LTS: Hiện nay các quốc gia có tiềm lực khoa học công nghệ cũng như kinh tế đang tích cực đầu tư vào phát triển vũ khí siêu vượt âm.
Cuộc chạy đua này đang ngày càng trở lên khốc liệt. Dưới góc nhìn của Trung tá Trịnh Ngọc Tiến - Trường Đại học Chính trị (Bộ Quốc phòng), chúng ta cùng điểm qua những chương trình phát triển vũ khí tiêu tốn lắm tiền, nhiều của này của một số quốc gia có tiềm lực quân sự hàng đầu thế giới.
Kỳ 1: Mỹ nhận quả đắng là ông lớn "đi trước, về sau"
Kỳ 2: Nga nổ tiếng sét giữa trời quang - Bứt phá ngoạn mục
---
Kỳ cuối: Copy ý tưởng của Mỹ - Trung Quốc âm thầm vượt lên
Đối diện với hệ thống phòng thủ tên lửa ngày càng được tăng cường của Mỹ, Trung Quốc bức thiết đòi hỏi phải có sự đột phá về kỹ thuật đối với phương tiện bay siêu vượt âm, nhằm tăng cường năng lực đối kháng và xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Xuất phát từ những yêu cầu bức thiết, với mục tiêu rõ ràng, sự đầu tư ổn định, khiến Trung Quốc vượt lên trên trong lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm cũng là điều không nằm ngoài dự đoán.
Từ copy ý tưởng tấn công nhanh toàn cầu phiên bản Mỹ
Sau khi Mỹ xây dựng nền tảng lý luận cho học thuyết tấn công nhanh toàn cầu, từ đó thúc đẩy sự phát triển của vũ khí siêu vượt âm và là động lực để các quốc gia khác (trong đó có Trung Quốc) phát triển vũ khí siêu vượt âm của mình.
Năm 2002, lấy cớ từ mối nguy cơ bị tiến công bằng tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên và Iran; Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (gọi tắt là Hiệp ước ABM) được Mỹ và Liên Xô (cũ) ký năm 1972.
Sau khi rút khỏi ABM, Mỹ ồ ạt triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa chống tên lửa đạn đạo như: Hệ thống tầm thấp giai đoạn cuối Patriot, hệ thống tầm cao giai đoạn cuối THAAD của lục quân; hệ thống tầm cao giai đoạn giữa Aegis/Standard SM-3 của hải quân.
Nguy cơ hơn là việc Mỹ đã triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa ở các căn cứ nằm ngay sát nách Trung Quốc đã làm các hệ thống tên lửa chiến lược của Trung Quốc vốn mỏng yếu (so với Mỹ và Nga) lại càng gặp khó khăn khi triển khai các phương án tiến công.
Điều đó càng thúc đẩy Trung Quốc đầu tư vào vũ khí siêu vượt âm, nhằm vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ đang vây quanh Trung Quốc.
Hệ thống tầm cao giai đoạn cuối THAAD.
Và cuộc đua của Trung Quốc
Hiển nhiên, trong lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm, Trung Quốc cũng không thể đứng ngoài, với sự tăng trưởng ngân sách quốc phòng ở mức 2 con số trong những năm vừa qua, đã tạo điều kiện cho Trung Quốc đầu tư mạnh mẽ vào vũ khí siêu vượt âm.
Theo truyền thông Trung Quốc đưa tin, Học viện khoa học và công nghệ không gian vũ trụ Trung Quốc, nơi đầu tàu về nghiên cứu các thiết bị vũ trụ của Trung Quốc nói rằng, Trung Quốc đã nắm bắt được kỹ thuật liên quan của phương tiện bay siêu vượt âm.
Kỹ thuật này đã được ứng dụng trong nhiều loại tên lửa đạn đạo của TQ, đặc biệt là sự thành công trong nghiên cứu chế tạo đầu đạn cơ động của tên lửa tấn công chính xác tầm trung/tầm xa thông dụng, khiến Trung Quốc đã vượt qua tên lửa đạn đạo tầm trung Pershing II nổi tiếng của Mỹ về trình độ kỹ thuật trong những lĩnh vực liên quan.
Hiện nay tại Học viện khoa học và công nghệ không gian vũ trụ Trung Quốc đã đang đi từ mô phỏng đơn thuần đến tự chủ sáng tạo. Họ đang nghiên cứu chế tạo phương tiện bay cơ động cánh lượn siêu vượt âm có trình độ kỹ thuật cao hơn, tính năng tiên tiến hơn.
Nếu nhất định phải làm một phép so sánh về lĩnh vực khí động học tốc độ siêu vượt âm thì Trung Quốc đã sớm vượt qua ngưỡng cửa của đầu đạn cơ động Pershing II nổi tiếng của Mỹ, đồng thời đang hướng tới một trình độ cao hơn.
Theo trang mạng "Free Beacon" của Mỹ đưa tin: đến năm 2016, phương tiện bay siêu vượt âm WU-14 của Trung Quốc đã tiến hành 6 lần thử nghiệm thành công.
Sự thành công liên tiếp trong thử nghiệm WU-14 đã chứng minh về tính khả thi và tính hiệu quả của kỹ thuật thiết kế hệ thống khí động động học trong phương tiện bay cánh lượn vượt siêu thanh của Trung Quốc.
Thể hiện sự tiến bộ của Trung Quốc về năng lực thiết kế khí động học tốc độ siêu vượt âm, đặt nền móng cho việc sử dụng thực tế vũ khí tấn công chiến lược siêu vượt âm của Trung Quốc trong tương lai.
Sự tiến bộ về trình độ thiết kế khí động học siêu vượt âm của Trung Quốc đương nhiên là điều đáng vui mừng. Nhưng đối với vũ khí tấn công chiến lược tầm xa siêu vượt âm mang tính thực dụng, vấn đề bảo vệ nhiệt khi bay tốc độ cao với thời gian dài trong tầng khí quyển vẫn tạo ra một thách thức rất lớn.
Năm 2016 Trung Quốc đưa tin: đội ngũ nghiên cứu của họ đã hóa giải được vấn đề khó mang tầm cỡ thế giới này, đó là vấn đề bảo vệ nhiệt cho phương tiện bay vượt siêu âm trong điều kiện nhiệt độ cực đoan. Từ những thông tin của nhà chức trách cho thấy, Trung Quốc đang làm chủ những kỹ thuật then chốt của vũ khí siêu vượt âm.
Học viện Công nghệ không gian vũ trụ Trung Quốc lần đầu tiên trên thế giới đưa ra khái niệm riêng về làm mát màng khí chủ động hiệu quả cao của phương tiện bay siêu vượt âm.
Họ đã tiến hành nghiên cứu phân tích nhiều môi trường vật lý của trạng thái plasma, nhiệt và động lực không khí trong điều kiện tốc độ đạt 20M, thông qua kết hợp sử dụng nguồn lạnh chế tạo sẵn và màng khí kiểu chủ động dưới các môi trường vật lý của trạng thái plasma, khí, nhiệt… để giải quyết có hiệu quả vấn đề bảo vệ nhiệt cho phương tiện bay siêu thanh.
Đồ họa phương tiện bay siêu vượt âm WU-14 của Trung Quốc.
Điều này khiến Trung Quốc có thể trở thành quốc gia "nặng ký" sớm sở hữu phương tiện bay tấn công nhanh toàn cầu.
Việc Học viện công nghệ không gian vũ trụ Trung Quốc lần đầu tiên giải quyết được vấn đề khó khăn mang tầm cỡ thế giới, đã cho thấy kỹ thuật làm mát bằng màng khí chủ động hiệu quả cao này đã không chỉ là khái niệm nói suông trên giấy, mà đã có công trình nghiên cứu và được tiến hành thử nghiệm trên thực tế.
Về phương diện vật liệu, chúng ta có thể phán đoán rằng, phương tiện bay siêu vượt thanh mà Trung Quốc đang nghiên cứu chế tạo rất có thể sử dụng vật liệu hỗn hợp carbon hoặc hợp chất Ceramics (nguyên liệu gốm hỗn hợp).
Bất luận Trung Quốc đã tiến hành bay thử nghiệm hay chưa thì sự tiến bộ về kỹ thuật này cũng đã xua tan mối lo ngại lớn cho những dự án nghiên cứu tương tự.
Rất có thể, tiến độ nghiên cứu chế tạo phương tiện bay vượt siêu thanh của Trung Quốc trong tương lai sẽ vượt qua Mỹ.
Từ khi chỉ là sự copy ý tưởng cho đến khi bắt kịp và vượt qua Mỹ như hiện nay, đó là bước nhảy vọt rất lớn về mặt kỹ thuật. Nhưng phân tích một cách tỷ mỉ thì đó lại là điều đương nhiên, hợp quy luật logic phát triển.
Đối diện với hệ thống phòng thủ tên lửa ngày càng được tăng cường của Mỹ, Trung Quốc bức thiết đòi hỏi phải có sự đột phá về kỹ thuật đối với phương tiện bay siêu vượt âm, nhằm tăng cường năng lực đối kháng và xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Xuất phát từ những yêu cầu bức thiết, với mục tiêu rõ ràng, sự đầu tư ổn định, khiến Trung Quốc vượt lên trên trong lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm cũng là điều không nằm ngoài dự đoán.
Nếu Trung Quốc dẫn đầu và sớm đưa vào sử dụng vũ khí siêu vượt âm sẽ làm thay đổi rõ rệt cục diện chiến lược của Trung Quốc đối với Mỹ và các nước khác. Nó sẽ làm suy yếu, thậm chí làm "mất đi" nỗ lực, năng lực tác chiến của hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ nghiên cứu chế tạo.
Cũng như kỹ thuật tàng hình đã làm thay đổi diện mạo của hình thức tác chiến đường không, khiến mạng lưới phòng không trong nước vốn tiêu tốn rất nhiều tiền của của Liên Xô trở nên lãng phí.
Sự tiến bộ về kỹ thuật đối với phương tiện bay siêu vượt âm của Trung Quốc cũng sẽ giống như vậy, cũng sẽ làm cho hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đã ngốn một lượng kinh phí khổng lồ và một nguồn tài nguyên chính trị to lớn để biến nó thành hiện thực và triển khai trở thành "vô dụng’.
Từ góc độ này cho thấy, phương tiện bay siêu vượt âm, đặc biệt là vũ khí tấn công nhanh thông thường - "trong 1 giờ tấn công toàn cầu" sẽ là kẻ thay đổi quy tắc trò chơi trong chiến tranh hiện đại. Còn Trung Quốc rất có thể sẽ là quốc gia sở hữu sớm nhất loại vũ khí hiện đại này.