Những điều cần biết về bệnh tim bẩm sinh Tứ chứng Fallot

Thảo Vi |

Bệnh Fallot 4 gặp ở 3 trên 1.000 trẻ đang sống và chiếm 7-10% tất cả các bệnh tim bẩm sinh, nếu không được can thiệp sớm tỉ lệ tử vong rất cao.

Tứ chứng Fallot hay còn gọi là Fallot 4 là một bệnh tim bẩm sinh khá phổ biến tại nước ta. Trước kia, bệnh Fallot 4 có tỷ lệ tử vong lên đến 50% khi trẻ được 6 tuổi. Nhưng đến thời điểm hiện tại, những bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh Fallot 4 hoàn toàn có khả năng sống một cuộc sống khỏe mạnh nhờ sự tiến bộ của y khoa cũng như trình độ của các bác sĩ.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ khái niệm bệnh cũng như những dấu hiệu thường gặp và các hệ quả của Fallot 4, đặc biệt là ở trẻ em.

Trong buổi livestream của chương trình Trái tim cho em, Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Quỳnh Nga – Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Tim Hà Nội đã chia sẻ về những kiến thức cần biết của bệnh tim Fallot 4 cũng như cách chăm sóc phù hợp cho các bệnh nhi.

Bệnh tim bẩm sinh Fallot 4 có 3 dấu hiệu nhận biết:

- Trẻ mắc bệnh Fallot 4 sẽ có các biểu hiện tím, da không được hồng mà tím xanh, còn xuất hiện ở đầu ngón tay, niêm mạc mắt hoặc miệng, quanh môi.

- Trẻ có dấu hiệu ngón tay, ngón chân dùi trống bị phình.

- Trẻ có biểu hiện suy dinh dưỡng, thường lên cơn tím do tình trạng thiếu oxy cực phát.

Bệnh tim bẩm sinh Fallot 4 có 4 dị tật:

- Có lỗ thông liên thất: Có 1 lỗ giữa 2 buồng thất trong vách liên thất.

- ĐMC bị dịch chuyển ra phía trước, không liền với vách liên thất – ĐMC "cưỡi ngựa" trên vách liên thất.

- Hẹp phổi, hẹp van, hẹp đường từ thất phải lên phổi.

- Phì đại thất phải.

Bệnh tim Fallot 4 có mức độ hẹp van theo tiến triển. Nhiều trẻ mới đẻ thì đường van bình thường, nhưng càng lớn càng hẹp.

Chính vì vậy, nhiều gia đình không phát hiện ra bệnh hay phát hiện bệnh muộn con sẽ có nguy cơ máu cô đặc do thiếu oxy dẫn đến tắc mạch, nặng nhất là tắc mạch não, gọi là APSE não. Khi mà bệnh phát hiện muộn thì càng có nhiều biến chứng. Nếu không cấp cứu kịp, rất có thể sẽ bị tử vong.

Với các mẹ đang đang trong thời gian thai kỳ, thời điểm siêu âm tim thai tốt nhất để phát hiện ra dị tật là từ tuần 18-22 trong bụng mẹ. Trường hợp bố, mẹ đã từng bị tim bẩm sinh thì khả năng con bị mắc tim bẩm sinh cao hơn.

Khi mẹ bị nhiễm virus, đặc biệt là Rubella hoặc dinh dưỡng kém, bị tiểu đường thì nên đi siêu âm tim thai để xem con có bị mắc bệnh tim bẩm sinh không. Khi được đánh giá, bác sĩ có thể thảo luận hướng giải quyết cùng gia đình. Bên cạnh đó, bạn cũng nên đi khám ở nhiều trung tâm để có thể có chẩn đoán chính xác và phù hợp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại