Những kết quả đặc biệt của ngành Y tế từ ngày triển khai Telehealth

Nguyễn Hà |

Kể từ khi hệ thống Telehealth do Tập đoàn Viettel phát triển chính thức được khai trương tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nền tảng này đã kết nối được hơn 1.100 điểm bệnh viện, với 4 bệnh viện hạng đặc biệt và 27 bệnh viện tuyến trên trong toàn quốc.

Những kết quả đặc biệt của ngành Y tế từ ngày triển khai Telehealth - Ảnh 1.

Thầy thuốc ưu tú, BS CK2 Nguyễn Tri Thức - Giám đốc BV Chợ Rẫy (TPHCM) hồi tưởng, những ngày đầu dịch COVID-19 vào Việt Nam. Bệnh viện Chợ Rẫy là nơi đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân nhiễm SARS-Cov-2 là 2 cha con người Trung Quốc đến từ Vũ Hán.

Lúc đó, bệnh viện tiến hành báo cáo trực tuyến với Bộ Y tế 2 lần/ngày, hội chẩn trực tuyến với Bộ Y tế và chuyên gia Viện Paster thông qua nền tảng trực tuyến có sẵn. Tuy nhiên, các buổi hội chẩn thời điểm đó chưa chính thức và chưa được tổ chức thường quy như bây giờ.

Những kết quả đặc biệt của ngành Y tế từ ngày triển khai Telehealth - Ảnh 2.

Đến thời điểm điều trị cho bệnh nhân 91 thì các buổi hội chẩn trực tuyến đã trở thành hoạt động chính thức, thường xuyên, quy tụ các chuyên gia nhiều lĩnh vực. BS Nguyễn Tri Thức cho biết gần như tuần nào cũng có từ 2 - 3 buổi hội chẩn toàn quốc với các giáo sư đầu ngành, bác sĩ và điều dưỡng trực tiếp điều trị cho bệnh nhân 91.

Theo BS Thức, điểm mấu chốt làm nên thành công kỳ diệu trong điều trị cho ca bệnh 91 là các buổi hội chẩn trực tuyến toàn quốc vì đã huy động được trí tuệ của tập thể của toàn ngành y tế. Nền tảng công nghệ trực tuyến Viettel Telehealth đã góp phần không nhỏ vào thành công này.

Từ tháng 5/2020, Bộ Y tế đã thường xuyên tổ chức các buổi hội chẩn toàn quốc để hội chẩn các ca bệnh COVID-19. Những bệnh nhân nặng ở giai đoạn đầu như BN19, BN91, ở giai đoạn sau như BN793, BN1045 và tất cả các bệnh nhân COVID-19 khác đều được báo cáo tình hình rất cụ thể trong các buổi hội chẩn trực tuyến. Tại mọi đầu cầu, các giáo sư, bác sĩ giỏi nhất trong từng chuyên môn sâu về hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, huyết học, dược, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, chuyên khoa phổi... đều tham dự.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, bình thường, để quy tụ được cùng lúc nhiều chuyên gia đầu ngành ở rất nhiều lĩnh vực như vậy không dễ. Nhưng nhờ có nền tảng trực tuyến chúng ta đã làm được điều đó. "Giá trị của các buổi hội chẩn trực tuyến rất lớn vì quy tụ được nhiều ‘khối óc lớn’. Và khi những bác sĩ giỏi nhất Việt Nam cùng hiệp đồng chiến đấu với COVID-19 thì tất cả các y bác sĩ, bệnh viện trong cả nước đều vững tin hơn rất nhiều" - PGS Lương Ngọc Khuê tự hào cho biết.

Trong một diễn biến khác, ngay từ đầu dịch Covid-19, Bệnh viện Nhi Trung ương đã trở thành đơn vị đầu tiên trên thế giới tổ chức buổi tập huấn liên quan đến phổ biến kiến thức nhằm ứng phó với COVID-19 có sự tham gia của 12.000 bác sĩ và nhân viên y tế tại 273 điểm cầu trên toàn thế giới với hệ thống Viettel Telehealth. Buổi tập huấn đã gây được tiếng vang trong thời điểm cả thế giới phải đối đầu với dịch.

Bắt nguồn từ buổi tập huấn này của Bệnh viện Nhi Trung ương, Tổ chức ECHO (Mỹ) đã triển khai một chuỗi các buổi tập huấn tiếp theo trên toàn thế giới, đến nay đã triển khai được 900 trung tâm tại 168 quốc gia… Kể từ thời điểm đó, BV Nhi Trung ương vẫn tiếp tục tổ chức nhiều cuộc tập huấn chuyên môn về COVID-19. Rất nhiều bệnh viện ở các tuyến tỉnh, tuyến huyện đã tham gia để nâng cao kiến thức về COVID-19.

Tương tự như Bệnh viện Nhi Trung ương, các bênh viện đầu ngành như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh việt Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy… cũng thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn chuyên môn về đối phó dịch Covid-19 với hệ thống Viettel Telehealth.

Những kết quả đặc biệt của ngành Y tế từ ngày triển khai Telehealth - Ảnh 3.

Ngày 6/8/2020, ca điều hành mổ tim trực tuyến đầu tiên của Việt Nam được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ dưới sự hỗ trợ của chuyên gia Bệnh viện Tim Hà Nội thông qua nền tảng Viettel Telehealth. BS Dương Xuân Phương - người trực tiếp cầm dao mổ cho biết, mổ tim là loại phẫu thuật phức tạp không phải bệnh viện tỉnh nào cũng mổ được.

