Bệnh nhi sốt xuất huyết điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên
Theo phác đồ điều trị sốt xuất huyết của Bộ Y tế, sốt xuất huyết có 3 nhóm bệnh từ nhẹ đến nặng, gồm: sốt xuất huyết Dengue (nhóm 1), sốt xuất huyết Dengue (nhóm 2), cảnh báo và sốt xuất huyết Dengue nặng (nhóm 3). Nhóm số một có thể điều trị tại nhà hoặc theo dõi tại y tế cơ sở. Còn nhóm số hai và ba phải nhập viện để điều trị.
Bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, tình hình sốt xuất huyết năm nay khá phức tạp, mới vào đầu mùa mưa mà khoa đã tiếp nhận nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết nhập viện trong tình trạng nặng, có dấu hiệu cảnh báo. Điều đáng lo ngại là hầu hết các trường hợp này đều tự điều trị tại nhà mà không có sự hướng dẫn, theo dõi của thầy thuốc. Khi thấy bệnh ngày càng trở nặng mới nhập viện.
Theo bác sĩ Phạm Hồng Lâm, khá nhiều bệnh nhân còn thiếu kiến thức về tự điều trị sốt xuất huyết, thường tự chữa theo thói quen, thậm chí nghe những lời truyền miệng của nhiều người để áp dụng cho bản thân. Đó là những sai lầm tai hại có thể khiến bệnh trở nên nặng hơn. Bác sĩ Lâm đã chỉ ra 4 sai lầm cơ bản mà bệnh nhân sốt xuất huyết cần tránh để hạn chế bệnh diễn tiến xấu.
Sai lầm thường gặp nhất là bù nước không đúng cách. Khi bị bệnh, bệnh nhân thường ra ngoài phòng khám tư yêu cầu thầy thuốc truyền nước qua đường tĩnh mạch, thậm chí thuê thầy thuốc thực hiện truyền nước tại nhà. Điều này vô cùng nguy hiểm vì khi chỉ định truyền dịch, bác sĩ cần thăm khám đánh giá bệnh trạng để lựa chọn loại dịch truyền cũng như số lượng phù hợp.
Việc tự ý truyền dịch tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai biến, nhất là sốc phản vệ có thể dẫn đến tử vong nếu không có các trang thiết bị cấp cứu kịp thời. Bệnh nhân nên bù nước bằng đường uống như nước lọc, nước ép trái cây, nước điện giải (oresol) khoảng từ 2-3 lít mỗi ngày.
Sai lầm thứ hai là chế độ ăn không phù hợp. Bệnh nhân sốt xuất huyết cần ăn thức ăn lỏng như súp, cháo, ăn nhiều trái cây, nghỉ ngơi hợp lý. Không nên ăn đồ ăn cứng, có màu đen hoặc đỏ. Vì khi bệnh trở nặng có thể gây xuất huyết tiêu hóa, nếu ăn những thực phẩm này, bệnh nhân có nôn (ói) hoặc đi ngoài sẽ khó phân biệt với hiện tượng xuất huyết, gây khó khăn cho bác sĩ trong chẩn đoán và điều trị.
Thứ ba là việc hạ sốt. Theo phác đồ điều trị sốt xuất huyết của Bộ Y tế, chỉ được dùng Paracetamol đơn chất để hạ sốt, ngoài ra không dùng bất kì hoạt chất nào khác. Trung bình, người lớn uống 1 viên Paracetamol 500mg/lần, nếu người có cân nặng khoảng 70 - 80kg có thể uống một viên rưỡi, trẻ em dùng thuốc gói với liều lượng theo chỉ định và phải đủ 4 - 6 tiếng mới dùng một lần. Trong lúc chưa đủ 4 tiếng mà bệnh nhân vẫn sốt thì phải dùng phương pháp lau mát, dùng nước ấm để lau cho bệnh nhân.
"Khi hạ sốt, chỉ được dùng thuốc Paracetamol, không dùng bất cứ thuốc nào khác, vì có thể gây ra hiện tượng xuất huyết dạ dày, rất nguy hiểm" - bác sĩ Phạm Hồng Lâm nhấn mạnh.
Sai lầm thứ tư là trì hoãn đến bệnh viện khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo vào ban đêm. Đây là sai lầm vô cùng tai hại. Khi phát hiện các dấu hiệu cảnh báo vào bất kì thời gian nào cũng cần được nhập viện ngay thì mới mong cứu sống được bệnh nhân.
Trường hợp mắc sốt xuất huyết thể nhẹ, bệnh nhân sốt xuất huyết có thể tự điều trị tại nhà và cần tránh những sai lầm nêu trên. Đặc biệt cần nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo như nôn (ói) nhiều, đau bụng, mệt mỏi, đi tiểu ít, xuất huyết (chảy máu mũi, chảy máu cam, đi cầu ra máu) để nhập viện kịp thời.
Với những nhóm người gồm: phụ nữ có thai, người già trên 60 tuổi, trẻ dưới 1 tuổi, người có bệnh lý nền mãn tính như béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tắc nghẽn mãn tính… kèm theo các điều kiện bất lợi như ở xa cơ sở y tế, gia đình không có điều kiện chăm sóc tại nhà thì nên nhập viện càng sớm càng tốt.