Nắm trong tay quyền khuynh thiên hạ, đa số họ đều cậy thế để lũng đoạn triều chính, hại nước, hại dân.

Hình dung chung của hậu thế về những con người ấy đều là các ấn tượng không mấy tốt đẹp như tâm cơ xảo trá, miệng lưỡi lươn lẹo, chứ không phải là “võ nghệ cao cường”!

Trên thực tế, Trung Hoa cổ đại cũng từng ghi nhận nhiều trường hợp võ tướng có xuất thân từ hoạn quan.

Tiêu biểu là Lý Hiến, Đồng Quán thời Bắc Tống từng đánh bại mấy chục vạn quân Hạ, Liêu hay Tam bảo Thái giám Trịnh Hòa thời nhà Minh từng thống lĩnh hải quân, thân chinh thám hiểm Tây Dương tới 7 lần.

Những hoạn quan kể trên tuy có chỗ đứng và tiếng tăm trong quân đội, nhưng võ nghệ thực sự của họ lại không hề được sử sách nhắc đến.


Không phải thái giám nào cũng có thể dễ dàng trở thành cao thủ võ công như trên phim ảnh, tiểu thuyết. (Ảnh minh họa).

Không phải thái giám nào cũng có thể dễ dàng trở thành cao thủ võ công như trên phim ảnh, tiểu thuyết. (Ảnh minh họa).

Đầu thời nhà Minh, Chu Đệ từng thành lập một tổ chức bí mật có tên là “Đông xưởng”. Người đứng đầu của tổ chức này đều là các thái giám thân tín bên cạnh Hoàng thượng.

Đến khi Chu Kiến Thâm kế vị, ông lại sáng lập thêm “Tây xưởng” có tính chất và chức năng tương đương “Đông xưởng”.

Những thái giám thuộc hai tổ chức trên đều được ví như các “cảnh sát bí mật” của Hoàng đế, chuyên phụ trách việc tuần tra, thu thập tin tức, giữ gìn trật tự trị an trong kinh thành.

Tuy nhiên, những đối tượng thực sự biết võ thuật, chuyên phụ trách ám sát, bắt bớ lại là “phiên tử” – những người thuộc đội Cẩm Y Vệ và không hề có xuất thân là thái giám.

Tới thời nhà Thanh, triều đình còn có một đội quân hoạn quan gọi là “kỹ dũng thái giám”. Theo các tài liệu lịch sử ghi chép, trong 500 hoạn quan làm việc tại Viên Minh Viên, có tới 60 người biết võ nghệ, được biết tới với cái tên “Kỹ dũng thái giám lục thập danh”.

Năm 1860, liên quân Anh Pháp tấn công Viên Minh Viên, 20 “kỹ dũng thái giám” dưới sự chỉ huy của “bát phẩm thủ lĩnh” đã chiến đấu với tinh thần “gặp nguy không sợ, ra sức xung phong”, đả thương không ít quan quân của phe địch.

Tuy nhiên, hành động này cũng chỉ như “lấy trứng chọi đá”, trước sự đông đảo của quân đế quốc, 20 thái giám này đã anh dũng hy sinh.

Hé lộ tuyệt kỹ của đệ nhất cao thủ thái giám

Như vậy, liệu có tồn tại những thái giám sở hữu tuyệt đỉnh công phu hay không? Xem xét từ góc độ sinh lý, sau khi bị thiến, cơ thể của thái giám sẽ không thể sản sinh ra các nột tiết tố sinh dục, thể lực cũng kém hơn nhiều so với đàn ông bình thường.

Do đó, công cuộc tiến thân trên con đường võ nghệ của họ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nói việc hoạn quan trở thành cao thủ võ công là chuyện hiếm gặp, nhưng cũng không phải là không có.

Nổi danh với biệt hiệu “Thiết Mạo Tí Vương”, vị hoạn quan trong phủ của Túc Thân Vương này chính là một trong 10 cao thủ võ lâm nổi tiếng thời nhà Thanh.

Ông là người có công sáng lập ra Bát quái chưởng – tuyệt nghệ của Nội gia quyền, được biết tới với tên gọi Đổng Hải Xuyên.


Chân dung Đổng Hải Xuyên - vị hoạn quan hữu tuyệt kỹ Bát quái chưởng và nằm trong hàng ngũ thập đại cao thủ võ lâm vào thời nhà Thanh. (Tranh: nguồn internet).

Chân dung Đổng Hải Xuyên - vị hoạn quan hữu tuyệt kỹ Bát quái chưởng và nằm trong hàng ngũ thập đại cao thủ võ lâm vào thời nhà Thanh. (Tranh: nguồn internet).

Đổng Hải Xuyên sống dưới thời vua Gia Khánh ( 1797 – 1882) tại Hà Bắc. Khi còn nhỏ, ông đã được truyền thụ các loại quyền pháp.

Sau này ông xuống Giang Nam, tới Cửu Hoa Sơn gặp được Vân Bàn lão tổ truyền thụ võ nghệ. Qua mấy năm học hết kỳ nghệ, ông cáo biệt sư phụ.

Khi ấy, Hải Xuyên được sư phụ tặng một đôi búa cùng lời dặn: “Ta học võ nghệ đã tới hàng cao thủ của cao thủ, nhưng chuyển chưởng (tiền thân của Bát Quái chưởng) lại chưa luyện thành. Con hãy đem nó hoàn thiện để làm rạng danh sư môn.”

Sau khi xuống núi, Đổng Hải Xuyên tới kinh thành, làm tạp dịch cho vương phủ của Túc Thân vương.

Trong một lần vương phủ tổ chức thi võ, ông đã cứu được một thủ lĩnh hộ vệ. Lúc này, vương gia biết được tài năng của Hải Xuyên, liền bảo ông biểu diễn tuyệt kỹ.

Đổng Hải Xuyên khi ấy biểu diễn chém đá, quyền pháp, lại thêm kỹ thuật chuyển chưởng, càng chuyển càng nhanh, thậm chí chân không chạm đất, liền được danh hiệu “lăng không bát bộ”.

Sau này, hai danh sư Thái cực quyền nổi tiếng nhất có Dương Lộ Thiền và Đổng Hải Xuyên.

Có giai thoại còn kể lại rằng, trước lúc qua đời, hai tay của Đổng Hải Xuyên vẫn để theo tư thế hoán chưởng cho đến lúc ngừng thở. Bát Quái Chưởng của ông được lưu truyền trong và ngoài nước, cho tới nay vẫn giữ được vị thế.

Trên thực tế, không phải thái giám nào cũng là kẻ phóng túng, lươn lẹo, hại dân hại nước.

Năm xưa, thái giám nhà Đông Hán là Thái Luân từng phát minh ra kỹ thuật làm giấy, Tam bảo Thái giám Minh triều là Trịnh Hòa trở thành nhà hàng hải vĩ đại, ngay đến cuốn "Sử ký" lẫy lừng cũng được Tư Mã Thiên viết nên sau khi đã trở thành hoạn quan.

Với động lực xuất phát từ hoàn cảnh đặc biệt cùng năng lực tự thân, họ hoàn toàn có thể trở thành các bậc kỳ tài trên nhiều phương diện, trong đó có võ thuật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại