Những nguy cơ gặp phải khi trẻ bị bệnh não úng thủy

Hải Nguyên |

Theo chuyên gia y tế, với những bệnh nhân bị não úng thủy thể nặng, bệnh nhân nằm 1 chỗ, không vận động nên dễ bị suy phổi, suy kiệt sức khỏe và có tuổi thọ không lâu.

Những ngày gần đây dư luận đặc biệt quan tâm tới trường hợp bé trai Bùi Trung Đoàn, 13 tháng tuổi ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa bị bệnh não úng thủy với phần đầu to bất thường.

Thời điểm bé được người nhà đưa vào khoa Cấp cứu – Chống độc (bệnh viện Nhi Trung ương), các bác sĩ chẩn đoán, não của bé toàn nước, tiên lượng rất xấu, khả năng mô não đã bị tổn thương. Khi mô não đã bị tổn thương thì việc can thiệp cho bệnh nhân không có ý nghĩa nhiều. Bệnh nhân Đoàn đã được gia đình đưa về nhà vào chiều 26/10.

Những nguy cơ gặp phải khi trẻ bị bệnh não úng thủy - Ảnh 1.

Mẹ và cháu bé Bùi Trung Đoàn

Trao đổi với phóng viên về căn bệnh này, TS.BS Cao Vũ Hùng, Trưởng khoa Thần kinh, bệnh viện Nhi Trung ương nhận định: Đây không phải căn bệnh hiếm, hàng tuần tại khoa của bác sĩ vẫn tiếp nhận 3-5 trường hợp bệnh nhân nhi bị não úng thủy. Tuy nhiên, với những ca bệnh có phần đầu to như của em bé ở Thanh Hóa thì trong năm 2017, đó là ca thứ 2 bác sĩ Hùng gặp.

"Hiện nay ở Việt Nam chưa có thống kê nào về số ca mắc bệnh não úng thủy. Tuy nhiên, trên thế giới, số trẻ bị mắc căn bệnh này khá cao. Trung bình cứ 1.000 trẻ lại có 1 trẻ bị mắc", TS.BS Cao Vũ Hùng nói.

Cũng theo vị bác sĩ này, não úng thủy là 1 căn bệnh do tắc nghẽn sự dẫn lưu thông thường của dịch não tủy từ trên não bộ xuống dưới tủy sống, sẽ gây sự ứ trệ của dịch não tủy ở trên não dần dần gây tổn thương tế bào não, có thể gây tử vong hoặc để lại những di chứng suốt đời.

Ở một đứa trẻ bình thường thì có khoảng 20ml dịch não tủy được sản xuất trong một giờ. Tổng lượng dịch não tủy là 50ml ở trẻ em và khoảng 150ml ở người lớn. Một phần rất nhỏ dịch não tủy cơ thể tiết ra sẽ được hấp thu bởi hệ thống mạch bạch huyết đổ về các xoang quanh mũi và dọc theo các dây thần kinh và bởi chính đám rối mạch mạc.

Vì nguyên nhân nào đó mà các bể dưới nhện bị tắc nghẽn hoặc các nút nhện suy giảm chức năng gây nên não úng thủy.

Những nguy cơ gặp phải khi trẻ bị bệnh não úng thủy - Ảnh 2.

Bệnh nhân nhí đang trong thời gian điều trị

Theo TS.BS Cao Vũ Hùng, có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng não úng thủy, trẻ bị tắc lưu thông dịch não tủy bị tắc do viêm nhiễm, khối u chèn ép hoặc không xác định được nguyên nhân. Cũng chưa có nghiên cứu nào cho thấy, khi bà mẹ mang thai ở tuổi đời còn trẻ sẽ có nguy cơ sinh con bị não úng thủy.

Trẻ bị não úng thuỷ có phát triển bình thường không?

Nói về phương pháp điều trị cho trẻ bị não úng thủy, TS. Hùng cho biết, trẻ sẽ được đặt một ống dẫn (van) giúp dịch lưu thông bệnh hoặc có thể can thiệp bằng nội soi với trường hợp trẻ bị tắc ống dẫn dịch do dị vật (khối u). Đây chỉ là một phẫu thuật tầm trung không phải đại phẫu.

Nói về tuổi thọ của bệnh nhân bị mắc bệnh não úng thủy, TS.BS Cao Vũ Hùng trao đồi: "Tùy từng nguyên nhân, tùy từng bệnh mạn tính mà xác định tuổi thọ của người bệnh. Nếu nặng như trường hợp bệnh nhi Bùi Trung Đoàn, di chứng nặng nề thì tuổi thọ không cao. Bởi lẽ, bệnh nhân nằm 1 chỗ, không vận động nên dễ bị suy phổi, suy kiệt.

Bệnh nhân có tuổi thọ không lâu vì những bệnh viêm phổi, bệnh nhiễm trùng máu… chứ không phải bệnh não úng thủy gây tử vong. Tuy nhiên, rất khó xảy ra trường hợp đầu của đứa trẻ não úng thủy bị vỡ ra vì cơ thể con người có cơ chế để tự thích nghi. Đầu cứ to dần theo thời gian và trông sẽ kỳ dị hơn".

Về tiên lượng bệnh, TS.BS Cao Vũ Hùng cũng cho biết, tiên lượng sẽ phụ thuộc vào lý do gây tắc. Nếu trẻ bị não úng thủy do dịch thông lưu thông giải quyết được vấn đề tắc trẻ vẫn có thể phát triển bình thường. Đứa trẻ vẫn có thể phát triển về trí tuệ, học tập và làm việc như người bình thường.

Trường hợp trẻ tắc dịch do di chứng viêm màng não sẽ phức tạp hơn. Hậu quả của trẻ bị não úng thủy khi đầu quá lớn cách mô não bị xẹp xuống và có tổn thương khiến cho đứa trẻ chậm phát triển, khuyết tật.

Theo bác sĩ Hùng, não úng thủy hoàn toàn có thể phát hiện được trong thai kỳ. Khi siêu âm thấy hình não thất giãn, sau sinh trẻ sẽ được theo dõi vòng đầu của trẻ to nhanh hơn bình thường. Nguyên tắc một đứa trẻ sau sinh vòng đầu có thể lớn hơn 10cm/tháng. Tuy nhiên, nếu trẻ lớn một cách bất thường một vài ngày đã tăng 5-6 cm.

"Với đứa trẻ nghi ngờ giãn não thất sau sinh trẻ cần phải được theo dõi vòng đầu, siêu âm (không cần phải chụp chiếu). Khi trẻ được chỉ định điều trị sẽ được theo dõi ngoại khoa bắt buộc chứ không phải can thiệp nội khoa (không có thuốc điều trị).

Não úng thủy và não nước là một thể nhưng não nước sẽ có tiên lượng xấu hơn. Vì não nước dễ gây tổn thương mô não nhiều hơn", TS.BS Hùng khuyến cáo.

Bi kịch 5 giây: Não trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi vừa bế vừa rung lắc trẻ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại