Nhóm chuyên gia 'hiến kế' 7 giải pháp giúp Việt Nam chống dịch COVID-19 hiệu quả hơn

Nhóm nghiên cứu chống dịch COVID toàn cầu |

Nhóm nghiên cứu chống dịch COVID-19 toàn cầu vừa đưa ra những đề xuất thay đổi cho công cuộc phòng, chống dịch tại Việt Nam đạt được hiệu quả tối đa.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bất cập trong công tác chống dịch

Từ tháng 03/2021 đến nay, chúng ta đã có tổng cộng 3 chỉ thị (CT-15, 16 và 19), nhiều biện pháp và quy định mới để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước.

Tuy nhiên, do số lượng các chỉ thị (cùng với 3 chỉ thị có trước đó là 10, 11, và 12 chỉ cho biện pháp giãn cách), biện pháp và mô hình phòng chống dịch được đưa vào áp dụng nhanh chóng và có nhiều thay đổi trong thời gian ngắn gây ra nhiều khó khăn và bất cập trong công tác thực hiện.

Vào đợt dịch này, chúng ta lại đưa ra các chỉ số để quy định vùng xanh, vàng, đỏ trong cùng một thành phố và tỉnh khá phức tạp mà chưa một quốc gia nào đã và đang thực hiện. Để thoát ra khỏi giãn cách, một loạt chỉ số tính toán rất phức tạp được đề nghị cho mỗi tỉnh thành, từ các nhà nghiên cứu đến các địa phương đều rất khó khăn để thi hành.

Trong khi đó, Nhật Bản đưa ra tiêu chuẩn giảm mức độ giãn cách rất đơn giản dựa vào số giường bệnh và ICU còn trống để có thể tiếp nhận bệnh nhân mới gia tăng sau khi gỡ bỏ giãn cách.

Việc đề xuất nhiều đổi mới trong công tác phòng chống dịch nhưng không đi đôi với việc tập huấn đồng bộ cùng với trình độ cán bộ cấp dưới không đồng đều, thiếu kinh nghiệm dẫn đến việc chưa theo kịp để có thể ứng phó tốt với tình hình dịch bệnh thực tiễn.

Nhóm chuyên gia hiến kế 7 giải pháp giúp Việt Nam chống dịch COVID-19 hiệu quả hơn - Ảnh 1.

Nhiều chỉ thị được đưa ra trong thời gian ngắn khiến các địa phương lúng túng. (Ảnh minh họa)

Thay đổi để thực hiện hiệu quả hơn

Từ những bất cập nêu trên, các chỉ thị và biện pháp chống dịch khi được đưa ra cần có những thay đổi để việc thực hiện được hiệu quả hơn, cụ thể:

Thứ nhất, các chỉ thị cần phải thống nhất, đơn giản, dễ hiểu để người dân có thể dễ dàng thực hiện. Tránh việc có quá nhiều chỉ thị gây ra nhầm lẫn và khó khăn trong việc tiến hành thực hiện, như điều chỉnh lại 3 mức độ giãn cách và dùng mức độ 1, 2, và 3 cho người dân dễ hiểu.

Thứ hai, đi kèm theo đó cần có hướng dẫn cụ thể thông qua những hạng mục cần hoàn thành và thực hiện kiểm tra mỗi ngày ứng với từng đơn vị, cấp phường, xã, thành phố và cho từng đối tượng thực hiện khác nhau trong xã hội (ví dụ như các hạng mục cần thiết lập và kiểm tra hàng ngày tại khu cách ly).

Thứ ba, lựa chọn những tiêu chuẩn đơn giản dễ hiểu, hợp lý, và có tính khả thi cho mọi địa phương dựa vào kinh nghiệm của các nước đi trước đã thành công. Ví dụ tại sao Nhật Bản chỉ cần 1 tháng giãn cách theo chỉ thị giữa 19 và 16 tại các thành phố lớn đã khống chế dịch từ 27,000 ca xuống 3000 ca mỗi ngày.

Thứ tư, các biện pháp chống dịch trước khi đưa vào thực hiện rộng rãi trong cộng đồng cần được phản biện bởi các chuyên gia và nhà khoa học để có thể phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh trong nước. Việc làm trên nhằm tránh tình trạng thay đổi chiến lược liên tục làm các cấp chính quyền và người dân khó khăn trong việc nắm bắt và thực hiện (ví dụ như Nhật hầu như không có một chỉ thị hay biện pháp nào thay đổi trong hơn một năm nay. Họ chỉ nâng mức độ giãn cách tương đương với chỉ thị 19 lên chỉ thị 16, đồng thời các biện pháp khác gần như giữ nguyên, nhưng họ đã ngoạn mục vượt qua 5 sóng dịch).

Thứ năm, cần tổ chức các đợt tập huấn một cách đồng bộ thường xuyên mỗi tuần thông qua hình thức hội nghị trực tuyến bởi các cấp và được giám sát bởi cấp chống dịch cao hơn. Để thực hiện, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cần xây dựng mạng lưới đội ngũ độc lập huấn luyện các cấp chống dịch từ Tỉnh xuống tới phường xã.

Thứ sáu, thực hiện tuyển thêm và tập huấn cho những người thực hiện nhiệm vụ truy vết tiếp xúc các đối tượng tiếp xúc gần với người dương tính với SARS-CoV-2. Việc truy vết có tầm quan trọng trong việc xác định nguồn lây bệnh và cách ly người có yếu tố nguy cơ về dịch tễ nhằm giúp giảm sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Thứ bảy, nghiên cứu các quốc gia đã trải qua dịch lan rộng trong cộng đồng để tìm hiểu tại sao họ thành công (hay thất bại) khi vượt qua các cơn sóng dịch.

Nhóm tác giả:

- PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Huy (Khoa Y, Trường Bệnh Nhiệt Đới và Sức Khỏe Toàn Cầu, Đại học Nagasaki, Nhật Bản);

- Lê Thái Thiên Nhân (Khoa Y, Trường Đại Học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM, Việt Nam);

- Cù Thanh Ngân (Khoa Y, Đại Học Y Dược Thành Phố HCM); Phạm Thiên Trang (Đại Học Y Dược-Đại học Huế);

- Huỳnh Thị Mỹ Tâm (Khoa Y- Đại Học Đà Nẵng);

- Nguyễn Thị Hoài (Khoa Y, Đại học Y dược Huế);

- Đinh Thị Kim Quyên (Khoa Y, Đại Học Y dược TPHCM);

- Cao Thị Yến ( Khoa Y, Đại Học Tây Nguyên).

Nhóm nghiên cứu chống dịch COVID toàn cầu (https://www.onlineresearchclub.org/covid-19-preventive-measures).


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại