Tết Đoan Ngọ (hay còn gọi là Tết Đoan Dương, Tết diệt sâu bọ) là một ngày Tết được tổ chức vào mỗi mùng 5/5 (âm lịch). Trong mâm cúng ngày Tết Đoan Ngọ, món ăn không thể thiếu là cơm rượu nếp. Theo dân gian, ăn cơm rượu nếp vào ngày này có thể làm cho các loại "sâu bọ" ký sinh trong cơ thể người "say rượu" mà chết đi.
Bên cạnh những ý nghĩa tốt đẹp trong ngày Tết diệt sâu bọ, cơm rượu nếp còn là món ăn đem lại nhiều lợi ích đối với sức khoẻ.
1. Giá trị dinh dưỡng của cơm rượu nếp
Cơm rượu nếp có nhiều giá trị dinh dưỡng hơn so với cơm khi nấu thường. Vì quá trình lên men giúp nâng cao giá trị dinh dưỡng của gạo do hoạt động của các vi sinh vật như vi khuẩn Lactic acid (LAB), nấm men và các loài trực khuẩn khác.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự sẵn có của các vi chất dinh dưỡng như phức hợp B, vitamin K, canxi, sắt, magiê, kali và selen tăng đáng kể trong gạo sau khi trải qua quá trình lên men. Cơm rượu nếp là một nguồn cung cấp Vitamin B6 và B12 dồi dào, rất hiếm trong chế độ ăn uống bình thường.
Cơm rượu nếp là một nguồn cung cấp Vitamin B6 và B12 dồi dào (Ảnh: Internet)
2. Lợi ích của cơm rượu nếp đối với sức khoẻ
Cơm rượu nếp là thực phẩm lên men. Những loại thực phẩm lên men đã được chứng minh đem lại nhiều lợi ích đối với sức khoẻ:
2.1. Tốt cho hệ tiêu hoá
Cơm rượu nếp được chế biến bằng cách ủ và để lên men. Nhờ đó, loại cơm này có chứa nhiều lợi khuẩn tốt cho hệ tiêu hoá như lactobacillus, giúp cải thiện vấn đề táo bón, góp phần ngăn ngừa một số bệnh đường ruột.
Ngoài ra, cơm rượu nếp có chứa chất xơ và axit lactic có tác dụng ngăn ngừa các tình trạng như đầy hơi, khó tiêu...
Trong y học cố truyền Siddha của Ấn Độ, gạo lên men và nước của nó được dùng để chữa loét dạ dày, đau bụng và táo bón.
2.2. Giảm căng thẳng
Nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn như cơm rượu nếp giúp giảm rối loạn tâm trạng, bao gồm căng thẳng và lo lắng cũng như trầm cảm. Ngoài ra, một nghiên cứu trên động vật gần đây cho thấy, những con chuột sau khi ăn gạo lên men đã giảm căng thẳng một cách đáng kể.
Những thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn như cơm rượu nếp giúp giảm rối loạn tâm trạng (Ảnh: Internet)
2.3. Giảm mệt mỏi
Khi hệ vi sinh vật của bạn khỏe mạnh, bạn sẽ có nhiều chất dinh dưỡng hơn cho toàn bộ cơ thể. Do đó, thực phẩm lên men như cơm rượu lên men cũng có thể làm giảm mệt mỏi bằng cách giúp cung cấp cho cơ thể đầy đủ các hợp chất dinh dưỡng.
Ăn cơm rượu lên men cũng có thể làm giảm mệt mỏi vì nó có cám gạo lên men trong đó. Một nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng việc ăn cám gạo lên men cũng giúp cải thiện sức chịu đựng.
2.4. Tốt cho sức khoẻ tim mạch
Dùng cơm rượu nếp cẩm có thể giúp giảm đáng kể lượng cholesterol có hại trong máu nên có lợi cho những người bị cao huyết áp hoặc các vấn đề tim mạch khác.
Bằng cách giảm huyết áp và mức cholesterol trong máu, cơm rượu nếp lên men có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim theo nghiên cứu về Thuốc thay thế và bổ sung BMC.
2.5. Tốt cho người bị tiểu đường
Thực phẩm lên men như cơm rượu nếp là món ăn tốt cho bệnh nhân tiểu đường vì quá trình lên men làm giảm lượng glucose đột biến mà bạn có thể nhận được sau khi ăn so với gạo bình thường.
Ngoài ra, một số loại cơm rượu được làm từ gạo nếp lứt hay nếp cẩm vẫn còn nguyên lớp vỏ cám bên ngoài nên chứa nhiều chất xơ , gluxit, vitamin nhóm B, protit, lipit cùng nhiều loại khoáng tố khác. Chúng giúp bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể, làm giảm lượng đường trong máu và ngăn ngừa bệnh tiểu đường.
