Tác dụng của nước mắm với sức khoẻ
Nước mắm là gia vị đặc trưng của ẩm thực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Có thể bạn dùng nước mắm hàng ngày để nấu ăn, nhưng đã khi nào bạn thắc mắc nước mắm có tác dụng gì chưa. Dưới đây là những tác dụng của nước mắm:
Giàu chất đạm
Nước mắm là nguồn cung cấp dồi dào chất đạm (protein). Chỉ với 1 thìa canh nước mắm (tương đương 14,7ml) có thể cung cấp tới 2g chất đạm.
Đạm là chất dinh dưỡng đa lượng cần thiết góp phần cấu tạo và sửa chữa các mô, hỗ trợ phát triển cơ bắp và duy trì sức khỏe tổng thể.
Ít calo
Thêm nước mắm vào các món ăn không chỉ tăng hương vị, sự đậm đà mà còn có thể hạn chế tăng quá nhiều calo vào chế độ ăn. Một thìa canh nước mắm chứa khoảng 10 calo.
Giàu khoáng chất
Nước mắm là loại gia vị có hàm lượng khoáng chất ấn tượng. Natri là khoáng chất nhiều nhất trong nước mắm. Bên cạnh đó là các khoáng chất khác thiết yếu cho cơ thể như kali, phốt pho và magiê. Những khoáng chất này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì lượng nước thích hợp, hỗ trợ sức khỏe của xương cũng như các chức năng sinh lý khác.
Một số khoáng chất khác trong nước mắm đó là canxi, đồng, sắt, mangan, selen, kẽm.
Giàu vitamin B
Nước mắm chứa một số vitamin B, bao gồm thiamin (B1), riboflavin (B2) và niacin (B3). Những vitamin này rất quan trọng trong việc sản xuất năng lượng, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và tăng cường chức năng não bộ. Thêm nước mắm vào bữa ăn là cách đơn giản để bạn thu được các lợi ích này một cách tự nhiên.
Tăng hương vị cho món ăn
Nước mắm được sử dụng đa dạng, trong nhiều món ăn khác nhau. Nước mắm còn là nguyên liệu chính của nhiều loại nước sốt, nước chấm “nâng tầm” hương vị, chất lượng món ăn. Việc tăng hương vị cho món ăn cũng sẽ giúp bạn ăn ngon miệng hơn.
Chứa nhiều chất chống oxy hóa
Nước mắm chứa chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do có hại. Chất chống oxy hóa có tác dụng giảm căng thẳng oxy hóa và tăng cường sức khỏe tổng thể. Hàm lượng chất chống oxy hóa trong nước mắm sẽ khác nhau, tùy thuộc vào quy trình sản xuất và loại cá được chọn làm nước mắm.
Những người không nên ăn nước mắm
Nước mắm mang lại nhiều tác dụng cho sức khoẻ lại là một gia vị quen thuộc trong gian bếp của người Việt. Báo Thanh Niên dẫn lời BS.CK1 Đào Thị Yến Thủy (chuyên gia dinh dưỡng) khẳng định mắm là món khoái khẩu nhưng chỉ nên dùng thỉnh thoảng với số lượng càng ít càng tốt vì không tốt cho sức khỏe.
Theo bác sĩ Thuỷ, do lượng muối trong mắm rất cao nên những người cao huyết áp, bệnh tim, phù thũng, suy thận, tiểu đường cần hạn chế ăn, thèm quá cũng chỉ nên ăn một hai lần trong tuần với số lượng ít.
Người mập phì, nhất là trẻ em, cũng không nên ăn quá thường xuyên. Tuy trong mắm năng lượng cung cấp ít nhưng nó lại làm người ta ăn nhiều cơm hơn bình thường, có thể làm trẻ em không ăn đủ chất đạm (thịt, cá, tôm, trứng, đậu hũ) cần thiết trong bữa ăn và làm mất tính cân đối các chất dinh dưỡng trong bữa ăn.
Ở trẻ em cũng như người lớn, ăn mặn thường xuyên có thể dẫn đến cao huyết áp hoặc các biến chứng nguy hiểm khác như phì đại tim, tai biến mạch máu não, liệt nửa người. Ăn mặn cũng dễ gây ra chứng phù thũng ở những người thận yếu, suy tim. Lượng muối ăn chỉ nên 6-10g/ngày, tức là phải hạn chế muối, mắm và các món mặn khác trong khẩu phần ăn, vì ăn ít muối thì tốt hơn ăn nhiều. Riêng đối với người có bệnh lý về huyết áp hay tiểu đường thì nên hạn chế tối đa ăn mặn.
Những điều cần lưu ý khi ăn nước mắm
Không nên ăn quá một thìa: Báo Vietnamnet dẫn nguồn SBS cho biết, theo báo cáo từ Viện Sức khỏe Toàn cầu George, VicHealth và Quỹ Tim mạch Australia, chỉ cần ăn một thìa nước mắm (15ml) là bạn đã tiêu thụ gần hết lượng muối được khuyến nghị cho cả ngày.
Khi phân tích hàm lượng muối của 157 sản phẩm nước sốt phổ biến, các tác giả phát hiện nước mắm mặn nhất. Vì vậy, những người cần ăn nhạt như người có huyết áp cao, mắc ung thư, bệnh xương khớp, tiểu đường nên hạn chế ăn nước mắm.
Không ăn nước mắm để qua đêm: Nước mắm đã có thời gian sản xuất và lên men dài, không cần cất giữ trong tủ lạnh. Tuy nhiên, đó là khi nước mắm để trong chai, chưa sử dụng.
Khi pha chế để chấm, nước mắm được bổ sung nhiều thành phần khác như đường, nước lọc, ớt, chanh, hoặc dính thức ăn thừa (rau, thịt, cá) và cả vi khuẩn từ đũa thìa. Các yếu tố trên làm nảy sinh chất độc gây hại cho cơ thể, đặc biệt khi bạn để nước mắm qua đêm trong điều kiện nhiệt độ môi trường bên ngoài.
Vì thế, tốt nhất bạn chỉ nên pha lượng nước mắm vừa phải, không dùng sang bữa thứ 2.