Những bài học chiến trường đối với "lính cậu" ở BTL Tăng Thiết giáp: Đít xe lao xuống trước, ra sát mép vực

PGS-TS Đàm Khải Hoàn - Nguyên lái xe con BTL Tăng thiết giáp |

Dốc cao, đi chậm, nước máy sôi sùng sục, lên đeo đã khổ nhưng xuống còn khổ hơn. Đường đất đỏ trơn như đổ mỡ. Xe tôi toàn đi theo xu hướng đít lao xuống trước, ra sát mép vực.

Lính ta có câu: "Lính tiểu đoàn bằng quan đại đội" để nói về sự khác biệt giữa những người lính ở cơ quan và đơn vị. Thế mà tôi ở cơ quan Bộ Tư lệnh Tăng Thiết giáp, lại là lái xe con chuyên chạy cho các thủ trưởng... nữa thì không biết sẽ hơn bao lần.

Nhưng nói chung, lính cơ quan không chỉ sướng mà còn ngù ngờ nữa - đúng kiểu "lính cậu". Và vì vậy, khi đột xuất phải đi chiến trường thì có rất nhiều bỡ ngỡ - phải học rất nhiều!

Những bài học chiến trường đối với lính cậu ở BTL Tăng Thiết giáp: Đít xe lao xuống trước, ra sát mép vực - Ảnh 1.

PGS-TS Đàm Khải Hoàn - Nguyên lái xe con BTL Tăng thiết giáp.

Đầu tháng 3.1975, tôi nhận lệnh đi chiến trường phục vụ tiền phương Bộ Tư lệnh Tăng Thiết giáp do Tư lệnh Đào Huy Vũ chỉ huy. Đoàn gồm có 3 xe: 2 xe con Bắc Kinh chở Tư lệnh và các thủ trưởng, tôi và Điệp lái xe Vọt Tiến - loại xe tải 2 cầu, 4 bánh - chở bộ phận phục vụ: Thông tin, công binh, vệ binh...

Cứ bám ta - luy dương là ổn

Từ Vĩnh Phú vào đến sông Bến Hải nhìn chung không có gì quá khó khăn. Tuy nhiên, từ Quảng Trị trở vào thì rất nhiều chuyện mà một lái xe đã có tuổi nghề hơn 2 năm như tôi mà cũng nhiều phen toát mồ hôi hột.

Qua Đông Hà chúng tôi theo đường 9 tiến đến gần biên giới Việt Lào rồi bắt vào đường 14 Đông Trường Sơn. Tối ngủ mà hai cánh tay tôi mỏi dừ do đường 9 ổ gà ổ voi quá nhiều, lái xe phải lượn lách liên tục để tránh. Thật là chưa bao giờ tôi gặp con đường như vậy!

Khi đi vào đường 14 trời đổ mưa dầm dề, đường trơn như đổ mỡ, dốc thì cao, vực thì sâu… Tôi bắt đầu vận dụng các bài học đi ô tô trên đường trơn. Xe mới trang bị nhiều nên tôi quàng xích hai bánh sau, cài cầu, cài súp rón rén đi rất cẩn thận.

Dốc cao, lên dốc lâu, đi chậm, nước máy sôi sùng sục, xe càng lên cao càng ì ạch, thỉnh thoảng phải nghỉ cho mát máy. Lên đèo đã khổ nhưng xuống đèo còn khổ hơn. Đường đất đỏ trơn như đổ mỡ. Xe tôi toàn đi theo xu hướng đít lao xuống trước, ra sát mép vực.

Gặp tình huống như vậy phải xuống đào, chỉnh cho cân xe rồi mới đi. Đi một quãng lại dừng, lại đào bới. Dép đúc của tôi tụt hết quai, quần dài bẩn, dính toàn bùn, người mệt rũ. Vì vậy về sau tôi ngồi lái chỉ mặc mỗi có quần đùi, áo cộc tay, vai vắt khăn mặt xanh bộ đội, để cần thiết là xuống xe đào bới ngay cho nhanh.

Lúng ta lúng túng như vậy nên đi một ngày chỉ được hai ba chục cây số. Một lần đang đào bới ở lưng chừng đèo một đoàn xe Hồng Hà của Đoàn 559 (Bộ đội Trường Sơn) đi qua. Nhìn thấy tôi họ cười: "Đúng là lính mới, xe mới, đi thế sao đến đích được?".

Những bài học chiến trường đối với lính cậu ở BTL Tăng Thiết giáp: Đít xe lao xuống trước, ra sát mép vực - Ảnh 3.

Tất cả vì những chuyến hàng ra chiến trường của Bộ đội vận tải. Ảnh minh họa.

Thế rồi họ bảo tôi tháo hết xích lốp ra, bỏ cầu súp ra, đi số 1-2 thôi, tay lái là chính, đều ga, lái bám ta-luy dương, có va vào núi cũng vô tư, đừng giữ xe… Tôi làm theo, đầu tiên hơi run, sau mươi cây số dần vững tin hơn mà phóng xe và tốc độ cao hơn hẳn.

Linh hoạt, sáng tạo thế nào cũng sẽ có phần thưởng

Cơ động theo Quân đoàn 2 và sau này là cánh quân Duyên Hải, lúc thì đường rừng núi, lúc thì đồng bằng ven biển... Lương thực thì có gạo, lương khô, thực phẩm thì chỉ có thịt hộp và muối, không có rau dưa gì cả nên cẩ đoàn ai cũng xót ruột.

Tuy nhiên, sau vài hôm chịu như vậy, chúng tôi đã biết cách cải thiện cho bữa ăn của mình và các thủ trưởng.

Là lái xe cho Bộ Tư lệnh Tăng Thiết giáp nên trong khi các thủ trưởng vắt óc nghĩ cách điều binh khiển tướng, bọn chúng tôi thỉnh thoảng sử dụng người này người kia đi thực địa còn đa số được nghỉ ngơi, kiểm tra xe, sẵn sàng hành quân tiếp. Vì vậy chúng tôi cũng có khá nhiều thì giờ rỗi rãi. Và nếu chịu khó ắt sẽ có phần thưởng.

Hôm ở Cam Ranh, chúng tôi đóng quân trong một vườn hoa quả. Chuẩn bị xe xong, thấy mấy cái đìa ngoài ruộng chúng tôi rủ nhau ra tát cá xem sao. Thế là xách xô chậu, cuốc xẻng ra thực hiện. Sau khi be bờ, chúng tôi bắt đầu tát nước bằng mũ cối.

Những bài học chiến trường đối với lính cậu ở BTL Tăng Thiết giáp: Đít xe lao xuống trước, ra sát mép vực - Ảnh 4.

Xe dọc Trường Sơn đi cứu nước.

Đang hì hục tát thì có mấy người dân đến xem. Họ hỏi: "Sao các ông không lấy máy Cole mà hút có nhanh không?". Chúng tôi bảo không có và thực ra có biết Cole là cái gì đâu. Thì ra nông dân miền Nam lúc đó đã cơ giói hóa nhiều rồi nên họ biết dùng máy móc.

Chẳng cần đến máy bơm, mỗi thằng chúng tôi một mũ cối tát thật lực. Khoảng 1 tiếng thì đìa cạn, được đầy một thùng lương khô cá. Về chế biến thành canh cá, cá kho cho bữa ăn. Đến bữa, thủ trưởng nào ăn cũng khen ngon, biểu dương anh em, động viên "cứ tiếp tục".

Những bài học chiến trường đối với lính cậu ở BTL Tăng Thiết giáp: Đít xe lao xuống trước, ra sát mép vực - Ảnh 5.

PGS-TS Đàm Khải Hoàn (thời còn trẻ) - Nguyên lái xe con BTL Tăng thiết giáp.

Còn hôm đi lên Lâm Đồng rồi vòng xuống theo đường 20, chúng tôi được ăn thịt kỳ đà. Thì ra, khi đường qua rừng thủ trưởng Phùng Minh (Trưởng ban Tác chiến) nhìn thấy con kỳ đà trên cây, ông dùng khẩu car-bin bắn được. Không có nước đâu mà mổ nên mang về chất củi nướng luôn, thịt trắng như thịt gà xong ăn rất dai và ngon.

Từ hôm ấy tôi cũng thủ một khẩu car-bin lên xe nhưng rồi cũng chưa có thời cơ nào để thực hành cả. Song không bắn được thú thì rừng miền Đông cũng còn khối thứ khác. Hôm ở suối Kiết, thấy mấy anh lính cũ đào được cua, chúng tôi hỏi kinh nghiệm và thực hành ngay.

Tranh thủ lúc rỗi rãi tôi, Điệp, Hòa rủ nhau đi đào cua. Trong rừng rất nhiều hang cua, nhìn trên bề mặt chỉ là cái lỗ con con, đào sâu xuống, có lỗ sâu gần mét thấy con cua nằm trong ít bùn là tóm. Con nào con nấy béo ngậy. Thong dong một buổi chiều cũng được vài chục con, cả đoàn lại có một nồi canh ngon lành.

Những bài học chiến trường đối với lính cậu ở BTL Tăng Thiết giáp: Đít xe lao xuống trước, ra sát mép vực - Ảnh 6.

Một chiến sĩ lái xe ngồi trên chiếc xe có cửa, nóc lắp giàn tre cùng lá ngụy trang để che mắt kẻ thù. Ảnh: Philip Jones Griffiths - Magnumphotos.com

Tắm rửa ư? Cũng phải có cách đấy

Dạo đó đang là mùa khô nên trong rừng rất hiếm nước. Khi nghe nói tối nay dừng chân ở suối Kiết (thuộc địa bàn Tánh Linh, Bình Thuận), trong kho đã mấy ngày không được tắm rửa tôi phấn khởi lắm, quyết định phải tắm một cái cho thỏa thích.

Khi đến nơi đóng quân, tôi và Điệp ra suối để lấy nước ngay. Đến nơi thì thấy suối khô cạn kiệt hết nước rồi, chỉ còn có mỗi cái vũng con con. Khi mấy người đến trước nó còn là vũng nước to, múc xô hay bằng thùng lương khô được, khi chúng tôi đến thì chỉ còn vũng nước rất nhỏ chảy từ trong cát ra.

Tôi được nhắc đi phải cẩn thận, đầu tiên lấy được một bát nước, nhẹ nhàng đổ vào bi đông để uống, còn lại đổ vào khăn mặt để lau mặt lau người. Bát thứ hai thì phải lấy thìa múc vào bát đầy thì mới đổ vào khăn mặt để lau tiếp. Phải mất khoảng 15 phút mới được 3 bát nước. Nhưng thế là tươm rồi.

Đúng là "tưởng bở"! Lúc quay về, tôi nói vui với Điệp: "Rửa thế thôi, bọn thú rừng không tắm có chết đâu!". Cả hai cùng cười ngặt nghẽo với nhau.

Đúng là "Đi một ngày đàng học sàng khôn!". Các cụ nói cấm có sai câu nào!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại