Cũng như các loại thịt động vật khác, thịt chó giàu đạm, canxi, sắt… Tuy nhiên cũng có những người không nên ăn thịt chó vì có thể gây hại cho sức khỏe.
Tác dụng của thịt chó
Theo Đông y, thịt chó (cẩu nhục) vị mặn, chua, tính nóng, không độc; tác dụng bổ dưỡng, trợ dương, ích khí trừ hàn. Thịt chó chứa nhiều protid, lipid, Ca, P, Fe. 100g thịt cung cấp 348 calo. Xương chó có canxi dạng phosphat, carbonat. Thịt chó vừa là thực phẩm ngon, vừa là vị thuốc tốt cho người có máu hàn.
Một số món ăn, bài thuốc từ thịt chó
Thịt chó hầm sơn dược kỷ tử: Thịt chó 500g - 1kg (làm sạch, thái lát); sơn dược, kỷ tử, mỗi thứ đều 60g, thêm gia vị trộn đều để 15 phút, thêm nước nấu hầm nhỏ lửa cho chín nhừ. Dùng cho các trường hợp thận dương hư suy (di tinh tảo tiết, đau lưng, mỏi gối lạnh chi thể...), người cao tuổi cơ thể suy nhược.
Cháo thịt chó đậu hạt: Thịt chó 500g (làm sạch thái lát), thêm gạo tẻ, đậu hạt nấu hầm nhừ, thêm gia vị, ăn nhiều bữa trong ngày. Dùng trong các trường hợp tỳ vị hư hàn, đầy trướng bụng, đau bụng.
Cháo thịt chó, thịt chó áp chảo: Thịt chó 500g thái lát nấu với gạo tẻ thành dạng canh, cháo, thêm gia vị hoặc nấu như món ăn thông thường dạng nhựa mận áp chảo với riềng, xả, gia vị. Dùng trong các trường hợp cổ trướng phù nề, sợ lạnh, rét run.
Thịt chó hầm đậu đen: Thịt chó 150g, đậu đen 40g cùng nấu chín nhừ, thêm gia vị thích hợp, cho ăn khi nóng liên tục trong 5 - 10 ngày. Dùng cho trẻ nhỏ đái dầm.
Ngoài thịt chó, các bộ phận khác như xương, mỡ, óc, tinh hoàn của chó đều là những vị thuốc chữa được nhiều bệnh.
Những người không nên ăn thịt chó
Thịt chó tuy tốt nhưng có những người được khuyến cáo không nên ăn món này vì có thể gây hại cho sức khỏe. Dưới đây là những người không nên ăn thịt chó:
Người bị xơ gan, suy thận
Thạc sĩ, bác sĩ Dzoãn Thị Tường Vi, Viện dinh dưỡng lâm sàn, chia sẻ trên Zing rằng, thịt chó giàu chất đạm nhưng lại có tính nhiệt nên dễ gây nóng, khó tiêu, chướng bụng. Nếu người tiêu dùng thường xuyên ăn thịt chó và ăn trong thời gian dài, cơ thể sẽ khó tiêu hóa, gan, thận không thể làm việc kịp thời để đáp ứng được quá trình chuyển hóa. Do đó chúng ta dễ mắc các bệnh về gan như xơ gan, suy thận, gout.
Thịt chó nhiều dinh dưỡng nhưng có những người không nên ăn thịt chó.
Những người có tiền sử về gan, thận, gout nên thận trọng trước món ăn nhiều đạm này.
Người bệnh gút, huyết áp, tiểu đường
Thịt chó rất nhiều đạm, khi ăn vào sẽ khiến dư thừa chất đạm và gây ra các bệnh lý như gút, rối loạn mỡ máu, hay một số bệnh lý khác liên quan đến tim mạch. Với người bị bệnh gout, cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, nếu ăn thịt chó, tình trạng bệnh sẽ càng tăng nặng.
Người bị bệnh mạch máu não
Người bệnh mạch máu não ăn thịt chó rất có hại. Lý do, thịt chó thuộc tính nóng dễ dẫn đến huyết áp tăng cao, thậm chí có thể gây vỡ mạch máu não.
Người âm hư, hỏa vượng
Nhiều người vẫn nghĩ ăn thịt chó để bổ thận tráng dương, tuy nhiên thực tế chưa có nghiên cứu nào công bố về tác dụng này. Vì vậy thịt chó không có tác dụng bồi bổ cho những người có thể chất âm hư.
Những lưu ý khi ăn thịt chó:
- Nếu có thói quen ăn thịt chó thì bạn nên ăn vào ngày mưa, lạnh, mùa thu đông vì sẽ thấy ấm, ngon và có lợi hơn.
- Thịt chó cũng kiêng kỵ với nhiều món khác nhau, đặc biệt là thịt dê vì thịt chó tính cam ôn, dê tính đại nhiệt, khi hai thứ gặp nhau sẽ sinh ra chứng tích thực, thức ăn khó tiêu, sẽ tích nhiệt, sinh ra chứng tả lỵ.
Trên đây là những người không nên ăn thịt chó. Theo các chuyên gia, bạn cần nhớ rằng, ăn uống thì cần có kiến thức, biết rõ số lượng nên ăn là bao nhiêu để có thể kiểm soát được tình trạng sức khỏe của bản thân, tránh những sai lầm không nên có do ăn uống gây ra.