Trong thập kỷ qua, những đổi mới công nghệ như giải trình tự gen đã cho phép các nhà khoa học nghiên cứu kỹ hơn về tế bào ung thư, từ đó điều chế vắc-xin có tính an toàn và hiệu quả cao hơn.
Những kết quả tích cực
Mới đây, nhà sản xuất vắc-xin Moderna thông báo rằng, vắc-xin mRNA chống lại u ác tính giai đoạn ba hoặc bốn do công ty này điều chế đã giúp giảm 44% nguy cơ tái phát ung thư da và tử vong ở bệnh nhân được tiêm vắc-xin kết hợp uống thuốc Keytruda.
Đây là loại thuốc giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, phản ứng chống lại các tế bào ung thư.
Kết quả trên cho thấy tính an toàn và hiệu quả khi cho bệnh nhân kết hợp tiêm vắc-xin và sử dụng thuốc điều trị.
Bà Nina Bhardwaj, chuyên gia về huyết học và ung thư y tế tại Trường Y khoa Icahn, (New York, Mỹ) cho biết, nghiên cứu về vắc-xin ung thư vẫn đang ở giai đoạn sơ khai. Tuy nhiên, kết quả từ các thử nghiệm lâm sàng của nhiều loại vắc-xin điều trị ung thư là đáng khích lệ.
Vắc-xin điều trị ung thư có cơ chế khá giống với vắc-xin mRNA điều trị Covid-19. Đó là tạo ra bản sao của các tế bào ung thư, đưa chúng vào hệ thống miễn dịch và giúp hệ thống học cách phát hiện, nhận biết và tiêu diệt mầm bệnh.
Cơ chế này là điểm khác biệt so với các liệu pháp điều trị ung thư khác như trị liệu bằng protein cytokine, kháng thể...
Với phương pháp điều chế mới, các nhà khoa học bày tỏ tin tưởng vắc-xin ung thư có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư có thể sống sót sau các phương pháp điều trị khác, ngăn khối u phát triển hoặc ngăn tế bào ung thư trở lại.
Để chế tạo vắc-xin, các nhà nghiên cứu lấy mẫu khối u và mô khỏe mạnh của bệnh nhân để thiết kế vắc-xin chứa kháng nguyên tương tự các khối u này. Sau đó, vắc-xin được tiêm vào cơ thể người.
Các kháng nguyên được tế bào đuôi gai và đại thực bào, hoạt động trong hệ thống miễn dịch, đưa đến các tế bào T, B và kích hoạt chúng mở ra cơ chế phát hiện và tiêu diệt ung thư.
Đơn cử, tế bào T mang một thụ thể có khả năng nhận biết và liên kết với các protein có trên bề mặt tế bào khối u. Sau khi liên kết, các tế bào T sử dụng lực cơ học để đục một lỗ xuyên qua tế bào khối u và tiêu diệt nó.
Vắc-xin ung thư chỉ đưa vào cơ thể người một lượng kháng nguyên vừa đủ để kích hoạt cơ chế nhận biết và tiêu diệt tế bào ung thư của tế bào T và B. Ngoài ra, vắc-xin không thể tạo ra tế bào T để góp phần loại bỏ các khối u lớn. Do đó, lý tưởng nhất là tiêm phòng khi khối u còn nhỏ.
Ngoài ra, để tăng sức mạnh của vắc-xin, các nhà khoa học thường kết hợp với các loại thuốc giúp tăng cường phản ứng miễn dịch chống lại khối u này.
Năm 2010, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt vắc-xin điều trị ung thư đầu tiên, gọi là Sipuleucel-T, để điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối. Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy, những bệnh nhân được tiêm vắc-xin Sipuleucel-T có thể sống thêm khoảng 4 tháng, dù khối u của họ vẫn giữ nguyên kích thước.
Các loại vắc-xin khác được phê duyệt chống lại virus như viêm gan B, virus u nhú... cũng được coi là vắc-xin trị ung thư vì chúng ngăn ngừa cơ thể nhiễm virus có thể dẫn đến ung thư gan, cổ tử cung, đầu và cổ.
Hiện nay, các nhà khoa học đang thử nghiệm hàng chục loại vắc-xin ung thư kết hợp với các liệu pháp miễn dịch khác. Họ đang nhắm đến nhiều loại ung thư khác nhau như ung thư da, vú, bàng quang, tuyến tiền liệt và tuyến tụy.
Liệu vắc-xin có đủ mạnh?
Các thử nghiệm vắc-xin ung thư mới đem lại hiệu quả lâm sàng.
Tuy nhiên, kết quả lạc quan này mới chỉ nằm ở nghiên cứu lâm sàng giai đoạn đầu. Bên cạnh niềm vui, sự phấn khích trong việc phát triển và thử nghiệm vắc-xin ung thư, một số nhà khoa học vẫn hoài nghi về tác dụng của vắc-xin mRNA.
Bác sĩ chuyên khoa ung thư Christopher Klebanoff, Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering, Mỹ, đặt ra câu hỏi liệu vắc-xin có bao giờ đủ mạnh để làm khối u co lại về mặt lâm sàng hay không.
Và liệu các giải pháp thay thế điều trị như sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế bào có phải chiến lược hiệu quả hơn? Dù vậy, bác sĩ Klebanoff vẫn mong đợi những thử nghiệm lâm sàng sẽ cho kết quả tích cực và giúp giới khoa học hiểu rõ hơn cơ chế cũng như phương pháp điều trị ung thư.
Còn nhà miễn dịch học tế bào Stephen Schoenberger, Viện Miễn dịch học La Jolla, Mỹ, phân tích: Hiện nay, các vắc-xin điều trị ung thư thường được thử nghiệm ở bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, những người đã được phẫu thuật cắt bỏ khối u và trải qua hóa trị hoặc xạ trị. Do đó, hệ thống miễn dịch của họ đã bị đánh bại nên khả năng điều trị của vắc-xin có thể không được chính xác.
Ông Schoenberger kiến nghị mở rộng quy mô thử nghiệm lâm sàng vắc-xin để tìm ra tình huống, giai đoạn sử dụng vắc-xin hiệu quả nhất.
TS Jinjin Chen, Trường Kỹ thuật Tufts, là đồng tác giả của nghiên cứu vắc-xin có khả năng loại bỏ khối u và ngăn ngừa tái phát ở chuột. Tuy nhiên, vị chuyên này cũng thừa nhận vắc-xin ung thư là một thách thức bởi vì các kháng nguyên khối u không phải lúc nào cũng giống như kháng nguyên trên virus và vi khuẩn. Ngoài ra, các khối u có thể chủ động ức chế phản ứng miễn dịch.
Đồng tình với quan điểm trên, nhà miễn dịch ung thư Lisa Butterfield, Trường Đại học California tại San Francisco, Mỹ, cảnh báo vắc-xin ung thư vẫn đang trong giai đoạn đầu thử nghiệm và cần thời gian để hoàn thiện.
“Giới khoa học còn rất nhiều việc phải làm để điều chế vắc-xin phòng ngừa và điều trị căn bệnh quái ác này”, bà Lisa bày tỏ.
Theo NatGeo