Cơm rượu nếp giúp giảm lượng đường trong máu (Ảnh: Internet)
2.6. Giảm các yếu tố kháng dinh dưỡng
Gạo chứa các yếu tố kháng dinh dưỡng như lectin, phytates và các yếu tố ức chế trypsin. Quá trình lên men giúp làm giảm các chất kháng dinh dưỡng này và giúp cơ thể hấp thu tốt hơn các khoáng chất như canxi và sắt.
2.7. Tăng cường hệ miễn dịch
Vì cơm rượu nếp là một nguồn giàu men vi sinh nên nó có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch, vì men vi sinh có tác động đáng kể đến hệ thống miễn dịch của chúng ta.
Theo bài báo đăng trên "Thời báo Hindustan", một nghiên cứu sơ bộ do Viện Khoa học Y tế Toàn Ấn Độ (AIIMS) của Bhubaneshwar thực hiện trên Pakhala, chế độ ăn chủ yếu của người Odisha là gạo lên men, loại thực phẩm này chứa một phân tử giúp tăng cường khả năng miễn dịch.
3. Những lưu ý khi ăn cơm rượu nếp
Bên cạnh những lợi ích về mặt sức khoẻ, một số nhóm người không được khuyến khích ăn nhiều cơm rượu nếp vì có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ như:
- Người có thể trạng nóng vì cơm rượu nếp có tính nóng, đặc biệt những người bị nổi nhiều mụn trứng cá hoặc mụn nhọt không nên ăn nhiều thực phẩm này.
- Người gặp các vấn đề về dạ dày như đau dạ dày, đặc biệt không nên ăn khi đói
- Trẻ nhỏ
- Bệnh nhân bị dị ứng
- Người mắc bệnh chàm
Người có thể trạng nóng không nên ăn cơm rượu nếp (Ảnh: Internet)
4. Cách làm cơm rượu nếp
Mỗi một vùng miền có những cách làm cơm rượu nếp khác nhau, nhưng mọi người có thể dựa vào một số công thức phổ biến như:
4.1. Cách làm cơm rượu nếp kiểu miền Bắc
- Chuẩn bị:
+ 1 kg gạo nếp cẩm, mọi người nên chọn loại hạt mẩy, to đều, hạt còn nguyên vẹn và có vỏ trấu bên ngoài
+ 2 viên men rượu ngọt
+ Một ít đường
+ Lá sen hoặc lá rong
- Các bước thực hiện:
+ Đãi gạo sạch rồi đem ngâm qua đêm hoặc ngâm trong khoảng 6 tiếng
+ Sau đó, nấu nếp chín, dàn mỏng cơm ra một cái mâm sạch rồi để cho nguội hẳn. Lúc này bạn có thể đi giã men sao cho nhuyễn mịn.
+ Tiếp đó, lót một lớp lá sen hoặc lá rong dưới đáy nồi ủ, sau đó rải một lớp cơm lên trên rồi rắc men vào. Tiếp tục cho một lớp lá, một lớp cơm và men xen kẽ nhau cho đến khi hết nguyên liệu.
+ Sau cùng cho một lớp lá sen hoặc lá rong lên trên mặt thố, đập nắp kín lại, ủ nơi kín gió.
+ Vào mùa hè chỉ khoảng 2 – 3 ngày có thể dùng được cơm rượu nếp. Nếu vào mùa đông hoặc những ngày mưa lạnh, thời gian ủ có thể kéo dài nhưng cũng không quá 5 ngày. Cuối cùng, bạn gạn phần nước để riêng, cái cho vào tủ lạnh để dùng dần.
4.2. Cách làm cơm rượu nếp kiểu miền Nam
- Chuẩn bị:
+ Nửa cân gạo nếp
+ 6 viên men ngọt
+ 1 bát nước muối pha loãng hoặc nước lọc
+ Lá chuối
- Các bước thực hiện:
+ Đầu tiên, bạn cũng cần ngâm gạo nếp qua đêm để gạo mềm, ngon hơn.
+ Sau đó, đem hấp chín gạo hoặc nấu bằng nồi cơm điện. Lúc này, bạn có thể đem lá chuối rửa sạch, để ráo nước và dùng khăn sạch lau cho khô cả 2 mặt
+ Dàn mỏng cơm nếp ra một cái mâm và để nguội
+ Giã nhuyễn men rồi rải đều lên trên mặt cơm nếp
+ Nắm cơm thành những nắm tròn nhỏ. Xé một miếng lá chuối cuốn lại sao cho thật chặt tay. Lúc này bạn có thể nhúng tay vào chén nước muối để đỡ dính tay khi nắm cơm.
+ Lần lượt xếp những viên cơm nếp vào nồi, thố hay hũ mà gia đình có. Lưu ý rải một lớp lá chuối bên trên và dưới đáy hũ.
+ Đậy nắp thố lại, cuốn thêm một lớp nilon ở bên ngoài
+ Ủ từ 4 đến 6 ngày là có thể sử dụng. Bạn nên tách riêng phần cơm rượu và nước. Bảo quản cơm rượu trong tủ lạnh để ức chế quá trình lên men, giúp cơm rượu không bị cay quá mức.