Thời gian trước, bệnh viện Đa khoa Phú Thọ đã tiến hành nhiều ca mổ tim nhưng là có chuyên gia trực tiếp "cầm tay chỉ việc". Lần đầu tiên, dưới dự trợ giúp của Telehealth, BS Phương đã tự chủ ca mổ, chuyên gia vẫn hỗ trợ nhưng ở khoảng cách xa hơn 100km.

Những kết quả đặc biệt của ngành Y tế từ ngày triển khai Telehealth - Ảnh 4.

Đánh giá về sự giúp đỡ của chuyên gia thông qua nền tảng Telehealth, BS Phương cho biết, sự tham gia tư vấn từ xa của chuyên gia là rất quan trọng. Đôi khi trong quá trình thực hiện phẫu thuật, có những tình huống ngoài dự kiến, khó, bất thường thì có khi điều này góp gần 100% vào sự thành công.

GS.TS Trần Bình Giang - GĐ BV Hữu Nghị Việt Đức cho hay, bệnh viện đã tiến hành tư vấn phẫu thuật trực tuyến cho các bệnh viện tuyến dưới từ 15 năm nay, nhưng đến đầu tháng 9/2020, mọi việc có sự thay đổi lớn với Viettel Telehealth. Nếu như trước đây, việc kết nối với vài bệnh viện đã mất thời gian hàng tuần và cần cả trăm kỹ thuật viên túc trực thì với công nghệ mới, mọi thứ đều tự động và thực hiện được với những ca mổ đòi hỏi kỹ thuật rất cao.

Giám đốc Bệnh viện Việt Đức nhận xét: "Hệ thống Khám chữa bệnh trực tuyến này sẽ cung cấp một flatform để tạo thành một thế giới phẳng trong y tế. Từ trung tâm y tế cấp huyện, xã cũng có thể lên hệ thống này hỏi ý kiến của chuyên gia ở tuyến trung ương. Như thế, chúng ta đã xoá nhoà được khoảng cách địa lý, xoá nhoà được sự phân cấp tuyến này tuyến kia, tất cả đều trên một mặt phẳng".

Ngày 23/9, ngay sau khi khai trương hệ thống Telehealth, BV Chợ Rẫy đã tiến hành hội chuẩn ca bệnh với các bác sĩ tại trung tâm Y tế huyện Côn Đảo. BS CK2 Nguyễn Tri Thức - Giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết, trước đây, BV Chợ Rẫy vẫn tiến hành các buổi đào tạo, tư vấn tới tận các cơ sở y tế tận tuyến huyện, nhưng đây vẫn là lần đầu tiên BV có thể vươn cánh tay mình tới tận vùng hải đảo xa xôi.

Những kết quả đặc biệt của ngành Y tế từ ngày triển khai Telehealth - Ảnh 5.

Đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020 – 2025 của Bộ Y tế được xây dựng với quan điểm chủ đạo là "Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa" với kỳ vọng tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến, dù ở tuyến nào cũng được hỗ trợ chuyên môn như nhau.

Để xây dựng đề án này, Bộ Y tế nhận được sự hỗ trợ lớn từ Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) – thành viên của Tập đoàn Viettel. Ông Nguyễn Mạnh Hổ, CEO Viettel Solutions cho biết, dự án nền tảng Khám chữa bệnh từ xa đã được nghiên cứu trong vòng 5 năm. Thời điểm diễn ra dịch Covid-19 là một "cú hích" giúp dự án được đẩy mạnh phục vụ công cuộc chống dịch. Tuy nhiên, Telehealth không chỉ có vai trò trong thời điểm diễn ra dịch Covid mà sau này vẫn phát huy được những tác dụng lớn trong công tác khám chữa bệnh nói chung.

Những kết quả đặc biệt của ngành Y tế từ ngày triển khai Telehealth - Ảnh 6.

Trong lễ khai trương Trung tâm hỗ trợ tư vấn, khám chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Telehealth là một nền tảng cho chuyển đổi số cho ngành y tế. "Muốn chuyển đổi số thì cách nhanh nhất là dựa trên các nền tảng, hàng chục nghìn cơ sở y tế với một nền tảng, không phải hàng chục nghìn phần mềm khác nhau nên triển khai rất nhanh, đồng nhất và đỡ tốn kém", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, với sự trợ giúp của nền tảng trực tuyến Telehealth, ngành y tế sẽ phát huy một cách cao nhất chất lượng khám chữa bệnh. "Thông qua nền tảng trực tuyến, chúng ta sẽ tận dụng hết chuyên môn, trí tuệ của thầy thuốc tuyến trên, giúp thầy thuốc tuyến dưới thêm vững tay nghề, người bệnh được hưởng lợi y tế chất lượng tại cơ sở", Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

PGS.TS.BS. Nguyễn Sinh Hiền - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội chia sẻ về con đường trở thành phẫu thuật viên chính của mình, ông phải mất 15 năm kể từ lúc học ở Đại học Y Hà Nội đến lúc làm bác sĩ nội trú, đi tu nghiệp ở Pháp… Cũng vì thế, BS Hiền ví Telehealth như một cuộc cách mạng trong ngành y, là cơ hội để rút ngắn thời gian học tập của các phẫu thuật viên chuyên ngành tim mạch.

"Chúng tôi từng chỉ có một cách duy nhất để truyền đạt kiến thức cho các thế hệ sau là ‘cầm tay chỉ việc’, rồi đến chỉ dẫn qua chiếc điện thoại di động. Ngày nay, khi áp dụng Telehealth, chúng tôi có thể trao đổi với nhau qua hình ảnh thực, âm thanh thực. Các ý tưởng, nội dung muốn truyền đạt đều diễn ra ngay lập tức, không còn khoảng cách địa lý", BS Nguyễn Sinh Hiền nói.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại