Tuần vừa qua, Hải quân Mỹ đã tiếp nhận chiếc tàu sân bay mới nhất USS Gerald R. Ford với nhiều tính năng được cho là hướng tới tương lai, nhưng cũng tiêu tốn ngân sách của Mỹ hơn 12,8 tỷ USD và thời gian tiếp nhận tàu chậm hơn so với kế hoạch 1 năm.
Theo đúng những con số được công khai, chi phí cho USS Gerald R. Ford đã tăng hơn 20% so với dự kiến và chi phí phát triển lớp tàu sân bay mới này đã tăng tới 4,7 tỷ USD so với kế hoạch ban đầu.
"Để so sánh, đến khi USS Gerald R. Ford chính thức vào phục vụ vào năm 2020, chi phí dành cho tàu sân mới này sẽ tương đương khoảng 1/3 so với tổng chi phí quốc phòng tương ứng của Liên bang Nga (khoảng 55,3 tỷ USD)", chuyên gia hãng tin Russia Today, Alexei Zakvasin nhận định.
Chi phí dành cho USS Gerald R. Ford chính là "hố đen không đáy" của ngân sách quốc phòng Mỹ trong vài năm tới. Điều này cùng phần nào ảnh hưởng tới xu hướng tăng ngân sách quốc phòng của Mỹ trong tương lai.
Dự kiến, tới năm 2018, chi phí quốc phòng của Mỹ có thể tăng lên mức 672 tỷ USD, con số này gấp 5 lần so với quốc gia "mạnh chi" cho quốc phòng là Trung Quốc với 147 tỷ USD.
Tuy nhiên, với ngân sách quốc phòng đứng đầu thế giới, nhưng Quân đội Mỹ vẫn không được trang bị những công nghệ tương xứng, do nhiều chương trình phát triển vũ khí quá phiêu lưu mà quốc gia cờ hoa đang phải đối mặt.
"Hằng năm, Mỹ chi hàng tỷ USD vào các chương trình vũ khí tương lai, nhưng không phải lúc nào số tiền đó cũng phát huy hiệu quả rõ ràng", chuyên gia A. Zakvasin đánh giá.
Tàu sân bay thế hệ mới vẫn chưa thể hoạt động trước năm 2020
Quá trình phát triển tàu sân bay thế hệ mới thay thế cho lớp Nizmis đã kéo dài suốt 40 năm qua. Kết quả của quá trình này là chiếc USS Gerald R. Ford xuất hiện vào năm 2013. Tuy nhiên, dù quá trình phát triển kéo dài như vây, nhưng chiếc USS Gerald R. Ford sẽ chưa sẵn sàng hoạt động trước năm 2020.
Tàu sân bay lớp Gerald R. Ford.
"Thực tế là USS Gerald R. Ford chưa có máy bay chiến đấu hoạt động trên nó. Nếu như trang bị các đơn vị F/A-18E / F Super Hornet và F-35C trên tàu sân bay mới, chi phí hoạt động của nó sẽ ngay lập tức tăng thêm 14 tỷ USD", giới chuyên gia quân sự Mỹ đánh giá.
Ngoài ra, ngay khi chưa vào hoạt động chính thức, nhiều chuyên gia đã phát hiện nhiều vấn đề nghiêm trọng trong thiết kế của tàu. Đầu tháng 6-2017, các chuyên gia thuộc Lầu Năm góc đã phát hiện các vấn đề trong hệ thống phóng máy bay và tiếp đạn dược trên USS Gerald R. Ford.
Nếu các vấn đề này không được giải quyết và khắc phục sớm, nó sẽ tạo ra chi phí bổ sung cho các tàu sân bay lớp G. Ford sau này, mà cụ thể là chiếc John F. Kennedy dự kiến được hạ thủy năm 2018.
Chi hơn 1.500 tỷ USD phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5
Một trong những chương trình quân sự tốn kém nhất hiện nay của Lầu năm góc chính là chương trình phát triển máy báy chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 Lightning II. Không hiểu vì lý do tại sao, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Mỹ lại có nhiều nét giống với thiết kế của máy bay chiến đấu Yak-141 do Liên Xô phát triển trong những năm 1980.
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 Lightning II.
Nguyên mẫu đầu tiên của F-35 được giới thiệu từ đầu những năm 2000. Sau 17 năm, các vấn đề kỹ thuật của dòng máy bay thế hệ thứ 5 này vẫn chưa được khắc phục triệt để. Quá trình phát triển F-35 chậm trễ đã buộc Không quân Hải quân Mỹ phải phụ thuộc vào dòng máy bay chiến đấu cũ Super Hornet, còn Không quân Mỹ là F-15C Eagle và F-22 Raptor.
"Nếu khẳng định được niềm tin vào đặc tính kỹ thuật của máy bay F-35, thì Không quân Mỹ có thể tự tin nói về cuộc cách mạng trong lĩnh vực hàng không quân sự", nhiều chuyên gia quân sự nhận định.
Hiện tại, giới chuyên gia quân sự đang đặt nghi vấn vào đặc tính kỹ-chiến thuật của F-35 theo lời hãng chế tạo Lockheed Martin quảng bá, cũng như khả năng dòng máy bay thế hệ thứ 5 có khả năng tàng hình này có vượt qua được hệ thống phòng không S-400 Triumph của Nga hay không.
Với tình trạng hiện tại, chi phí phát triển của F-35 sẽ sớm vượt qua mốc 1.508 tỷ USD trong 5 năm tới. Trong khi đó, người Nga có thể bỏ ra chi phí rất nhỏ để đối phó với sự ra đời của các tổ hợp phòng không S-400 và sắp tới là S-500 Prometheus.
Hệ thống phòng thủ tên lửa kém hiệu quả
Mỹ đã công khai tham vọng phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia từ những năm 1960. Thực tế nay đã hiện thức bằng Hiệp ước phòng thủ tên lửa ABM ký với Liên Xô năm 1972. Tới gần đây, năm 2001, Washington đã quyết định rút khỏi ABM. Tuy nhiên, dù chi hàng tỷ USD cho chương trình phòng thủ này, Lầu Năm góc vẫn không thu được kết quả đáng kể.
Tổ hợp phòng thủ tên lửa Aegis Asshore.
Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đang phải dựa vào tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm cao giai đoạn cuối THAAD và tên lửa đánh chặn SM-3 cùng tổ hợp Aegis, nhưng hiệu quả vẫn là dấu hỏi lớn.
Tiếp tục đầu tư vào các chương trình phòng thủ tên lửa, năm 2017, Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ tiếp tục yêu cầu tăng ngân sách thêm 379 triệu USD, lên mức 7,9 tỷ USD cho các chương trình phòng thủ tên lửa đang thực hiện. Nhưng một điều có thể thấy rõ ràng, nước Mỹ hiện vẫn dễ tổn thương trước các vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo.
Giới chuyên gia Mỹ nhận định, hệ thống ABM hiện tại của Mỹ chưa chắc đã đủ khả năng đối phó với các vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa đơn lẻ, chứ chưa kể tới khả năng bị tập kích quy mô bằng hàng loạt tên lửa đạn đạo từ các đối thủ tiềm năng như Nga và Trung Quốc.
Thậm chí, ABM của Mỹ đang bó tay khi đối phó với các dòng tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn tự cơ động quỹ đạo như Yu-71 Nga trang bị trên các dòng ICBM tương lai RS-28 Sarmat.
Tiêu tốn hàng tỷ USD cho "chương trình chiến binh tương lai"
Năm 2016, Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Mỹ xác nhận, Lầu Năm góc đã chi tới 51,2 tỷ USD cho 15 chương trình vũ khí thế hệ mới từ đầu những năm 2000, nhưng không đạt được bất kỳ kết quả nào đáng kích lệ.
Theo đó, Mỹ đã chi tới 18,2 tỷ USD cho chương trình Future Combat Systems; 7,9 tỷ USD cho máy bay trinh sát tàng hình RAH-66 Comanche… và nhiều chương trình khác, nhưng kết quả của chính hiện tại đang "đổ sông, đổ biển".
Robot vận tải BigDog.
Tổ hợp vũ khí la-de phòng thủ tên lửa không quân YAL-1A.
Trái ngược với tuyên bố của Lầu Năm góc về các chương trình robot hỗ trợ chiến đấu lục quân đang phục vụ tại chiến trường Afghanistan và Trung Đông, giới chuyên gia khẳng định, chưa có chương trình robot tự hành nào Lầu Năm góc thực hiện được coi là thành công. Hầu hết chúng đều gặp vấn đề lớn về kỹ thuật và buộc phải tạm dừng để cải thiện.
Cụ thể nhất là chương trình robot hậu cần do Boston Dynamics phát triển. Với tham vọng tạo ra dòng robot vận tải chiến trường với tên gọi BigDog và AlphaDog. Tuy nhiên, do quá trình hoạt động, thiết bị phát ra tiếng ồn lớn và hiệu quả không cao đã buộc chương trình phải tạm đình chỉ.
Giới chuyên gia quân sự nhận định, một phần cho sự "phung phí" của Lầu Năm góc là do cơ quan này không có đối thủ thực tế trong quá trình phát triển các dự án quân sự vốn không có ứng dụng nhiều trong đời sống hằng ngày.
Nói cách khác, đây chính là vị thế độc quyền, khi không có đối thủ cạnh tranh và vấn đề này sẽ tiếp tục nếu giới chức quân sự Mỹ không có những điều chính thích hợp.