Người bệnh tiểu đường nếu tuân theo những điều nên và không nên sau đây sẽ giúp bạn hạn chế đáng kể bệnh tiểu đường tiến triển nặng hơn.
Nên: Tập thể dục
Tập thể dục giúp bạn duy trì cân nặng phù hợp và làm giảm các nguy cơ biến chứng của bệnh tiểu đường, đồng thời, giữ các chỉ số trong tầm kiểm soát. Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh (CDC) tại Mỹ khuyến nghị mọi người nên dành 30 phút mỗi ngày để rèn luyện thể dục (như đi bộ) để tăng cường sức khỏe.
Hãy lựa chọn hoạt động bạn yêu thích để có thể dễ dàng biến hoạt động đó thành thói quen hàng ngày. Việc tập luyện với bạn bè cũng sẽ là một cơ hội để gặp gỡ lẫn nhau và có nhiều niềm vui hơn. Nếu thích tập một mình, bạn có thể đeo tai nghe để nghe nhạc trong lúc tập.
Nên: Bỏ thuốc lá
Bỏ thuốc lá là điều rất tốt mà bạn có thể làm để cải thiện sức khỏe của mình. Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao đối với các bệnh về tim và chứng đột quỵ, trong khi đó hút thuốc sẽ làm gia tăng thêm các nguy cơ này. Vì vậy, hãy lên kế hoạch bỏ thuốc từ ngay từ hôm nay.
Nên: Tiêm phòng cúm
Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ tử vong hoặc nhập viện khi bị cảm cúm cao gấp ba lần những người không mắc bệnh. Các triệu chứng và biến chứng của bệnh tiểu đường khiến bạn dễ nhiễm cúm và bị ảnh hưởng bởi tác nhân cúm hơn so với những người khác.
Ví dụ, chỉ số đường trong máu cao sẽ làm giảm khả năng chống nhiễm trùng của hệ thống miễn dịch.
Thêm vào đó, việc tổn thương dây thần kinh (một biến chứng của tiểu đường) làm tăng nguy cơ tổn thương tại bàn chân, từ đó khiến vi khuẩn và vi rút dễ dàng xâm nhập hơn vào cơ thể. Vì vậy, tiêm phòng cúm khi mùa cúm bắt đầu là cách tốt nhất để giúp bạn phòng tránh bệnh cúm.
Nên: Uống thuốc thường xuyên và kiểm tra lượng đường trong máu
Khoảng 50% người mắc bệnh tiểu đường tại Mỹ không uống thuốc điều độ. Có nhiều lý do cho việc này như người bệnh không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng hoặc hiểu nhầm về các tác dụng phụ thuốc, không theo dõi tình trạng bệnh hoặc không có đủ nguồn lực tài chính để sử dụng thuốc đều đặn.
Tuy nhiên, việc biết tác dụng của mỗi loại thuốc là gì và cách uống thuốc như thế nào rất quan trọng.
Để kiểm soát bệnh, bạn cũng cần thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu và xác định các yếu tố như tập thể dục, tâm trạng căng thẳng và việc ăn một số loại thức ăn nhất định sẽ ảnh hưởng đến chỉ số này ra sao.
Nếu như không rõ về tác dụng, cơ chế của các loại thuốc đang uống, bạn nên trao đổi với bác sĩ để có chỉ dẫn cụ thể.
Nên: Ngủ nhiều hơn
Thói quen ngủ và lượng đường trong máu có liên quan với nhau. Nếu bạn không ngủ đủ giấc, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, nhanh đói hơn và từ đó ăn nhiều hơn.
Những người ngủ ít thường ăn các đồ ăn nhanh hoặc các món không có lợi cho sức khỏe nằm ngoài thực đơn của người bị tiểu đường. Do đó, hãy cố gắng ngủ tối thiểu 7 tiếng mỗi đêm.
Không nên: Uống đồ uống có đường
Nước giải khát, nước tăng lực thường có nhiều đường và có thể làm cho lượng đường trong máu của bạn tăng đột biến. Mỗi lon nước uống này có thể chứa đến 40 gram đường! Ngoài ra, những người tiêu thụ nhiều đồ uống có đường có nhiều khả năng bị thừa cân và dẫn đến việc giảm cân trở nên khó khăn hơn.
Các loại nước ngọt dành cho người ăn kiêng cũng là lựa chọn tốt để hạn chế tăng lượng đường trong máu nhưng lại có thể dẫn đến các vấn đề về cân nặng. Nước lọc là phương án giúp bạn bù nước và giải khát hiệu quả nhất.
Không nên: Ăn quá nhiều đồ chiên nướng
Đồ chiên nướng là món ăn yêu thích của nhiều người. Tuy nhiên, việc ăn đồ chiên nướng quá nhiều sẽ ảnh hưởng rất xấu đến bệnh tiểu đường của bạn.
Chỉ cần một lượng nhỏ đồ chiên nướng cũng có thể chứa một lượng lớn carbohydrat. Vì vậy nếu bạn định ăn đồ chiên nướng, hãy ăn một lượng nhỏ và giới hạn bản thân chỉ ăn trong lượng đó.
Không nên: Ăn nhiều tinh bột
Nếu bạn ăn nhiều đang ăn rất nhiều cơm và ăn ít đồ chứa protein trong bữa chính, bạn nên thay đổi khẩu phần ăn để cải thiện tình trạng bệnh tiểu đường. Các bữa ăn chứa nhiều carbohydrat khiến bạn nhanh đói và muốn tiếp tục ăn, đồng thời, carbohydrat cũng là thủ phạm làm tăng lượng đường trong máu.
Bạn nên ăn nhiều rau, hoa quả và các thực phẩm có lợi sức khỏe khác để kiểm soát bệnh tiểu đường. Nếu cần bạn có thể tìm kiếm sự tư vấn từ các chuyên gia dinh dưỡng để thiết lập khẩu phần ăn phù hợp.
Không nên: Bỏ bữa
Bỏ bữa ăn có thể dẫn đến tình trạng hạ đường huyết nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường.
Trong khi những người tiểu đường cần ăn ít nhất ba bữa một ngày, rất nhiều người bệnh nhận thấy rằng việc ăn ít hơn nhưng nhiều lần hơn trong ngày không chỉ giúp họ kiểm soát lượng đường trong máu mà còn giúp họ quản lý thói quen ăn uống tốt hơn.
Không nên: Lo lắng
Một số người thay đổi cuộc sống của mình hoàn toàn sau khi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Một số người khác thì chỉ cần thực hiện một số điều chỉnh quan trọng nhất định. Bệnh tiểu đường không hẳn giới hạn cuộc sống của bạn nhưng bạn cần nâng cao hiểu biết và kiến thức về căn bệnh này.
Hãy luôn mang theo mình một số đồ ngọt (kẹo cứng) để đề phòng trường hợp bạn bị hạ đường huyết. Các dụng cụ kiểm tra, kim tiêm, insulin nên được cất riêng và có thể mang theo khi bạn đi du lịch.
Nhiều người nhanh chóng nắm được cách tự tiêm insulin cho mình. Khi kiểm soát được bệnh tiểu đường, bạn vẫn hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh và tận hưởng cuộc sống.
*Theo healthguides